01/09/2019 19:08 GMT+7

Người dân 'sống khỏe' với du lịch

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
THÁI BÁ DŨNG thực hiện

TTO - Tròn 20 năm trước, một sự kiện lớn mang tầm vóc thay đổi diện mạo ngành du lịch các tỉnh miền Trung cũng như cả nước: khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (Quảng Nam) chính thức được UNESCO vinh danh thành Di sản văn hóa thế giới.

Người dân sống khỏe với du lịch - Ảnh 1.

Hội An bây giờ đã trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới thu hút đông đảo du khách năm châu - Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Điều đặc biệt ở hai di sản thế giới này chính là người dân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và trở thành hình ảnh của di sản đó. Và sau 20 năm du lịch phát triển, người dân "sống khỏe" nhờ di sản của cha ông và bàn tay mình vun đắp.

Tuổi Trẻ đối thoại với những người đã theo suốt hành trình của hai di sản này.

Người dân đã tạo ra, giữ gìn di sản

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sự - cựu bí thư Thành ủy Hội An.

Người dân sống khỏe với du lịch - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Sự - Ảnh: TTO

* Ông có thể chia sẻ khi ông là lãnh đạo thành phố, di sản Hội An đã được quản lý, bảo tồn như thế nào?

- Điều quan trọng nhất là dù người này người kia có ý kiến khác nhau nhưng lãnh đạo, bộ máy chính quyền Hội An lúc đó luôn đồng lòng quyết tâm để làm cùng với dân. Do đó dù có lời ra tiếng vào, khó khăn tới bao nhiêu thì chính quyền cũng vận động, giải thích, rồi cùng chung lưng với dân để vượt qua. Chính người dân giữ gìn di sản, di tích bởi di tích là của người dân. Không phải thời tôi làm thì mới giữ mà trước đó nhiều thế hệ người Hội An đã giữ di sản rồi.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ để vinh danh thành Di sản văn hóa thế giới, hội đồng của UNESCO có đi vào Hội An kiểm tra công tác bảo tồn, gìn giữ. Và họ thấy rằng Hội An đang được giữ tốt, có quy chế quản lý bảo tồn phố cổ, cái đó được người dân tự giác đặt ra rồi đồng lòng chấp hành, được chính quyền ban hành.

* Bộ quy chế mà ông vừa đề cập không phải là luật, không đảm bảo tính pháp lý, thế nhưng vì sao người dân chấp hành răm rắp?

- Đó là điều mà tôi muốn nói. Vấn đề là chính người dân đã đồng thuận giữ vì họ thấy quy chế đó có lợi cho chính họ. Và họ tự giác chấp hành, tự giác làm, đồng lòng làm. Lãnh đạo, tập thể Hội An thống nhất cao, vào từng hộ dân vận động thuyết phục bà con.

Lúc đầu thì có một số hộ khó chịu vì quy chế cũng có mặt tác động này kia đối với họ. Thế nhưng sau đó, dân Hội An thấy rằng quy chế đó có lợi ngay trước mắt và lâu dài nên họ tự giác chấp hành. Từ cái mà người ta không thông tới sự thông suốt. 

Lãnh đạo Hội An lúc đó cũng nhất quán một suy nghĩ là làm cho cộng đồng chứ không phải mình sẽ được gì. Tôi cũng thế! Suy nghĩ rất đơn giản rằng làm được gì cho bà con chứ tôi không nghĩ tôi được cái gì.

Khi bà con đã giữ một di tích tới độ mà cần phải vinh danh thành di sản thì việc gì đến sẽ phải đến thôi. Nếu UNESCO không vinh danh thì Hội An cũng đã là di sản, di sản đó trong lòng dân, di sản của dân tộc, của đất nước chứ không đợi quốc tế vinh danh. Vinh danh ở đây là một thương hiệu, ghi nhận những gì tiền nhân tạo ra, giữ gìn và di sản đó không phải của riêng người dân vùng đó nữa mà là toàn nhân loại, để có trách nhiệm hơn, tự hào hơn, để mà giữ.

Người dân sống khỏe với du lịch - Ảnh 3.

Khách du lịch dập dìu ở phố cổ Hội An - Ảnh: LINH TRANG

Hành động với tình yêu và trách nhiệm với di sản

* Ông có thể chia sẻ câu chuyện "hậu trường" của Hội An, Mỹ Sơn lúc làm hồ sơ vinh danh di sản năm 1999?

- Cả Hội An lẫn Mỹ Sơn đều đặt vấn đề làm hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận di sản thế giới cùng một lúc. Nhưng lúc đó có cái khó của Hội An là bản thân Hội An là một "di tích sống", người dân sống trong di tích. Nếu công nhận xong mà người ta không giữ gìn thì làm thế nào? Có những mối lo như nếu được công nhận thì khi đạt được rồi, lỡ chẳng may mất đi giá trị, đặc biệt là kiến trúc, thì làm sao?

Lúc đó, tỉnh Quảng Nam cũng thấy như vậy nên đã quyết tâm chọn Mỹ Sơn để gửi đề xuất trước. Hơn nữa trong tiền lệ chưa có chuyện trong cùng một lúc lại công nhận hai di sản trong cùng một địa phương. Làm không khéo có khi "xôi hỏng bỏng không".

Suy nghĩ và lo lắng đó của lãnh đạo tỉnh là hoàn toàn có lý. Nhưng quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền thị xã Hội An rất cao nên đã lập đoàn cán bộ ra Huế học hỏi. Sau đó, đoàn về tự lập hồ sơ đề xuất với tỉnh và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý. 

Và điều bất ngờ là trong kỳ họp lần thứ 23, UNESCO lúc đó thông qua việc công nhận di sản Hội An trước Mỹ Sơn 1 ngày. Đến ngày 4-12-1999 thì chính thức công bố công nhận Hội An và Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.

* Có thể nói ông - một lãnh đạo và là một người dân phố Hội - cũng là "một phần của di sản Hội An", vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giữ di sản cho hiện tại và mai sau?

- Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là tương lai của Hội An, Mỹ Sơn sẽ thế nào. Cái gì chưa tốt của quá khứ chúng ta phải điều chỉnh cho tốt, nếu đã tốt rồi phải trở thành tốt hơn. Phải hành động với tất cả tình yêu và trách nhiệm với di sản. Đó mới là cái quan trọng chứ không phải ngồi hồi tưởng lại quá khứ.

20 năm hành trình di sản

Phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4-12-1999. Để chào mừng sự kiện đặc biệt này cùng với tròn 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động lớn vào tháng 9-2019:

Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An; hội thảo khoa học quốc tế "Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới"; triển lãm mỹ thuật; canarval đường phố... Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra tối 8-9.

Ông NGUYỄN THÀNH SANG - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Thịnh - Palm Garden resort, trưởng ban tổ chức chương trình Nhạc cụ dân tộc và xe cổ hành trình di sản trong chương trình kỷ niệm 20 năm hành trình di sản:

Một đám ruộng cũng là sản phẩm du lịch

Dịch vụ du lịch bùng nổ. Hội An, Mỹ Sơn đã đem lại sự thay đổi quá lớn cho toàn bộ người dân tỉnh Quảng Nam cũng như người dân các huyện lân cận. Một người nông dân chỉ với một đám ruộng, làm lúa không thể đủ ăn nhưng nay đám ruộng đó cũng thành sản phẩm du lịch và thu tiền đô.

Cách họ sống trong làng quê cũng là nét văn hóa, khách du lịch thèm muốn được vào ở, trải nghiệm. Từ đó, sự thay đổi trong nhận thức, sự văn minh hóa, đặc biệt là sự hạnh phúc, đã đến với người dân.

Bà con lịch sự, nền nã, thuần hậu cũng chính là cách đối đãi tử tế với khách và bù lại họ được nhận tiền, có công việc, con cái lớn lên trong môi trường đó được tiếp xúc với văn minh, biết ngoại ngữ, được giao tiếp với các nền văn minh trên thế giới. Tất cả đều là niềm hạnh phúc mà không phải nơi nào cũng may mắn có được.

Ông PHẠM ĐÌNH PHONG - Nông dân ở tổ 4, khối Trường Lệ, Hội An:

Tui sống khỏe!

Ở Hội An, tui tìm thấy niềm vui và nồi cơm cho gia đình. Tui sinh ra và lớn lên ở Hội An nhưng trước năm 1999 chưa có du lịch, Hội An rất nghèo nên năm 1980 tui vào Đồng Tháp lập nghiệp. Tới 2011, khi về lại Hội An thăm quê, tui choáng ngợp với mọi thứ. Bà con ngày xưa cơ cực như mình, họ ở lại Hội An sau đó lại làm ăn rất khá giả.

Tui được anh em bà con cho căn nhà nằm cạnh đồng lúa để sản xuất. Tui mua con trâu cái rồi nuôi cho nó đẻ, trâu con thì bán giống, còn trâu mẹ thì đưa ra đồng cho khách cưỡi, chụp hình. Họ trả tiền tươi, ngày ít cũng được vài ba trăm, có ngày cả triệu. Ngoài làm du lịch thì tui nuôi vịt thả đồng, trồng thêm lúa, khách tới vừa cưỡi trâu lại tham gia làm ruộng, tất cả họ đều "tip" cho tui có thêm thu nhập. Tui sống khỏe!

Chúng tui sống nhờ du lịch và hằng ngày mình làm gì cũng nghĩ rằng phải đàng hoàng, niềm nở, đối xử tốt với khách, với bà con thì khách mới tới và mình mới có thu nhập ổn định được.

Bà PHẠM THỊ THANH HƯỜNG - Đại diện UNESCO tại Việt Nam:

Bài học xuất sắc về việc giữ gìn di sản

Cựu tổng giám đốc của UNESCO từng chia sẻ rằng di sản Mỹ Sơn có được như ngày hôm nay chính là nhờ những nỗ lực tuyệt vời và những cam kết mạnh mẽ, lâu dài của từng người dân tham gia. Mà trong đó có cả các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý di sản, các nhà khảo cổ, kiến trúc sư, các nhà bảo tồn và cả những người lao động địa phương.

Còn đối với Hội An, tôi cho rằng nơi đây đã cho thấy những bài học xuất sắc về công tác bảo tồn và gìn giữ di sản. Bài học đó là việc một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương, với nhiều loại hình sở hữu di sản khác nhau. (LINH TRANG ghi)

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An:

Công lao lớn nhất thuộc về cộng đồng

Sự thành công của Hội An hay Mỹ Sơn không thể của riêng một cá nhân nào, nhóm người nào, mà đây là thành quả của một cộng đồng bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và nhóm chủ thể của di sản là những người dân, doanh nghiệp, doanh nhân, người nhập cư, tạm trú.

Các nhóm này không tách rời và cùng chung mục tiêu trên hết, đó là bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa để đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Nhóm đóng vai trò "nhạc trưởng" là cơ quan quản lý, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của những người dân, doanh nghiệp sống trong di sản. Chính họ là linh hồn của di sản.

Có một cái hay, rất đặc biệt tại phố cổ Hội An: dù là người nhập cư hay người tại chỗ thì khi đến Hội An, tất cả đều được "hòa tan" và trở thành một cộng đồng rất đặc trưng. Các lớp thế hệ người dân địa phương, người nhập cư, tạm trú, kể cả người nước ngoài vẫn sống cuộc sống đời thường, cùng sinh hoạt, hưởng thụ. Chính họ là nhân tố giữ di sản được "sống" và có linh hồn như hiện nay.

mua cham ben thap co _letrongkhang 2(read-only)

Khách nước ngoài xem múa Chăm ở Mỹ Sơn - Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Ở góc độ bảo tồn và phát huy, tôi cho rằng tới nay Hội An vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc. Và đây chính là nơi người dân vẫn sống cuộc sống đời thường ngay trong di sản với những phong tục, tập quán, nếp ứng xử, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được giữ gìn. UNESCO đã đánh giá rất đúng khi ghi danh Hội An vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Chính vì lẽ đó, chúng ta cần nhìn nhận, ứng xử, quản lý di sản Hội An hay Mỹ Sơn như một "bảo tàng sống". Bảo tàng tôi muốn nói ở đây là nơi giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ngay trong môi trường mà chúng được sáng tạo và không tách rời với đời sống hằng ngày của các cộng đồng dân cư.

Bảo tàng không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, trưng bày cho tốt, mà quan trọng là phải đem lại lợi ích nhiều mặt, nhất là nguồn lợi phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư sở tại. Tức là bảo tàng nhưng phải "sống" được.

Ngoài ra, tôi cũng đã rất nhiều lần đề xuất cấp thiết đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý vận hành thích ứng, đặc thù để bảo tồn và phát triển bền vững di sản Hội An, Mỹ Sơn.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên