Dệt hiếu thủ công cần phải có hai người... - Ảnh: H.PHƯƠNG
1kg lác được tính bằng 1,4-1,5kg lúa. Lúc đầu dân sợ trồng xong bán không được nên phải làm hợp đồng, sau thấy có lợi thì bà con hăng hái trồng.
Anh TRẦN ĐỨC TUẤN
"Dệt chiếu là nghề truyền thống gia đình mà ba tôi đem từ quê hương Kim Sơn, Ninh Bình vào đây. Trước năm 1990, ông làm chiếu xuất sang Liên Xô và Đông Âu cũ. Khối này tan rã, thị trường đóng cửa, ba tôi bỏ nghề. Gia đình chỉ làm ít chiếu mỗi ngày đem bán ở chợ, kiếm cơm sống" - anh Tuấn chia sẻ.
Giữ nghề để kiếm cơm
Sản xuất cầm chừng được ít lâu, khoảng năm 1995, tình cờ có người quen từ Hàn Quốc về VN chơi. Biết ba anh có nghề, họ đưa hình mẫu cho xem rồi đặt làm chiếu carô khổ rộng 1,4m x 2m xuất sang Hàn Quốc. Vậy là gia đình khôi phục nghề chiếu với cơ sở Thanh Tuấn.
Lô hàng đầu tiên giao được 3.000 chiếc chiếu nhờ xuất ủy thác qua đơn vị khác. Khách hàng vừa ý, họ quay lại đặt hàng liên tục, làm không kịp giao vì bấy giờ còn dệt chiếu bằng tay.
Để đủ nguyên liệu sản xuất, anh Tuấn nhớ lúc đó ba anh phải sang tận huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long tìm mua lác.
Đây là vùng nước lợ, cây lác có ngọn xanh, gốc trắng, dệt chiếu carô nổi rất đẹp. Trong khi lác trồng vùng Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp gốc ngọn đều có màu xanh nên khi dệt không nổi được carô...
Tuy nhiên, năm 2001 đang làm ăn ngon lành, kho hàng cơ sở Thanh Tuấn bỗng dưng cháy rụi.
"Toàn bộ nguyên liệu và chiếu thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu thành tro. Công an điều tra mà không tìm được nguyên nhân. Mất hết vốn, ba tôi chán nản về quê làm vườn. Tôi thì làm tài xế chở hàng thuê đắp đổi qua ngày.
Chạy xe được mấy năm, thu nhập bấp bênh, tôi đành quay về gầy dựng lại nghề dệt chiếu" - anh Tuấn tâm sự.
...nhưng dệt bằng máy tự động chỉ cần một người - Ảnh: H.PHƯƠNG
Bắt đầu lại từ 3 máy dệt cũ
Khôi phục nghề gia đình, anh Tuấn bắt đầu từ việc mua ba máy dệt chiếu nhựa cũ của Nhật, khổ rộng 1m, đem về cải tiến thành máy dệt chiếu lác, có thể dệt chiếu khổ rộng 0,9 - 1,8m. Thời gian đầu anh làm hàng bỏ mối ở các chợ, rồi dần làm hàng gia công và xuất ủy thác.
Thấy sản phẩm đẹp, khách tìm đặt hàng ngày càng nhiều. Nhờ vậy, cơ sở dệt chiếu phát triển dần lên. Năm 2007, anh lập DNTN Vĩnh Thuận và sau chuyển thành Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận, xuất khẩu trực tiếp.
Từ dệt thủ công bằng tay, mỗi khung dệt phải hai người, anh Tuấn dành dụm tiền trang bị máy bán tự động chỉ cần một người. Nhưng loại máy này dệt không đẹp, công suất thấp. Mỗi ngày một máy chỉ dệt được 10m, trong khi khách hàng đặt làm chiếu cuộn dài 20m hoặc 40m.
Nếu để hôm sau dệt tiếp thì chiếu sẽ bị đổi màu, cũ và mới thành hai màu khác nhau. Vì vậy anh để dành tiền đầu tư, thay thế dần bằng máy dệt tự động.
Ngoài con số khoảng 300 "vệ tinh" dệt chiếu thủ công ở Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp, hiện Công ty Vĩnh Thuận có tổng cộng 200 máy tự động có thể dệt được chiếu dài 20m hoặc 40m.
Ngoài chiếu lác, anh Tuấn còn làm chiếu lục bình, chiếu u du (một loài cây mọc hoang ngoài đồng) xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Hàn Quốc.
"Với loại chiếu cuộn dài 20-40m, khách hàng mua về đưa lên máy dán rồi cắt ra từng miếng, xong họ may bìa lại đều và đẹp hơn, giá trị cũng cao hơn. Như chiếc chiếu khổ 1,6m x 2,2m mua ở VN không bao nhiêu tiền, nhưng sau khi gia công lại họ bán tới hơn 100 USD" - anh Tuấn nói.
Một trong những khó khăn của nghề dệt chiếu là thiếu nguyên liệu. Để giải quyết bài toán này, từ năm 2008 anh Tuấn vận động và đầu tư nông dân vùng Càng Long, tỉnh Trà Vinh trồng lác theo phương thức công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Trung bình mỗi năm anh Tuấn mua vào hơn 1.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là ở vùng nước lợ các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau và Đồng Tháp, đồng thời xuất khẩu khoảng 100.000 chiếc chiếu các loại, đạt giá trị trên 2 triệu USD.
Năm 2018 đều đặn mỗi tháng công ty xuất được 12 container, tổng cộng cả năm hơn 200.000 chiếc. Hiện công ty làm không kịp để xuất khẩu do thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề làm chiếu lục bình vì hàng này phải dệt thủ công.
Dạy nghề để mở rộng làng nghề
Ngoài xuất khẩu, từ năm 2007 đến nay anh Tuấn còn hợp đồng cung cấp cho một số đơn vị quân đội và công an trên phạm vi cả nước với hơn 2 triệu chiếc chiếu cá nhân mỗi năm, đồng thời cung cấp cho Bộ Quốc phòng Lào trên 400.000 chiếc.
Mặt khác, mỗi năm công ty sản xuất khoảng 300.000 chiếc chiếu loại bốn mảnh tiện dụng xếp lại để bán cho công nhân các khu công nghiệp với giá rẻ, may bằng máy hai kim, có thêu vi tính khá đẹp.
Để phát triển nghề dệt chiếu, anh Tuấn còn chọn người tại địa phương để dạy nghề miễn phí. Người này sau đó có nhiệm vụ hướng dẫn lại cho nông dân, hình thành những xóm nghề.
Anh Tuấn tâm sự: "Kẻ có cơm thì người có cháo, chúng tôi cố gắng hỗ trợ tối đa để dân theo nghề được với mình và có thu nhập đủ sống. Ví dụ có vợ chồng muốn dệt chiếu thì tụi tôi hỗ trợ đóng giàn, hướng dẫn cách làm.
Ở Đồng Tháp công nhàn rỗi nhiều, nhưng khó là mỗi năm đến mùa nước lụt không có chỗ đặt máy, đặt khung. Gặp người nghèo, chúng tôi còn che mái để họ có chỗ làm và giúp tráng cả nền nhà đặt máy".
Theo anh Tuấn, cây lác thích hợp vùng nước lợ phèn, lợ mặn, vì vậy trồng ở vùng mặn hoặc ngọt đều không hợp. Trồng ở vùng nước mặn thì cây lác ngắn ngủn, nước ngọt thì gốc bè ra, còn nước phèn thì cọng lác mềm, khi dệt xong chiếu sẽ mềm như bị gãy.
Trong khi đó, ở vùng nước lợ Trà Vinh cây lác ốm và đều từ gốc tới ngọn, cao tới 2m, dệt chiếu rất đẹp.
Cũng theo anh Tuấn, tại Trà Vinh 1 công đất trồng lác có thể thu hoạch 1,6-1,8 tấn. Còn trồng lúa thì khoảng 600kg. Thời gian sinh trưởng hai cây bằng nhau, từ 3 đến 3 tháng rưỡi.
Nhưng ưu thế của cây lác là sau khi cắt xong sẽ tiếp tục mọc, thời gian kéo dài hơn 10 năm. Nhờ vậy nhiều nông dân giàu lên từ cây lác.
Một số mẫu chiếu đẹp của anh Tuấn - Ảnh: H.PHƯƠNG
Mỗi năm Công ty Vĩnh Thuận còn hợp tác với ban quản giáo trại giam Châu Bình (Bến Tre) tổ chức dạy nghề miễn phí cho hơn 1.000 phạm nhân, đồng thời phối hợp với Trường cao đẳng Nghề Tiền Giang tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân có việc làm khi mãn hạn tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận