22/12/2009 05:42 GMT+7

Người lính của rừng thiêng Trần Hưng Đạo

ĐỨC BÌNH - ĐÌNH THẮNG
ĐỨC BÌNH - ĐÌNH THẮNG

TT - Kể từ ngày 34 đội viên đứng dưới cờ tại rừng thiêng Trần Hưng Đạo tuyên thệ “Hi sinh tất cả vì Tổ quốc VN, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít” thì đội viên đội VN tuyên truyền giải phóng quân xưa chỉ còn hai người. 65 năm sau, chúng tôi về Tuyên Quang và trò chuyện với một trong hai con người đã được lịch sử lựa chọn ngày xưa ấy!

xXhQGhXW.jpgPhóng to
Ở tuổi 86, cụ Hà Hưng Long vẫn còn đầy hào khí thời VNTTGPQ của 65 năm về trước - Ảnh: T.Vang

Người thứ nhất là cụ ông Tô Văn Cắm hiện sống ở Lâm Đồng. Người thứ hai là cụ Hà Hưng Long sống ở Tuyên Quang.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm sâu trong một ngõ nhỏ, tĩnh lặng, sát bên sườn đồi vùng ngoại ô thị xã Tuyên Quang. Đón chúng tôi tận ngoài cửa, người lính già chỉnh tề trong bộ quân phục cũ cùng vợ là cụ bà Phùng Thị Lương, 83 tuổi, cũng là một lão thành cách mạng. Ông hóm hỉnh mở màn: “86 tuổi rồi, nhưng nhờ giời và tiên tổ tai vẫn nghe được, mắt vẫn xem tivi được!”. Ông cười tươi khoe hàm răng gần như còn nguyên.

Sự chọn lựa của lịch sử

Ông bắt đầu câu chuyện như một ký ức vang vang hào sảng. Rằng ông sinh vào năm 1924 tại bản Gia Tự, xã Nam Tiến, huyện Hòa An. Đấy là vùng căn cứ kháng chiến nên những thiếu niên từ 12, 13 tuổi đã đi theo Việt Minh. “Nhà tôi có bảy anh em thì ai cũng giác ngộ, hoạt động cách mạng. Khi đó mới 16 - 17 tuổi, tôi được anh Nguyễn Bằng Giang (cũng người Cao Bằng, sau này là trung tướng, tư lệnh quân khu) dìu dắt, đưa vào tổ chức. Đưa tôi vào tổ chức, anh Giang bảo: vào Việt Minh là đánh đuổi phát xít để dân ta đỡ khổ, sẽ có ruộng cày cấy, không phải sưu cao thuế nặng, chẳng phải đi lính cho giặc nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Vào tổ chức được một thời gian ngắn (năm 1941) ông Hà Hưng Long được cử đi học ở Trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Hoàng Minh Thảo, Nam Long... đến tháng 10-1944 về nước. Về nước hai tháng, ông được tổ chức chọn đưa vào danh sách 34 đội viên đầu tiên của Đội VN tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).

oljX9VI5.jpgPhóng to

Vợ ông, cụ bà lão thành cách mạng Phùng Thị Lương, 83 tuổi. Là người từng sát cánh suốt quá trình chinh chiến của chồng, nghe tin ông được mời về chiến khu xưa kể chuyện cho lớp con cháu nghe, bà bảo: “Ấy là nỗi đau đáu của cụ và con cháu chúng tôi!”. Họ khát khao muốn cho lớp trẻ biết được thật nhiều về trách nhiệm làm người khi đất nước lâm nguy!

Mọi thứ như một sự tình cờ chọn lựa của lịch sử: “Khi đó, ngày 22-12-1944, tôi tròn 20 tuổi đang căng đầy nhiệt huyết. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tuyên thệ 10 lời thề danh dự, tôi và nhiều anh em khác xúc động đến rơi nước mắt. Xúc động vì từ nay mình được đứng trong một tổ chức để đi tuyên truyền, tham gia đánh đuổi phát xít giành lại độc lập cho Tổ quốc, chứ có ai nghĩ đó là ngày lịch sử thành lập quân đội đâu”.

Người lính già tiếp tục câu chuyện đánh đuổi phát xít ngay sau ngày thành lập đội, trận đánh đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần (nay thuộc huyện Nguyên Bình) vào 25 và 26-12. Hai trận đánh tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà 65 năm qua ông Long vẫn không quên được: “Lệnh ở trên là phải đánh thắng dù vũ khí ta ít, địch nhiều nhưng ta vẫn đánh thắng rất nhanh. Anh Cả (đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ huy rất giỏi. Hồi đấy đã nghĩ ra cách đánh du kích, đi trinh sát dò la từ trước, lên kế hoạch chia từng mũi tấn công hẳn hoi…”.

Ông kể: đồn Phai Khắt vốn dĩ là nhà của đồng chí đội viên trong đội Nông Văn Lạc. Trong đồn có một cai người Pháp và hơn 20 lính đánh thuê người Nùng, người Dao. Qua “bé Hồng” - một thiếu niên mới 12 tuổi thường xuyên đem rượu, thức ăn vào đồn cho giặc, chỉ huy đội đã nắm được cách bố phòng của địch trong đồn, nơi nào địch ngủ, chỗ nào là nơi cất súng, cai tây ở phòng nào... để lên phương án đánh đồn.

Chiều tối 25-12, các đội viên chia thành nhiều hướng phục kích. Một đội cải trang làm quan trên có lính đi tuần, hiên ngang vào đồn và nhanh chóng khống chế toàn bộ quân địch, thu hết súng đạn. Sau khi đánh chiếm xong Phai Khắt, đội tiếp tục hành quân xuyên đêm, vượt hơn 15km đường rừng đến xã Cẩm Lý, tiếp tục dùng mưu tập kích đồn Nà Ngần. Đến sáng 26-12 ta chiếm hoàn toàn đồn Nà Ngần, bắt 30 lính, tiêu diệt hai cai chỉ huy (trong đó có một sĩ quan Pháp), thu nhiều vũ khí…

Sau hai trận đánh này, uy tín của đội VNTTGPQ lên rất cao, cổ vũ rất nhiều cho các đội viên và người dân vùng căn cứ. Số đội viên cứ mỗi ngày một tăng…

Người lính không quân hàm

Quay sang người vợ nãy giờ vẫn ngồi bên cùng giúp gợi nhớ những chi tiết đã bị thời gian làm mờ đi, ông cười hóm hỉnh: “Tôi gặp vợ tôi vào thời điểm đang tiễu phỉ trên Hà Giang. Vợ tôi là con gái Tuyên Quang gốc. Nay đã 83 tuổi, kém tôi ba tuổi, nhưng bà ấy lại được kết nạp Đảng trước tôi ba tháng”.

Bà cụ Lương tiếp lời chồng: “Ngoài 85, sức yếu rồi, không đi xa được, chẳng biết đi gặp Bác Hồ lúc nào đâu. Đồng đội trong đội 34 người giờ chỉ còn mình ông với ông Tô Tiến Lực (tức Tô Văn Cắm) sống mãi tận Tây nguyên xa lắc. Ông ấy chỉ mong có sức khỏe để một lần cuối được trở lại quê hương Cao Bằng, trở lại rừng thiêng Trần Hưng Đạo…”.

Theo các tài liệu lịch sử, Đội VNTTGPQ, tiền thân của QĐND VN, thành lập ngày 22-12-1944 tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Quân số ban đầu gồm 34 người (31 nam, ba nữ), do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung. Vũ khí của đội có hai súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp.

Đến lúc này chúng tôi mới để ý đến những tấm hình treo gần kín bức tường, từ hình 34 đội viên đứng dưới cờ đến ảnh gia đình, bạn bè và đặc biệt là tấm hình ông Long chụp cùng tướng Giáp. Hầu hết bức ảnh chụp ông Long trong bộ quân phục nhưng không thấy quân hàm.

Tôi hỏi, ông cười không nói, bà Lương mau miệng: “Ông nhà tôi chuyển ngành từ tháng 8-1958, mà tới tháng 12-1958 Nhà nước mới phong quân hàm, lúc đấy ông ấy đâu còn trong quân đội nữa mà phong hàm. Tôi cũng biết tính ông, việc chính là phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc. Lúc chiến đấu sự sống cái chết còn chẳng màng, khi nghỉ hưu thì so đo mà làm gì!”.

Hỏi về những đồng đội cũ, ông kể: “Anh Cắm ở rất xa, tận mãi Lâm Đồng, lâu rồi cũng chẳng liên lạc được. Đợt 60 năm (22-12-2004), chúng tôi còn có ba người nhưng giờ chỉ còn hai. Khi anh Bế Kim Anh ở ngay Cao Bằng mất, tôi gần ngay đây còn chẳng hay biết gì. Dịp đó nhờ tỉnh ủy, tôi cũng được về Hà Nội gặp lại “anh Cả” - đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gặp nhau chúng tôi mừng lắm, anh Cả hơn tôi mười mấy tuổi nên sức cũng yếu rồi. Tôi xúc động bởi thấy đại tướng vẫn nhớ tôi là Hà Hưng Long. Anh gọi tôi và yêu cầu chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Gặp nhau, bao chuyện xưa như sống lại nhưng khó có thể nói hết, cả hai đều đã 80-90 tuổi. Anh Cả bảo “mừng lắm rồi”, thế cũng đủ nói lên tất cả!”.

Khi Đội VNTTGPQ hợp nhất với Cứu quốc quân (15-5-1945) và một số đơn vị du kích thành lực lượng Việt Nam giải phóng quân, ông Hà Hưng Long được cử làm đại đội trưởng đại đội giải phóng quân tỉnh Bắc Kạn rồi làm chính trị viên tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Hà Tuyên, Liên khu 10. Tháng 10-1947 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Liên tiếp các năm sau đó, ông đi chiến đấu khắp nơi từ Cao Bằng sang Tây Bắc rồi đi Thượng Lào và về tham gia giải phóng Điện Biên (4-1954).

Sau chiến thắng Điện Biên, ông được cử sang làm chỉ huy đoàn canô Hồng Hà, đóng ở bến Phà Đen (Hà Nội). Từ tháng 8-1958, ông chuyển ngành sang làm bên Bộ Công nghiệp, rồi về hưu năm 1977 với chức vụ giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Hà Tuyên...

Trong câu chuyện khó biết đó là cụ ông 86 tuổi, mỗi tháng đến bệnh viện một lần để truyền máu chữa căn bệnh suy tủy. Có một cụ ông Hà Hưng Long khác đang vui vẻ hài lòng với cuộc sống của mình. Cuộc sống của những người đã sống và chiến đấu hết mình khi vận mệnh quốc gia nguy khốn, khi lịch sử yêu cầu và họ đã ghi tên mình trong cột mốc thời gian. Nghe chúng tôi ngỏ ý về việc mời cụ cùng cụ Tô Văn Cắm làm khách mời vinh dự trong chương trình “Về nguồn” mà báo Tuổi Trẻ sắp tổ chức tại mảnh đất lịch sử Cao Bằng vào cuối tháng 1-2010, ông cười vang cả nhà!

ĐỨC BÌNH - ĐÌNH THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên