Sĩ quan, chiến sĩ trẻ lữ đoàn 125 thắp hương kính viếng má Mười Riều - Ảnh: Đông Hà |
Trong thời kỳ gian khổ nhất vào những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, má đã hiến hàng chục cây vàng để đóng tàu không số ra miền Bắc chở vũ khí về chi viện chiến trường miền Đông.
Ngày 24-7, má Mười Riều đã từ trần tại nhà riêng ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hưởng thọ 95 tuổi.
Thế hệ ngày nay biết và nhớ đến má như một người có những việc làm thiết thực cho cách mạng trong những năm chống Mỹ.
Chồng và con của má cũng là những người con kiên trung của cách mạng. Chồng má là liệt sĩ Lê Văn Riều và con trai má là ông Lê Hà (76 tuổi), nguyên thuyền trưởng đoàn tàu không số, nay là lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân.
Trong đám tang của má mình, ông Lê Hà nhớ lại vào những năm đầu thập kỷ 1960, khi chiến trường miền Nam thiếu vũ khí để đánh giặc, theo yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam, nhiều địa phương đã dùng ghe thuyền ra miền Bắc chở vũ khí vào đánh giặc.
Tại Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu) lúc ấy, dưới sự chỉ đạo của nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (Năm Đông) cũng muốn dùng ghe thuyền ra Bắc nhưng ngặt nỗi không có tiền để đóng ghe thuyền.
“Bác Năm Đông liền đem nỗi trăn trở này tâm sự với cha và má tôi. Cuối cùng má tôi quyết định đem toàn bộ số vàng của mình gom góp được từ bấy lâu và vận động bà con, người thân góp thêm tổng cộng được 20 cây vàng đưa cho bác Năm để sắm ghe vượt biển ra Bắc. Lúc ấy, má tôi chỉ nói ngắn gọn với bác Năm rằng: Anh khỏi lo đi, cái này để tui lo”.
Khi đã có phương tiện, một chuyện quan trọng nữa cần kíp phải giải quyết là chọn người rành đi biển để ra Bắc. Ngay lập tức, má Mười Riều đã xung phong cho con trai mình là Lê Hà cùng năm người con khác của vùng miền đông Đất Đỏ vượt biển ra Bắc. “Từ đó, tôi trở thành người chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam” - ông Lê Hà tự hào nói.
Ông Lê Hà cho biết thêm đầu năm 1962, trên chiếc ghe do chính má mình bỏ tiền ra mua, ông cùng năm người khác khởi hành ra Bắc.
Trên đường đi, khi đến Cam Ranh (Khánh Hòa), do tàu hỏng máy nên bị địch bắt giữ và điều tra. Nhưng nhờ đã chuẩn bị kỹ càng, những chiến sĩ không bị phát hiện và được thả ra sau một tháng bị giam giữ, điều tra.
Sau khi được thả, ông Lê Hà cùng các đồng đội đã quyết định tiếp tục lên đường ra Bắc mà không quay trở về. Và chuyến đi đã thành công. Những năm sau, con trai của má Mười Riều đã trở thành thuyền trưởng của một tàu không số chở vũ khí vô Trà Vinh chi viện miền Nam cho đến lúc bị địch bắt vào tháng 4-1972.
Để ghi nhận công ơn và tỏ lòng kính trọng với má, từ mấy chục năm qua, lữ đoàn 125 đã luôn thăm hỏi, động viên và phụng dưỡng má.
“Trong lòng tôi, má Mười Riều luôn là một bà má anh hùng. Tấm lòng, tình cảm của má là động lực lớn cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ như tôi luôn hướng đến và quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất” - đại úy Lê Thanh Trâm, trợ lý chính sách phòng chính trị lữ đoàn 125, xúc động nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận