Đến nay ông Vũ Châu Phong (phải) đã tham gia 66 lần hiến máu cứu người - Ảnh: V.HÒA
Những giọt máu đào quý giá được ông Phong vô tư cho đi đã góp phần quan trọng cải tử hoàn sinh cho biết bao bệnh nhân đang lâm cảnh nguy kịch.
Có điều kiện thì cứ cho
Phong trào hiến máu tại Đà Nẵng khởi phát từ giữa nhưng năm 1990, như bao nhiêu thanh niên trai trẻ khác khi ấy, đoàn viên Vũ Châu Phong của phường Hòa Phát hăng hái tham gia hiến máu vì lý tưởng cứu người.
Tham gia nhiều lần, nhận ra giá trị kỳ diệu của giọt máu mình cho đi, Phong trở nên... nghiện hiến máu. Đều đặn mỗi năm 4 lần anh tới bệnh viện rút máu mang tặng người dưng.
"Thời điểm đó tuổi trẻ nhiệt huyết chứ thể trạng tôi cũng không tốt lắm. Thấy tôi hiến máu nhiều lần, mẹ tôi không cho, cấm tôi hiến máu cả năm trời. Nhưng không cho thì tôi tìm cách hiến chui, không nói mẹ biết. Lâu dần rồi riết chẳng thấy ai ý kiến gì việc đó nữa nên tôi công khai luôn" - ông Phong cười kể lại.
Trong căn nhà đơn sơ nằm ở kiệt 838 Trường Chinh, ông Phong tâm sự rằng không chỉ riêng ông mà có rất nhiều người, nhiều gia đình đã hiến máu vài chục lần.
Ông chia sẻ: "Trong Câu lạc bộ 25 mà tôi tham gia có những người hiến máu 40 đến 50 lần. Chúng tôi hiến vì nghĩ bệnh nhân họ cần kíp mới nhờ tới sự giúp đỡ của mình. Vậy nên lúc có điều kiện thì cứ cho chứ không tiếc gì chuyện đó. Ngày trước tôi hiến máu theo phong trào còn bây giờ tham gia câu lạc bộ thì hiến theo sự điều động, hễ bệnh nhân cần lúc nào mình hiến lúc đó. Hiện nay tôi hiến tiểu cầu máy là chính, ít hiến máu toàn phần như trước. Lấy tiểu cầu máy thời gian lâu hơn, đòi hỏi sức khỏe phải tốt vì lấy tiểu cầu xong người rất mệt. Có đôi lúc đi hiến đột xuất xong cảm giác hơi choáng nhưng ngồi nghỉ ngơi, uống ly sữa rồi cái mệt mỏi cũng qua đi".
Vui khi làm điều có ích
Tham gia hiến máu nhiều lần có nhiều tình huống và kỷ niệm nhưng ông Phong bảo nhớ nhất vẫn là lần mình cùng các thành viên Câu lạc bộ 25 bắt xe ra Huế tiếp máu một ca phẫu thuật tim.
Thời điểm đó là năm 2006, bệnh nhân nam người Đà Nẵng được chuyển ra Bệnh viện trung ương Huế làm phẫu thuật nhưng bệnh viện không đủ máu nên người nhà gọi câu lạc bộ chi viện.
Nhận tin, ông Phong cùng 5 anh em xung phong bắt xe đò ra Huế hai ngày theo hiến máu cho bệnh nhân. Cuối ngày thứ hai, khi ca phẫu thuật này đã thành công thì tình cờ ở Đà Nẵng tiếp tục chuyển ra một bệnh nhi 11 tháng tuổi cũng làm phẫu thuật tim. Vậy là ông Phong cùng các anh em tiếp tục hiến máu cho ca mổ của bé gái này.
"Có những lúc đêm hôm đang ngủ nhưng nghe chuông điện thoại bệnh viện gọi tôi vùng dậy đi ngay. Có khi đang chở hàng ngoài đường, nghe bệnh nhân cần kíp tôi gọi nhờ anh em lái giúp để kịp đi cứu người. Sau mỗi lần hiến máu, có người nhà bệnh nhân cảm ơn, mời đi ăn uống bồi dưỡng nhưng cũng có vài người vì bối rối hay vô tư mà cũng hững hờ với người hiến máu. Tôi thì không để ý gì vì chẳng quan trọng điều đó. Mình cấp cứu người bệnh mà suy nghĩ về những điều nhỏ nhặt đó thì không thể làm được."
Theo ông Phong, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân qua cơn nguy kịch thì trong lòng mình sung sướng, thỏa mái lắm. Cảm giác giọt máu mình cho đi đã làm được điều có ích cho xã hội. Rồi có những lúc hiến máu cho người bị ung thư nhưng bệnh nhân qua đời vì bệnh đã đến hồi cuối.
Biết là sự trợ giúp của mình cho họ chỉ cầm chừng, kéo dài thêm cuộc sống nên kéo dài càng lâu càng tốt. Đến khi họ chết xuống, tôi cùng anh em đi dự đám tang mà nghẹn ngào.
"Tôi năm nay 45 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt, vừa rồi còn tăng cân. Mình hiến máu nhiều lần nhưng định kỳ thì cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Câu lạc bộ 25 của chúng tôi chủ trương khuyến khích người tham gia hiến máu từ 10 đến 25 lần nhưng với tôi thì sức khỏe cho phép đến đâu tôi hiến đến đó. Với tôi, hiến máu cứu người là hoạt động đầy ý nghĩa, cần vận động và khuyến khích cộng đồng cùng thực hiện. Ai biết được tương lai, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại!" - ông Phong cười, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận