16/08/2009 08:18 GMT+7

Làng chiếu phương Nam

HUỲNH THU DUNG
HUỲNH THU DUNG

TT - Ngay cả bà Ba An, người già nhất trong làng, năm nay đã gần 90 tuổi, cũng không nhớ chính xác làng nghề dệt chiếu Định Yên (Đồng Tháp) ra đời từ khi nào. Chỉ nhớ là tuổi thơ bà nhìn đâu cũng đầy ắp chiếu, như giờ đây sau gần trăm năm.

aU5n2FnJ.jpgPhóng to
Những bến thuyền lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán - Ảnh: H.T.Dung

Bản thân bà cũng làm nghề này cùng cha mẹ. Giờ đây các con bà, con trai, con gái, con dâu, con rể, các cháu nội ngoại cũng làm nghề dệt chiếu. Ủy ban nhân dân xã Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết dân số của xã trên 19.000 người, trong số đó gần 80% làm nghề dệt chiếu, nhiều nhất là lao động nữ. Không giống những làng nghề khác ngày càng tàn lụi, làng dệt chiếu Định Yên có sức sống rất mãnh liệt và lưu giữ nét văn hóa của một làng nghề đặc trưng miền sông nước đồng bằng trên bến dưới thuyền.

Sức sống làng nghề

Từ đầu làng đến khắp ngõ xóm nơi đâu cũng nghe tiếng khung dệt hoạt động. Trên đường làng, sợi lác, chiếu thành phẩm phơi khắp mọi nơi tạo nên một không gian đầm ấm, tràn đầy màu sắc vui tươi. Những nồi thuốc nhuộm lên khói trắng, những người thợ, người làng nghề tay lam tay làm cần cù, chăm chỉ và lành nghề.

“Chợ ma” độc đáo

Chợ chiếu Định Yên cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên sức sống của làng nghề. Từ xa xưa chợ đã có một nét văn hóa độc đáo riêng biệt mà chỉ duy nhất vùng miền này có được. Chợ thường họp vào ban đêm, chỉ mua bán trao đổi một mặt hàng duy nhất là chiếu, thời gian họp chợ thường xuyên thay đổi, lại họp trong cảnh đèn tù mù nên còn nổi danh với tên gọi là “chợ ma”. Cách sinh hoạt của chợ cũng độc đáo: người mua ngồi một chỗ, còn người bán mang chiếu đi vòng quanh chợ chào mời.

Xe thồ, xe đạp, xe máy chở chiếu, chở lác đi lại trong làng nhộn nhịp. Không khí mua bán, trao đổi tấp nập, vui vẻ trên những bến sông. Người làng dệt sang nhà lân cận, tổ chức thành từng nhóm, dệt chiếu vần công vừa làm việc vừa trò chuyện, có thể tăng thêm năng suất mà không khí trong làng lại thêm phần đầm ấm, san sẻ cho nhau mọi vui buồn khó khăn.

Các cụ già tuổi đã cao vẫn cần mẫn bên khung dệt. Nhiều em bé còn nhỏ, học một buổi, một buổi phụ cha mẹ chọn lác, phơi lác, chùi lác thành thục. Đàn ông thì làm việc nặng, dập khung, làm trân, phụ nữ mua lác, chọn lác, phơi, nhuộm, chọn màu và lo cơm nước cho gia đình...

Nhiều người dân cho biết nghề dệt chiếu không mang lại sự giàu có cho người dân Định Yên, nhưng đã nuôi sống biết bao gia đình từ thuở xa xưa đến giờ, là nghề gắn bó với tên làng, tên đất. “Vì thế người dân Định Yên ai cũng làm nghề dệt chiếu như là một bổn phận, một sự gắn bó, một tình yêu thương xuất phát tận đáy lòng mà không thể gọi tên”, bà Ba An nói.

Những ghe chiếu xuôi dòng

Làng nằm bên sông. Sông Hậu chảy về xã này chia thành hai nhánh, đều được gọi là sông Định Yên. Nhánh bên trái là một bến thuyền lớn, nơi neo đậu của hàng chục thuyền buôn lớn nhỏ, mua bán nguyên vật liệu phục vụ nghề dệt chiếu. Lác dệt chiếu được thương lái thu mua từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) hoặc Sa Đéc (Đồng Tháp) đưa về.

Bến sông không quá rộng nhưng cũng đủ cho hàng chục chiếc thuyền đậu san sát bên nhau. Thuyền này đi thuyền khác lại cập bến, quanh năm người dệt chiếu trong làng khi hết nguyên liệu lại ra bến sông này mua 1-2 bó lác về dệt, hết lại ra mua. Trung bình hai người làm việc cần mẫn suốt ngày dệt được hai đôi chiếu. Tùy là chiếu trắng, chiếu hoa hay chiếu vảy ốc mà giá cả khác nhau. Trong đó chiếu vảy ốc đắt tiền nhất, khoảng 100.000-120.000 đồng/đôi. Chiếu trắng rẻ nhất, khoảng 20.000-30.000 đồng/đôi.

Các thương lái mua chiếu ở Định Yên phần lớn đến từ các vùng lân cận. Mỗi thuyền mua chiếu đậu ở bến sông 5 - 7 ngày, mua đủ số chiếu mình cần thì bắt đầu xuôi dòng đi bán. Tùy vào thuyền lớn nhỏ, thương lái thường mua mỗi chuyến 200-1.000 đôi chiếu, tiêu thụ dọc theo dòng Mekong, đến Cần Thơ, Sa Đéc, Bạc Liêu... Có thuyền xuôi hẳn xuống Cà Mau, gặp bến sông, bến chợ neo lại bán, rồi lại đi.

Tôi xuống chiếc thuyền của anh Thành, chị Thùy và đứa con nhỏ của anh chị đang đậu ở bến Định Yên. Anh chị đến từ Vĩnh Long, đã neo ở đây được ba ngày. “Dự định chuyến này tụi tui mua khoảng 700 đôi chiếu”, anh nói. Mua xong thuyền anh chị sẽ xuôi theo đường sông, dự kiến qua các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, cứ đi tự nhiên, không theo một lịch trình định trước nào, gặp bến thì đỗ bán, xong lại đi.

Khoang thuyền chật cứng các loại chiếu từ chiếu hộp cao cấp đến chiếu trắng bình dân. Đời sống vợ chồng gói gọn trên thuyền chật hẹp, chỉ có một tấm bạt mỏng che mưa nắng. Phía đuôi thuyền là một gian bếp nhỏ khoảng gần 2m2. Nhìn cảnh sống lênh đênh này mới thấy để tồn tại một làng nghề hàng mấy trăm năm tuổi phải là sự gắn kết của rất nhiều con người, nhiều cuộc đời, nhiều gia đình lại với nhau.

HUỲNH THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên