14/02/2022 20:18 GMT+7

Người dùng góp ý OTT TV nội: Thêm nội dung đặc sắc, bớt quảng cáo

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Để có thể tồn tại và phát triển ngay trên ‘sân nhà’, các dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT (OTT TV) nội địa cần chủ động đẩy mạnh sản xuất các chương trình đặc sắc, chính sách thân thiện, dễ tiếp cận người xem...

Người dùng góp ý OTT TV nội: Thêm nội dung đặc sắc, bớt quảng cáo - Ảnh 1.

Truyền hình OTT đã trở nên quen thuộc với nhiều lựa chọn giải trí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là điểm góp ý chung của một số người dùng có quan tâm và theo dõi các dịch vụ OTT TV nội địa thời gian qua.

* Chị Hồng Ân (làm việc trong lĩnh vực truyền thông): 

OTT xuyên biên giới có nền tảng rất đa dạng và chi tiết trong hệ thống phân loại, như theo chủ đề (Award-winning film, TV show - Movies based on books, Anime, Documentaries, Comedies…), theo thời gian (Watch in one weekend, Released in the past year…), danh sách tựa đề xuất theo xu hướng xem phim cá nhân của mỗi người dùng. 

Trong khi đó, truyền hình nội nếu coi trên những kênh truyền thống không mất phí thì không chủ động được thời gian phim chiếu, phải theo lịch của nhà đài, chưa kể bị xen quảng cáo rất nhiều.

Nếu coi trên những kênh dịch vụ có tính phí thì danh sách phim cũng không đa dạng, không cập nhật thường xuyên, hơi nhàm chán. Do đó, để tăng sức cạnh tranh cho truyền hình nội với những dịch vụ xuyên biên giới ngay trên “sân nhà”, tôi nghĩ có 2 hướng sau:

Về kịch bản, truyền hình nội nên đầu tư vào kịch bản cô đọng, súc tích trong 10-12 tập, mỗi tập 30-40 phút, sẽ khiến khán giả hào hứng theo dõi và không bỏ lửng. Đặc biệt khi chiếu phim nên tập trung xuyên suốt trên một kênh, không xen quảng cáo trước/trong khi chiếu phim gây mất kiên nhẫn cho khán giả.

Về thể loại phim ảnh, hiện thị trường nội chủ yếu là các phim truyền hình về đề tài tình cảm gia đình, nội dung hơi luẩn quẩn. Truyền hình nội thiếu hẳn mảng phim tài liệu về đề tài cuộc sống, thể thao, trải nghiệm, ẩm thực… theo chủ đề. Nếu được tập trung khai thác với kịch bản tốt, quay đẹp và nghệ thuật, tôi nghĩ đây sẽ là điểm sáng để cạnh tranh với Netflix.

* Chị Thu Vân (làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng): 

Quảng cáo là một yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ truyền hình của doanh nghiệp trong nước đều bắt khán giả phải xem quá nhiều quảng cáo. Chương trình không chỉ xen quảng cáo không mà còn lồng quảng cáo vào nội dung show, nội dung phim. 

Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách làm cho khéo. Một số trường hợp chương trình nội dung đã dở còn lồng quảng cáo vào quá nhiều, tạo cảm giác chán chường nơi người xem, khiến họ không muốn tiếp tục quan tâm đến chương trình, thậm chí kênh, dịch vụ của OTT TV.

* Anh Nguyễn Duy Vĩ (giám đốc Công ty Buzi agency, quận 3, TP.HCM): 

Truyền hình trong nước khó có thể đáp ứng nổi nhu cầu của đại đa số người xem tại Việt Nam. Phim truyền hình tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm xuất sắc, thường quanh quẩn những chủ đề được lặp lại. 

Nên chăng các nhà đài nên nhìn nhận nghiêm túc về việc đầu tư nhân lực tài lực để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng - mà Người phán xử là một ví dụ. Việt Nam chúng ta không thiếu đề tài hay và sâu sắc để khai thác và chinh phục người dân.

* Chị Lê Hà Châu (làm việc trong lĩnh vực quảng cáo): 

Tôi thấy điểm làm cho một nền tảng giải trí trực tuyến xuyên biên giới đang rất phổ biến chính là các series tự làm hoặc hợp tác với các bên để sản xuất và phát hành độc quyền. Mặc dù chất lượng cũng có hay có dở nhưng được cái nhiều và cập nhật liên tục. 

Tuy nhiên, các bộ phim nổi tiếng, đoạt giải thưởng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi biến mất. 

Nếu có dịch vụ cung cấp các phim này ở dạng như thư viện và song song đó cập nhật thêm phim mới, phim tài liệu… sẽ rất tuyệt vời cho người dùng. 

Các OTT TV nội nếu hiện tại chưa đủ tiềm lực để tự sản xuất và phát hành như Netflix thì có thể hợp tác với nghệ sĩ, doanh nghiệp để làm. 

Chẳng hạn tôi thấy Vie Channels đang làm ổn, họ có nguồn phim nhiều và có show tự làm như Rap Việt. Họ cũng có những bộ phim xưa như Phía trước là bầu trời, Anh em nhà bác sĩ… song song cập nhật phim mới cho người xem có nhu cầu. 

Tôi thấy OTT TV nội địa như họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"

Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, nhất là phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem.

Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".

Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...

Tìm chỗ đứng cho OTT Việt: Sản phẩm giải trí trực tuyến Việt có nhiều cơ hội để vươn ra quốc tế Tìm chỗ đứng cho OTT Việt: Sản phẩm giải trí trực tuyến Việt có nhiều cơ hội để vươn ra quốc tế

TTO - Bên cạnh ý kiến đóng góp để các sản phẩm OTT (giải trí trực tuyến mà chủ yếu là phim ảnh) Việt ngày càng vững mạnh, câu chuyện làm thế nào để OTT Việt vươn ra thị trường quốc tế cũng được nhiều bạn đọc quan tâm, góp ý.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên