21/04/2012 09:04 GMT+7

Người đi bộ "một vòng trái đất"

MAI LÂM
MAI LÂM

TT - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa chính thức công bố kỷ lục mới về Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Trong đó ông Nguyễn Viết Sinh, quê huyện Nam Đàn, Nghệ An, được công nhận là “người chiến sĩ Trường Sơn gùi thồ hàng với tổng đoạn đường dài nhất”, bằng một vòng trái đất.

Fl3xS2I3.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Viết Sinh xem thông tin và hình ảnh của mình trong cuốn sách Chân trần chí thép của trung tá thủy quân lục chiến James G.Zumwalk - Ảnh: M.Lâm

Trong quyển Chân trần chí thép, trung tá thủy quân lục chiến người Mỹ James G.Zumwalk khi viết về đường Hồ Chí Minh đã từng đề cập: “Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên đường mòn, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45-50kg. Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo và mang theo một lượng hàng bằng với trọng lượng cơ thể”. Bên cạnh những dòng thông tin trên là tấm ảnh nhỏ, chụp kiểu bán thân. Nguyễn Viết Sinh năm 21 tuổi trong ảnh: mặc quân phục, đội nón cối, đeo huy hiệu và cười thật tươi.

Hơn 50 năm sau, ông cụ Nguyễn Viết Sinh, 71 tuổi, đang ngồi trước mặt tôi, vẫn với nụ cười lấp lánh: “Gần 2/3 đời người, giờ nhận kỷ lục vừa vui vừa xúc động. Cứ như một cuộc thi âm thầm, không có ai treo thưởng, không ai nghĩ gì đến giải thưởng mà tới bây giờ đột nhiên được nhận giải”.

Những chiếc áo không biết khô

Bây giờ mỗi lần dự họp mặt, giao lưu, ông Sinh thường mặc quân phục, mang giày Tây. Bàn chân săn chắc có các ngón hơi thô gói trong đôi giày mà nhiều khi ông thấy không quen, hơi vướng víu. Ông nói: “Ngày xưa trong rừng, cứ dép cao su đi vậy mà thoải mái”. Đôi dép cao su mòn vẹt của ông - kỷ vật của những tháng ngày gùi hàng, tải đạn - hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Năm 1961, đang ở nhà đi cày thì ông Sinh nghe đài phát thanh phát tin bộ đội Trường Sơn tuyển quân. Ông tình nguyện tham gia. Lúc đó, những thanh niên tình nguyện như ông không được thông báo là sẽ đi đâu, chỉ biết tinh thần là sẽ vào rừng, ăn cơm nắm, trèo đèo lội suối. Ông kể: “Buổi sáng đăng ký, ghi tên xong, buổi chiều tôi được cho về nhà từ biệt gia đình”. Đến 4g sáng hôm sau thì lên đường. Phương tiện di chuyển là xe chở hàng phủ bạt kín mít, đến chừng 7-8 giờ tối thì đến làng Ho thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, nơi có các anh em của tiểu đoàn 301 chờ sẵn.

Phần thưởng của một thế hệ

Ngày đầu tháng 3-2012, ông khoe là bằng công nhận kỷ lục đã được gửi về tới Hội Cựu chiến binh Nghệ An rồi. Ông bồi hồi: “Phần thưởng này, kỷ lục này là của cả một thế hệ”. Ông nói cùng vào Trường Sơn gùi hàng ngày đó, cả huyện Nam Đàn có 140 người, 36 liệt sĩ. Những người trở về, nhiều người sống chật vật. Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, ông tổ chức chuyến đi viếng nghĩa trang Trường Sơn cũng phải chạy vạy khắp nơi mới xin đủ tiền xe cho các đồng đội. “Nghĩ cũng chạnh lòng, bao nhiêu năm rồi có người rất muốn ra thắp cho đồng đội nén nhang mà nghèo quá, lo không nổi cái vé xe” - ông Sinh ngậm ngùi.

Sau một tuần huấn luyện sử dụng vũ khí, mỗi người được phát một gùi gạo, một dây dù và một đôi dép cao su bốn quai. Và rồi cứ thế mà tập gùi hàng. Thời gian đầu để làm quen, trung bình mỗi người gùi 5-7kg, riêng ông Sinh gùi được 15kg. Mỗi ngày, gùi hàng trên lưng ông cứ nặng dần lên: 20kg, 30kg rồi 50kg. Lúc cao điểm ông gùi được 75kg, trong khi ông chỉ cân nặng chừng 60kg. Quãng đường mà ông và đồng đội phải vận chuyển hàng kéo dài từ đèo 800, vượt đèo 1001 và giao hàng cho một đơn vị khác. Đèo 1001 nổi tiếng là một đèo cao, còn được gọi là dốc Tù Mù, quanh năm sương mù và giá lạnh. Mang vác nặng, mỗi buổi chỉ đi được nửa con dốc, sáng đi 20km, chiều về 20km. Cứ đều đặn như thế không một ngày nghỉ ngơi.

“Hồi đó, quần áo chúng tôi mặc hầu như không có lúc nào khô ráo: không gặp mưa rừng thì mồ hôi cũng thấm ướt áo. Có những hôm trèo qua con dốc cao trong ngày rét căm căm mà người nóng bừng bừng, mồ hôi tuôn ra như tắm. Đi cả ngày, chiều tối về trạm chúng tôi cũng chỉ có thể mang áo ra suối, giũ qua cho bớt mùi mồ hôi rồi phơi lên cành cây. Cả đêm áo đẫm hơi sương. Tờ mờ sáng, quần áo chưa kịp ráo đã phải lấy ra mặc tiếp” - ông Sinh bồi hồi.

Kiện tướng gùi hàng

Về bí quyết gùi 75kg hàng vượt 20km đèo dốc mỗi ngày, ông nói đơn giản: “Từ lưng trở lên vai, tôi gùi độ chừng 60kg. Quanh thắt lưng đeo thêm ruột tượng. Trên tay, trên vai có thể cầm, vác thêm một túi gạo nữa. Khi đi lúc nào cũng phải giữ tư thế cúi khom để cõng hàng, chân bấu chặt vào đất giữ thăng bằng”. Với khối hàng to, nặng như vậy ông vẫn có thể vượt sông, suối an toàn.

Có lần đơn vị đi qua một con sông vào mùa nước lớn. Anh em căng hai sợi mây rừng to: một sợi luồn dưới mặt nước, một sợi trên cao. Cứ thế, gạo trên lưng, bên hông, trên vai, chân sục trong nước dò dẫm đi trên sợi dây mây, tay bám vào sợi mây lắt lẻo trên đầu. Một tháng có 30 ngày thì 30 ngày ông xuôi ngược trên đường, không một ngày ngơi nghỉ. Tháng nào, ông Sinh cũng dẫn đầu về thành tích gùi hàng: cả về ngày công lẫn khối lượng hàng vận chuyển, được mọi người gọi là kiện tướng gùi hàng.

Bây giờ nhớ lại ông cũng không hiểu ngày xưa sức lực của mình kiểu gì mà không biết đau ốm. Lao động nặng, ăn uống kham khổ nhưng suốt những năm gùi thồ ở đường Trường Sơn, ông chưa lần nào phải vào quân y viện. “Cứ nghĩ đến hòa bình cho đất nước, cho độc lập quê hương là hừng hực trong lòng, bao gian khó vượt qua cả”. Có một chuyện đáng nhớ là vào năm 1966, bộ đội Trường Sơn có đợt bầu chọn điển hình để về báo cáo tại hội nghị của Tổng cục Chính trị. Trong số mười cá nhân được đề cử thì ông là một trong ba người được vinh dự ra Tổng cục Chính trị báo cáo điển hình. Lần đi báo cáo thành tích đó, xe chở các điển hình tiên tiến bị trúng bom. Ông Sinh và ông Trần Minh Khâm bên tổ lái xe may mắn nhảy được ra khỏi xe, thoát chết trong gang tấc.

Sau đợt chết hụt đó, đến năm 1967 ông Sinh được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang do Bác Hồ trao tặng. Ông cười nhớ lại: “Khi nhận được tin báo, tôi đang gùi hàng ở khu vực ngã ba Đông Dương. Đó là thời điểm giặc đánh phá rất ác liệt. Ôtô chỉ ưu tiên dành chở hàng, vũ khí cho tiền tuyến phục vụ chiến đấu, không có chuyện bố trí xe cho người đi lãnh thưởng đâu. Tôi đi bộ suốt 12 ngày ra tới khu vực Cổng Trời thì nghe được bản tin của đài phát thanh nói là hội nghị tuyên dương anh hùng... đã bế mạc”.

Ước mong được gặp Bác Hồ không thành sự thật. Tấm bằng khen và huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang sau đó được gửi thẳng về quê ông ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Và cả xã tổ chức lễ đón nhận rất trọng thể trong khi người anh hùng vẫn tiếp tục xuôi ngược làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn.

Bảng thành tích của ông Sinh chỉ gồm những con số: năm 1962: gùi được 13.553kg với 296 cáng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963: gùi 9.365kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài; năm 1964: mang vác 11.445kg, thồ với tổng số 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh, 323 ngày trên đoạn đường 10.982km...

MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên