16/03/2018 08:07 GMT+7

Người giấu mặt: Lời sẻ chia với người yếu thế

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Ngồi trong bóng tối, đối diện với người dẫn chương trình, nhân vật của Người giấu mặt kể câu chuyện về những tháng ngày cùng cực, tìm kiếm ánh sáng hi vọng cho cuộc đời mình.

Người giấu mặt: Lời sẻ chia với người yếu thế - Ảnh 1.

MC Trịnh Lê Anh cùng một khách mời của Người giấu mặt - Ảnh: N.Q.L.

Chúng tôi kiên trì với mục tiêu đây là nơi để những người yếu thế trong xã hội cũng được quyền cất lên tiếng nói và được lắng nghe

Anh Nguyễn Hồng (chủ nhiệm chương trình Người giấu mặt)

Xuất hiện trên sóng ANTV với ba buổi mỗi tuần, Người giấu mặt đang trở thành chương trình gây chú ý với đông đảo khán giả truyền hình.

Chương trình có kết cấu kiểu "talk show" kinh điển, chỉ người dẫn chương trình với nhân vật. Điểm khác biệt ở đây là MC nói rất ít, chủ yếu giữ vai trò lắng nghe, chia sẻ và gợi mở; còn lại nhân vật chính bày tỏ nỗi lòng của mình. 

Điều đáng nói khác, người ngồi trước MC ở đây thường không phải "ngôi sao" nổi tiếng, mà đa số là những người dân bình thường, những người "thấp cổ bé họng", ít có cơ hội chia sẻ những vấn đề khó nói của bản thân, gia đình hay những người xung quanh mình gặp phải.

Những góc khuất tưởng chừng mãi giữ kín

Trong toàn bộ chương trình, nhân vật chính được giấu mặt bằng các kỹ thuật ánh sáng. Vì không rõ mặt người kể chuyện nên những gì tạo nên sức thu hút tập trung ở những gì mà người đó kể. 

Sau mỗi số ghi hình, những góc cạnh khác nhau của cuộc sống hôm nay được hiện diện qua những nhân vật người thật, việc thật đã ngồi trước ống kính để giãi bày, tìm kiếm sự giải tỏa trước những góc khuất tưởng chừng sẽ mãi được giữ kín trong suốt cuộc đời mình.

Đã có những câu chuyện thương tâm được nhiều "người giấu mặt" mang đến, khiến người xem dồn dập gọi đến đường dây nóng để mong muốn, yêu cầu những người thực hiện chương trình theo đuổi sự việc đến cùng, giành lại công bằng cho người bị hại. 

Một ví dụ gần đây là câu chuyện của một người phụ nữ nông thôn vừa làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch vừa nuôi người chồng tâm thần và 3 con thơ. 

Gánh nặng cơm áo khiến chị không có nhiều thời gian dành cho con đã khiến kẻ hàng xóm dù biết mình có HIV nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đồi bại với con gái thứ hai của chị. Dù tòa án đã có quyết định khởi tố nhưng gần 5 tháng trôi qua, thủ phạm vẫn chưa bị đưa ra xét xử.

Câu chuyện khác về một ông bố ở Hải Dương cũng đến với Người giấu mặt trong cảm giác đau đớn và bất lực khi con gái anh bị chính người thân là ông cậu (cậu ruột của mẹ), người mà hằng ngày cháu vẫn gọi là "ông ngoại" hãm hiếp nhiều lần. 

Đau lòng nhất là người đàn ông này đã có hành vi tương tự với nhiều bé gái khác trong xóm, y cũng từng nhận tội với công an xã về hành vi của mình (với một bé gái khác). 

Tuy nhiên, sau khi lá đơn tố cáo của nhân vật bị tung lên mạng, con gái anh rơi vào tình trạng mất cân bằng về tâm lý khi liên tục bị bạn bè chế giễu, các gia đình khác liền quyết định im lặng, không tham gia tố giác kẻ dâm ô vì sợ con gái họ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

"Một chương trình rất khó thực hiện"

Nhưng không phải những người đứng trong bóng tối chỉ mang đến những câu chuyện buồn thương, u ám. 

Ở Người giấu mặt, nhiều khán giả đã bình luận trên mạng bày tỏ cảm giác ấm áp trước sức mạnh tình yêu của một người đàn ông khỏe mạnh, trưởng thành dành cho mẹ con người bạn gái có HIV, sẵn sàng vượt qua mọi định kiến để cùng cô xây dựng tổ ấm.

Anh Nguyễn Hồng - chủ nhiệm chương trình Người giấu mặt - nói chương trình hoàn toàn do êkip thực hiện sáng tạo nên, không theo "format" (định dạng) của chương trình từ nước ngoài nào. 

Sau một số tập đầu tiên (khoảng 10 đến 15 phút/tập), đang có rất nhiều nhân vật tìm đến, muốn được chia sẻ về câu chuyện của mình. 

"Đây là một chương trình rất khó thực hiện vì liên quan đến cảm xúc và các yếu tố thuộc về con người. Tới đây, chúng tôi đưa lên Người giấu mặt những câu chuyện gắn liền với những sự kiện thời sự, đang được công chúng quan tâm và nhân vật là người trong cuộc, chứ không chỉ là người kể lại" - anh Hồng chia sẻ.

Đi cùng Người giấu mặt từ đầu, MC Trịnh Lê Anh bày tỏ: "Khi quay được ba số, tôi đã định xin rút vì cảm giác quá căng thẳng khi lắng nghe hết câu chuyện tưởng chừng không có lối thoát này đến câu chuyện dễ gây bàng hoàng khác. 

Sau khi bình tâm lại, tôi nghĩ rằng những người yếu thế cần có người lắng nghe, giống như mình, vì thế tôi tiếp tục. Người giấu mặt cho tôi cơ hội hiểu thêm về nhiều thân phận, cảnh huống khác nhau cần được chia sẻ, an ủi ở xung quanh mình".

Đại diện của Người giấu mặt cho biết với lợi thế của ANTV, chương trình đang đồng hành, giúp đỡ về pháp lý, là chỗ dựa cho một số nhân vật đã tìm đến giãi bày câu chuyện của mình trên sóng truyền hình.

Sau gần 30 số phát sóng, tới đây chương trình sẽ "Nam tiến" để đưa lên sóng những câu chuyện của các nhân vật ở khu vực TP.HCM, gặp một số nhân vật ở các không gian đặc biệt như nhà tù, khu công nghiệp...

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên