Phóng to |
Neil Armstrong bên cạnh chân dung của ông. Ảnh chụp năm 2005 - Ảnh: AFP |
Anh hùng vĩ đại
Tổng thống Barack Obama đánh giá Neil Armstrong "là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của nước Mỹ - không phải của thời đại này mà của mọi thời đại".
Ngày 20-7-1969 là cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại khi loài người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Sự kiện đó được mô tả bằng câu nói nổi tiếng "một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại". Người có "bước đi ngắn" đó chính là phi hành gia Neil Armstrong, phi hành trưởng của con tàu Apollo 11.
Thời điểm đó đã có hơn 500 triệu người trên khắp thế giới - bằng khoảng 1/5 dân số lúc bấy giờ - theo dõi qua màn ảnh nhỏ hình ảnh phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng. Armstrong và đồng nghiệp Edwin Aldrin đã có gần ba giờ đi bộ trên mặt trăng, thu thập mẫu vật và chụp hình. Armstrong nhận xét về quang cảnh trên mặt trăng: "Cảnh tượng thật kỳ vĩ, vượt hơn mọi trải nghiệm thị giác mà tôi từng có".
Khi nhận được tin Armstrong qua đời, Edwin Aldrin đã nói với BBC: "Quả thật rất buồn khi chúng tôi không còn bên nhau trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày phóng tàu. Tôi sẽ luôn nhớ tới Armstrong như một người chỉ huy tài giỏi".
Apollo 11 cũng là nhiệm vụ không gian cuối cùng của Neil Armstrong. Năm 1971, ông rời NASA để bắt đầu dạy về kỹ sư hàng không tại đại học Cincinnati.
Dù có tên trong lịch sử nhân loại và gắn chặt tên mình với cột mốc lớn của loài người nhưng Neil Armstrong là một người rất giản dị ngoài đời. Ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng và nếu có, cũng chỉ phát biểu rất ngắn và ít đề cập đến việc đã từng bước đi trên mặt trăng.
Một cuộc đời với "ước mơ bay"
Neil Armstrong sinh ngày 5-8-1930 tại một nông trang ở Ohio. Ông có chuyến bay đầu tiên năm 6 tuổi cùng với cha mình. Từ đó Neil Armstrong đã nuôi một giấc mơ cháy bỏng được chinh phục không gian.
Thuở nhỏ, Neil Armstrong phụ việc trong một cửa hàng thuốc, đồng thời theo học lái máy bay. Năm 16 tuổi, ông có bằng lái máy bay trước khi có bằng lái xe hơi.
Sau đó, ông vào đại học Purdue học về kỹ sư hàng không rồi nhập ngũ, phục vụ cho hải quân Hoa Kỳ vào năm 1949. Ông đã có 78 phi vụ bay trong chiến tranh Triều Tiên. Hết chiến tranh, Neil Armstrong trở về Mỹ, học hết đại học Purdue rồi lấy tiếp bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành tại đại học Nam California.
Ước mơ được bay của Neil Armstrong được tiếp tục khi ông trở thành phi công thử nghiệm của Cơ quan quản lý hàng không và không gian quốc gia. Ông được bay hơn 200 loại máy bay khác nhau, từ dù lượn cho tới phản lực.
Năm 1962 ông được nhận vào NASA và đến năm 1966, ông là chỉ huy của nhiệm vụ Gemini 8. Giáng sinh 1968, Neil Armstrong là chỉ huy dự bị của Apollo 8 thực hiện nhiệm vụ bay quanh mặt trăng 10 lần và dọn đường cho Apollo 11.
Trong thời gian 1971-1979 dạy học tại đại học Cincinnati, Neil Armstrong đã mua đất tại Lebanon để nuôi bò và trồng bắp. Từ năm 1982-1992 ông là chủ tịch của Charlottesville, một công ty máy tính chuyên cung cấp hệ thống quản lý thông tin cho các hãng máy bay.
Phóng to |
Neil Armstrong - người đầu tiên bước trên mặt trăng - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Neil Armstrong ngồi trong khoan khi Apollo đáp xuống mặt trăng - Ảnh: Reuters |
Tấm gương cho giới trẻ
Trong thông báo của mình phát đi sau khi Armstrong qua đời, NASA đánh giá Armstrong là người “sẵn sàng nhận nhiệm vụ một cách vô điều kiện”. Thật vậy, những nhà du hành vũ trụ đã chấp nhận những rủi ro, từ khủng hoảng tâm lý đến việc có thể hy sinh tính mạng cho sứ mệnh khám phá mặt trăng.
Điều đáng nói là trong một xã hội vị cá nhân như Mỹ thì Armstrong lại là người trọng tập thể. Mặc dù là người vinh dự được đặt chân xuống mặt trăng đầu tiên nhưng suốt đời mình Armstrong lại rất hiếm khi kể về điều này như một chiến tích cá nhân, một phần bởi ông là một người “khiêm tốn” như đánh giá của gia đình, một phần vì ông không muốn công sức của hai người đồng nghiệp trên khác trên khoang tàu cùngđáp xuống mặt trăng bị lu mờ. Và rộng hơn, như câu nói nổi tiếng của Armstrong ở thời điểm lịch sử, ông hoàn toàn ý thức rằng dấu chân của ông là thành quả vĩ đại của cả nhân loại.
Vì thế câu chuyện về Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, còn được nhắc nhớ bởi lòng yêu nước, tinh thần cống hiến và sự dấn thân vì lý tưởng chung. Khi Armstrong qua đời, gia đình ông đã bày tỏ niềm mong mỏi rằng “sự cống hiến của ông là một ví dụ cho giới trẻ trên toàn thế giới nỗ lực cho giấc mơ của họ trở thành sự thật, sẵn sàng khám phá và vượt qua những giới hạn, và cống hiến quên mình cho những điều vĩ đại hơn cá nhân họ”.
Đêm nay nhìn lên mặt trăng, nghĩ đến phi hành gia lỗi lạc vừa qua đời, những người trẻ ở khắp nơi trên hành tinh này hẳn sẽ có thêm động lực để làm một điều gì đó. Hành động, khám phá, cống hiến với bước chân tình nguyện của họ.
Phóng to |
Ba phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 11. Từ trái sang, Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Bức ảnh nổi tiếng thế giới của Neil Armstrong khi đặt chân lên mặt trăng năm 1969 với câu bất hủ: "Một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại". - Ảnh: NASA |
Đ.K.L. - TRUNG NGHĨA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận