05/07/2015 08:27 GMT+7

Người mang lại âm thanh cuộc sống

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - người có công chữa cho rất nhiều bệnh nhi khỏi bệnh điếc. Bà là một trong những gương mặt được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bà là một trong những gương mặt tham dự Đại hội thi đua yêu nước TP.HCM lần thứ VI.

Dù không còn làm việc tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM nhưng mỗi lần ngồi xem lại video clip những em bé bi bô tập nói, tập hát, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung vẫn nghe trong lòng trào dâng những cảm xúc khó tả.

Đó là clip quay những bệnh nhân nhí được phẫu thuật cấy điện ốc tai mà các đồng nghiệp hay người nhà bệnh nhân gửi tặng bà.

Với những đứa trẻ bị điếc bẩm sinh, hành trình để gọi về âm thanh, gọi về tiếng nói là một hành trình nhiều gian nan, nhiều âu lo, có cả tiếng cười và nước mắt.

Hơn hai năm trôi qua rồi mà chị Thu Hà (ngụ đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM) vẫn chưa quên được cái ngày mà bác sĩ cho biết bé Bảo Hân con chị bị điếc bẩm sinh cả hai tai.

Hồi bé 4 tháng tuổi, bà nội bé cứ thắc mắc sao mỗi khi gọi thì bé thường lơ đễnh không tập trung. Vợ chồng chị vẫn nghĩ tại con còn bé nên thế thôi. Mấy tháng nữa trôi qua, thấy tình hình không có gì khá hơn nên chị bồng con đi khám.

“Bé tròn 9 tháng là lúc tôi đem con đến Bệnh viện Tai mũi họng. Nói thật, tôi có người nhà bên Úc, nếu đem con đi Úc phẫu thuật cũng được nhưng nghĩ đến quãng đường xa, rồi quá trình sau phẫu thuật phải đi lại rất nhiều lần, tôi quyết định làm tại Việt Nam bằng kỹ thuật cấy điện ốc tai”, chị Hà kể.

Và rồi kết quả phẫu thuật đã chứng minh quyết định của chị không sai, bé Bảo Hân nghe được rồi, gọi được mẹ, ba. “Bây giờ bé hơn ba tuổi, lanh lợi, hoạt bát và nói chuyện như sáo”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung khám bệnh cho một bệnh nhi - Ảnh: Quang Định
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung khám bệnh cho một bệnh nhi - Ảnh: Quang Định

Cùng tâm trạng như chị Hà, chị V., mẹ của bé N.Q., cũng từng vô cùng âu lo khi biết con mình không thể tiếp nhận âm thanh như những đứa trẻ bình thường. 27 tháng trôi qua kể từ ngày sinh con, hai vợ chồng chờ mãi không nghe tiếng con bi bô tập nói.

Duyên may, chị biết được Bệnh viện Tai mũi họng TP có thực hiện phẫu thuật đặt ốc tai để chữa điếc. “Âm thanh đầu tiên mà con phát ra là tiếng “ùm” - bé kêu lên khi đòi ăn. Nghe con “ùm” mà hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc vì mừng quá” - chị V. kể.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Dung nói: “Tôi quyết tâm theo đuổi, gắng hết sức để bệnh viện mình làm được phẫu thuật này là vì trước đây tôi từng là trưởng khoa nhi. Rất nhiều người cha, người mẹ chờ mong mãi không nghe con nói - chỉ nghĩ là bé bị câm thôi. Khi bác sĩ bảo “Tại bé điếc nên mới câm” thì lời chẩn đoán đó không khác gì lời tuyên án cho số phận của con mình. Họ sụp xuống, khóc xin bác sĩ cứu con. Người ta có thể bán đất bán nhà để cứu con - chỉ mong con nghe được âm thanh cuộc sống”.

Bác sĩ Dung (lúc đó ở cương vị giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP) quyết tâm cùng với ban lãnh đạo bệnh viện phát triển phẫu thuật “cấy điện ốc tai”, thực hiện quy trình khép kín từ khâu chẩn đoán, chỉ định đến phẫu thuật và luyện âm sau phẫu thuật.

Cho đến nay Bệnh viện Tai mũi họng TP là đơn vị đầu tiên và gần như duy nhất trên cả nước thực hiện thường quy phương pháp phẫu thuật này bởi chính các phẫu thuật viên người Việt.

“Ngay từ khi quyết định làm, chúng tôi cử người đi học, liên kết đào tạo để làm sao những chuyên viên của mình có thể tự lực cánh sinh thực hiện trọn quy trình bằng sức mình. Đến nay, điều tâm đắc nhất là đội ngũ y bác sĩ người Việt đã có thể tự đảm nhận toàn bộ quy trình “cấy điện ốc tai”.

“Từ những năm đầu chỉ có một vài ca thì những năm sau này mỗi năm phẫu thuật cho gần 30 ca. Kể cả khi tôi rời bệnh viện, quy trình vẫn được tiến hành trọn vẹn. Một ca mổ ban đầu kéo dài 3 giờ, sau giảm còn 2 giờ rồi 1 giờ”, bác sĩ Dung kể.

Bà cũng nhớ mãi ca phẫu thuật đầu tiên, khi bé được 3 tuổi, bác sĩ điều trị và chuyên viên luyện âm dẫn bé đến chào bà. Khi bé cất giọng bi bô: “Chào bác sĩ” rồi hát líu lo bài Cháu lên ba, bà đã khóc. Ba mẹ cháu bé và các bác sĩ có mặt ở đó cũng đều rơi nước mắt.

Theo bác sĩ Dung, nếu so sánh chi phí phẫu thuật từ 30.000 - 60.000 USD/ca khi thực hiện ở nước ngoài và 15.000 - 30.000 USD/ca khi làm tại VN, người bệnh có thể tiết kiệm được khá nhiều. Chưa kể phẫu thuật trong nước còn tiết kiệm được chi phí đi lại nhiều lần để kiểm tra, điều chỉnh sau phẫu thuật.

Nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ

Để có được chuyên viên âm ngữ trị liệu mà ở Việt Nam chưa từng đào tạo, bác sĩ Dung phải nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài để đào tạo lực lượng này tại Việt Nam.

Bà chủ động liên hệ với các chuyên viên âm ngữ trị liệu của Úc, cùng phối hợp thành lập tổ chức Trinh Foundation tài trợ cho việc tổ chức hai khóa đào tạo dài hạn chuyên viên âm ngữ trị liệu (2010-2012 và 2012-2014).

Đến nay 36 học viên của hai khóa đã và đang nhân rộng kiến thức học được qua việc đào tạo lại và viết tư liệu hướng dẫn, làm nên những kỳ tích trong việc phục hồi chức năng nói và nuốt cho bệnh nhân.

Những đóng góp của bác sĩ Dung và đội ngũ chuyên viên âm ngữ trị liệu đã được bệnh nhân và đồng nghiệp đánh giá cao và được phổ biến trong các hội nghị, hội thảo, các bài báo cáo khoa học.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên