27/11/2018 19:20 GMT+7

'Người đàn ông nào thiếu tôn trọng, tôi chia tay ngay!'

THU NGA
THU NGA

TTO - Đọc câu chuyện của những nạn nhân của bạo lực gia đình chia sẻ qua triển lãm “Phía sau cánh cửa” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trên Tuổi Trẻ Online ngày 25-11, tôi nghĩ đến bản thân mình...

Người đàn ông nào thiếu tôn trọng, tôi chia tay ngay! - Ảnh 1.

Những câu chuyện bạo lực gia đình đang được “kể” trong triển lãm "Phía sau cánh cửa" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Là người phụ nữ có kỳ vọng rõ ràng về tình yêu và hôn nhân, chỉ cần người đàn ông tôi quen có một cách nói, cách nghĩ thiếu tôn trọng phụ nữ thì tôi đã chia tay ngay từ đầu. 

Nên nhớ bạo lục gia đình và bạo lực tình dục là phạm pháp

Trước tiên cần hiểu rằng, bất kỳ hành vi bạo lực đối với bất kỳ cá nhân nào cũng là hành hung, là phạm pháp, không phải chỉ riêng của chồng đối với vợ. Luật cũng quy định, cưỡng ép người khác quan hệ tình dục ngoài ý muốn của họ, dù người ấy là vợ hay chồng, là tội cưỡng bức.

Tuy vậy, cộng đồng vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện thông thường, là việc riêng tư của mỗi gia đình. "Vợ chồng đóng cửa bảo nhau", không ai muốn vạch áo cho người xem lưng để mất thể diện với làng xóm. Với những trường hợp ấy, người phụ nữ thường chỉ bị cho là xui xẻo, bất hạnh trong hôn nhân, chứ không được nhìn nhận là nạn nhân của một loại tội phạm nghiêm trọng, cần được xã hội can thiệp và giúp đỡ.

Mức độ xử phạt hành vi bạo lực gia đình còn phụ thuộc vào việc hành động đó có gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự hay không. Do đó, đôi khi người hành hung chỉ bị xử phạt hành chính.

Tại sao nhiều người phụ nữ vẫn cam chịu?

Đọc đến đoạn chị M.T.D tâm sự "vì đó là sự lựa chọn của mình rồi, mình phải chấp nhận", tôi rơi nước mắt. Không chị à, chị không phải chấp nhận gì cả. Ai trong chúng ta cũng có lúc sai lầm, kể cả sai lầm những chuyện lớn như hôn nhân. Rất thông thường chúng ta cứ để mọi thứ trôi đi, tự dối mình rằng mọi chuyện sẽ ổn, con người đó vẫn là chồng và cha của con chúng ta. 

Chúng ta bám vào những giây phút vui vẻ, để quên đi những khi bị đối xử không ra gì. Nhưng nên nhớ, người đàn ông bạo hành thì không bao giờ thay đổi. Anh ta là một mối nguy hiểm cần tránh xa chứ không phải là một cá thể biết phải trái, đúng sai để có thể tranh luận và thuyết phục.

Chính cách nghĩ trong văn hoá Việt Nam về việc ly dị giống như là một thất bại là một lý do khiến người trong cuộc tiếp tục dù không hạnh phúc. Khi hai người đang kết hôn muốn ly dị, việc đối mặt với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp dường như quá sức chịu đựng. Hầu hết mọi người sẽ đều khuyên hai người trở lại với nhau mà không thực sự hiểu hết được cảm xúc của người trong cuộc. 

Chúng ta thà giữ mọi thứ "bình thường" còn hơn để gia đình, bạn bè biết mình đã sai lầm, đã lựa chọn không sáng suốt. Huống chi đối với phụ nữ bị bạo hành thì đó còn là một điều xấu hổ, vì cảm giác sợ xã hội nhìn mình là nạn nhân, sợ sự thương hại, ái ngại của người đời.

Đàn ông ly dị dù lớn tuổi vẫn luôn có thể tái giá với những người phụ nữ trẻ hơn. Còn phụ nữ ly dị, nhất là khi đã có con, thường mang tâm lý "chắc không người nào muốn nữa". Nỗi sợ cô đơn, sợ phải bước một mình trong suốt quãng đời còn lại khiến chúng ta chịu đựng một người không đủ tốt thay vì đi tìm kiếm hạnh phúc khác, hạnh phúc mà chúng ta xứng đáng.

Là người mẹ, người phụ nữ cảm thấy không thể ly dị là vì con cái, "sợ con không cha". Nhưng những người làm mẹ bị bạo hành hãy tự hỏi rằng liệu có là tốt khi để con chứng kiến cách hành xử bạo lực hằng ngày, khủng khiếp hơn là phải chứng kiến bạo lực tình dục. 

Cả bé trai và bé gái sẽ cho rằng đối xử với phụ nữ như vậy là bình thường. 

Bạn sẽ chọn cho con mình một nửa mái nhà trọn vẹn yêu thương hay một căn nhà đủ nóc nhưng sẽ luôn có sự khủng bố về tinh thần?

Lý do khác còn là tình trạng phụ thuộc tài chính vào người chồng, thu nhập thấp khiến người vợ sợ một mình nuôi con. Chính vì vậy việc giáo dục, khuyến khích người phụ nữ tự chủ tài chính trước khi lập gia đình là cần thiết để phụ nữ có sức mạnh giải phóng mình và tìm kiếm hạnh phúc đích thực.

Phụ nữ, hãy học cách yêu và được yêu

Chúng ta đều biết văn hoá Á Đông vẫn còn tồn tại những tư tưởng của xã hội cũ, trong đó có việc trọng nam khinh nữ. Rồi phụ nữ Việt Nam xưa nay luôn yêu ai thì yêu hết lòng, "hy sinh" vì tình yêu, gia đình, con cái. 

Có bao nhiêu người phụ nữ được dạy phải hiểu được giá trị của bản thân mình, phải đòi hỏi những gì ở một người bạn đời và cho đi như thế nào mới là đúng cách?

Ly dị không phải là chấm hết

Việc từ bỏ cuộc hôn nhân của mình là điều không ai muốn và không hề dễ dàng. Người phụ nữ cần có sự động viên của gia đình, bạn bè để có thể thực sự giải phóng mình. Nếu gia đình chính là nguồn gây sức ép không cho người phụ nữ ly hôn thì cơ quan xã hội phải là người giúp đỡ, thường xuyên có sự tuyên truyền, động viên, chia sẻ để người phụ nữ hiểu được mình có quyền quyết định cuộc sống của mình chứ không phải là chồng hay cha mẹ.

Ngoài hỗ trợ về mặt tâm lý, các cơ quan cũng có thể cung cấp sự hỗ trợ về pháp luật, luật sư ly hôn,… để bảo vệ người phụ nữ trước những người chồng có khả năng tài chính tốt hơn, đảm bảo họ có được quyền lợi công bằng.

Sau cùng là lời nhắn gửi đến những người vợ đang đau khổ: thay đổi là khó khăn nhưng không phải không thể. Hãy sống vì hạnh phúc của mình và của con cái. Cuộc sống còn nhiều nguồn vui và cơ hội, đừng ràng buộc mình trong một mối quan hệ đau khổ. 

Phụ nữ à, hãy giải phóng mình đi.

THU NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên