Nhiều người nhận định tuyến buýt điện này rất thuận tiện. Do đó các đơn vị cần sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để buýt điện tiếp tục vận hành, phát triển phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Thuận tiện, thoải mái, văn minh
Từ tháng 3-2022, tuyến buýt điện D4 do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (gọi tắt Công ty VinBus) vận hành thí điểm nhận được sự ủng hộ, góp phần thay đổi thói quen đi lại của nhiều người.
Anh Nguyễn Quang Định (đường Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức) nhận định buýt điện là xu thế chung để phát triển giao thông không khói, ít tiếng ồn mà nhiều nước trên thế giới đang làm. Hơn nửa năm nay, anh thường xuyên đi lại bằng buýt điện vào trung tâm TP khi có công việc thay vì đi xe máy.
Tuyến buýt điện D4 có chất lượng phục vụ tốt, xe hiện đại, an toàn... còn góp phần giảm kẹt xe hiệu quả.
Còn anh Nguyễn Tiến Luật (làm việc tại quận 1) nhận thấy đi buýt điện thuận tiện, thoải mái. Nội thất xe hiện đại, thông minh, nhân viên phục vụ chu đáo.
Đặc biệt khách còn được dùng WiFi miễn phí, xe trang bị đầy đủ camera giám sát nên hành khách khá an tâm.
"TP.HCM cần xem xét điều chỉnh trợ giá giúp doanh nghiệp khai thác buýt điện tháo gỡ khó khăn, mở ra cơ hội cho các tuyến buýt điện khác được ra đời. Người dân TP.HCM thêm sự lựa chọn đi lại hằng ngày", anh Luật nói.
Thu không đủ chi
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết qua thời gian thí điểm hoạt động, sản lượng hành khách của tuyến D4 ngày càng tăng. Trong chín tháng đầu năm nay đạt 819.875 khách với 28.842 chuyến.
Tuy nhiên dù lượng khách bình quân mỗi chuyến buýt điện tăng nhưng doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Việc này dẫn đến Công ty VinBus thua lỗ. Cụ thể lỗ 16,1 tỉ đồng trong năm 2022, còn tám tháng đầu năm 2023 lỗ 12,5 tỉ đồng.
Do vậy VinBus đề nghị điều chỉnh tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%. Mức trợ giá này sẽ bằng tỉ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe buýt năm 2023.
Nếu không được xem xét điều chỉnh, Công ty VinBus xin dừng hoạt động tuyến buýt điện D4 vào cuối năm 2023 và không thể mở tiếp các tuyến còn lại.
Đánh giá về hiệu quả của buýt điện, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM khẳng định sản lượng hành khách đi buýt điện cao, ai nấy đều ủng hộ việc mở rộng loại hình này trên địa bàn TP.HCM.
Chỉ riêng về chất lượng phục vụ, các đơn vị tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của hành khách luôn đạt trên 89-95 điểm (thang điểm 100). Kết quả đánh giá tuyến theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của trung tâm, tuyến buýt điện D4 đạt đến 100/100 điểm.
Trên thực tế loại hình này thu hút người dân sử dụng bởi sự tiện nghi, hiện đại. Khi các tuyến buýt điện được mở rộng góp phần lớn cho giảm ùn tắc, ô nhiễm và giảm tiếng ồn đô thị. "Vừa qua, Công ty VinBus báo cáo lý do gặp khó khăn là tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay quá thấp (44,1%).
Mức này chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên). Do đó, từ tháng 7-2023, các đơn vị đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để loại hình này tiếp tục hoạt động mở rộng", vị này chia sẻ thêm.
Khuyến khích sử dụng phương tiện xanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết Sở Giao thông vận tải ủng hộ sự phát triển loại hình giao thông công cộng xe điện.
Hơn nữa các đơn vị đánh giá tuyến buýt điện D4 đang hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân đi. Dù sản lượng hành khách tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa đạt như kỳ vọng, VinBus đang gặp phải những khó khăn nhất định.
Trước đề xuất điều chỉnh mức trợ giá của công ty này, ông Hải nói hiện nay loại hình này đang trong giai đoạn thí điểm (chưa có định mức đơn giá buýt điện) nên các nội dung liên quan chi phí, kinh phí trợ giá phải được sự chấp thuận của UBND TP.HCM.
Thời gian qua Sở Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với các sở ngành và Công ty VinBus ghi nhận các khó khăn, thống nhất báo cáo UBND TP cho phép điều chỉnh tăng tỉ lệ trợ giá từ nguồn vốn sự nghiệp (trợ giá xe buýt).
Tỉ lệ trợ giá đề xuất đảm bảo phù hợp tương đương tỉ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM. Điều này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn tài chính cho đơn vị vận tải, khuyến khích doanh nghiệp vận tải công cộng sử dụng phương tiện xanh.
Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức năm tuyến buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM đến hết ngày 31-12-2025.
Triển khai 4 tuyến còn lại trong quý 2-2024
Trước đó UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thí điểm năm tuyến xe buýt điện, thời gian thí điểm 24 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động. Công ty VinBus là đơn vị vận hành các tuyến buýt này. Đến nay toàn TP.HCM chỉ có duy nhất tuyến buýt điện đầu tiên D4 hoạt động thí điểm.
Bên cạnh việc trợ giá thấp, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết còn một số nguyên nhân khác khiến bốn tuyến buýt điện còn lại chưa được vận hành đúng kế hoạch ban đầu.
Theo Sở Giao thông vận tải, quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định phê duyệt từ nhiều sở ngành khác nhau nên kéo dài thời gian. Ngoài ra việc thay đổi chủ trương, chính sách về lĩnh vực xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án.
Về tiến độ, Công ty VinBus cũng đã có báo cáo kế hoạch mở các tuyến còn lại khi được điều chỉnh tỉ lệ trợ giá và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá vận chuyển cho xe buýt điện.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và VinBus đang phối hợp triển khai tiếp bốn tuyến xe buýt điện còn lại trong quý 2-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận