Nhạc sĩ "Chia tay hoàng hôn" qua đời
Ca khúc "Chia tay hoàng hôn" của nhạc sĩ Thuận Yến do ca sĩ Thanh Lam trình bày
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ tham gia chương trình của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Lê Đức Dục |
Ngày ấy, vào đầu chống Mỹ, giữa những giai điệu mới lạ của những nhạc sĩ quen thuộc như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Chung... kêu gọi thanh niên lên đường, bỗng nghe một giai điệu đảo phách của nhịp 2/4: Balô ta buộc cho chặt - Vòng lá ngụy trang rất xanh... của một tác giả lạ hoắc: Đoàn Hữu Công, bọn thanh niên chúng tôi hỏi nhau về người này chẳng ai biết. Nhưng hay thì cứ hát vang lên khắp nơi.
Lời hiệu triệu của con tim
Tang lễ diễn ra ngày 27-5 Nhạc sĩ Thuận Yến có tên khai sinh là Đoàn Hữu Công. Ông ra đi lúc 12g06 ngày 24-5, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng được tổ chức từ 10g, lễ truy điệu vào hồi 12g30 ngày 27-5 tại nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng lúc 15g cùng ngày tại nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng. |
Chỉ ít lâu sau, thằng Trong - một người bạn miền Nam cùng lớp - tự nhiên hát lên trên đường đi bộ tới trường một giai điệu hành khúc mới cứng: Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc... thì tất cả đám học sinh lớp 10 chúng tôi sơ tán ở Thủy Nguyên, Hải Phòng đều run lên vì sức cuốn hút. Khi Trong hạ giọng vào đoạn: Anh đang hành quân ra tiền tuyến - Mang theo tình yêu giai cấp trong tim... thì mọi người đều hoàn toàn bị chinh phục. Tên hành khúc là Mỗi bước ta đi, còn tên tác giả là Thuận Yến. Nhiều bạn bè lớp 10 của tôi đã lên đường nhập ngũ ngay sau khi hành khúc này hiệu triệu - lời hiệu triệu của con tim.
Mỗi bước ta điThuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công. Ông tham gia công tác từ năm 1949 ở Đoàn văn công khu 5. Tập kết ra Bắc, ông theo học sáng tác hệ trung cấp tại Trường Âm nhạc VN (nay là Học viện Âm nhạc). Bài ca đầu tiên của ông vừa kể trên là bài Lên đường ra tiền tuyến với tên tác giả là chính tên khai sinh. Vừa ra trường, Thuận Yến đã nhận ngay nhiệm vụ vào sáng tác âm nhạc cho đoàn văn công Trị - Thiên nơi chiến trường khốc liệt. Nhưng chính trong khốc liệt ấy, cá tính sáng tạo âm nhạc của ông có đất phát triển. Hành khúc Mỗi bước ta đi là khởi đầu cho vệt sáng tạo ấy. Ở chiến trường, Thuận Yến đã liên tục đưa ra những ca khúc mới mẻ như Hát mừng quê ta giải phóng, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin... và lại thêm một mốc son mới trong hành trình sáng tạo là ca khúc nghệ thuật Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc. Độ ấy, mỗi khi nghe Vân Khánh cất giọng: Gieo lúa trồng khoai ngày qua ngày gặt hái nuôi con... là thấy rạo rực, xao xuyến cả tâm can.
Người mẹ miền Nam tay không thắng giặcKhi lớp sinh viên đại học chúng tôi vào chiến trường thì Thuận Yến đã ra Hà Nội học đại học sáng tác. Nhưng ông vẫn gửi theo chân những đồng đội binh nhì một hành khúc mới vững chãi hơn về cấu trúc, dồn nén hơn về cảm xúc: Nay ta lại ra đi - Từ đỉnh Chư Pông - tới bưng biền Đồng Tháp. Đó là hành khúc Những bước chân không nghỉ. Hành khúc đã theo chân người lính vào giải phóng Sài Gòn.
Thống nhất đất nước, Thuận Yến về Đoàn văn công Tổng cục Xây dựng, sau đó là đoàn văn công Quân khu II. Lúc này, sáng tạo âm nhạc của Thuận Yến lại sang một cung bậc mới. Ngoài đề tài người lính, Thuận Yến mở thêm đề tài về người mẹ và đặc biệt là đề tài về Bác Hồ. Sau Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin thời chiến tranh là những Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình (thơ Phạm Ngọc Cảnh), Miền Trung nhớ Bác... và đột ngột khi quay lại đề tài người lính, ông lại làm người mến mộ không thể quên được khi đưa ra Màu hoa đỏ (thơ Nguyễn Đức Mậu): Có người lính ra đi từ mái tranh nghèo....
Bác Hồ một tình yêu bao la Miền trung nhớ Bác Màu hoa đỏNhững giai điệu ngọt ngào
Điều mà những người thân thiết Thuận Yến suốt dặm dài chiến tranh thật bất ngờ là không ai nghĩ người bạn nhạc sĩ viết hùng ca của mình qua bao năm dấn thân vì độc lập tự do, với khuôn mặt và dáng đi khắc khổ, lại có thể viết ra những giai điệu tình ca rất riêng một chất Thuận Yến. Ngay từ năm 1982, Thuận Yến đã thử nghiệm dòng giai điệu này bằng việc phổ thơ Hoài Vũ, bài Đi trong hương tràm vừa tung ra đã được tuổi trẻ đón nhận ngay vì sự quyến rũ của những âm hưởng Nam bộ được pha chế qua tâm hồn đa cảm của Thuận Yến.
Đi trong hương tràmCũng muốn thấy mình chưa già, còn đủ tiếp nhận hơi thở mới của nhạc pop, Thuận Yến viết Tình yêu không lời vào những ngày đầu đổi mới đầy thanh xuân và hoài bão: Chưa dám hôn nhau - chưa lời thổ lộ - mà sao hơi thở như là của nhau, phỏng theo Vĩnh Quang Lê, Thuận Yến đã đưa ra một triết lý tâm linh về tình yêu mà các cụ ta xưa gọi là “duyên”. Nhưng phải đến Chia tay hoàng hôn, Thuận Yến mới thật sự đóng đinh vào người mến mộ một cuộc chia tay của tình yêu thời hiện đại. Lại vẫn Hoài Vũ, những câu thơ Hoài Vũ đã khơi cháy lại trong Thuận Yến ký ức của một thuở yêu đương lãng mạn nơi chiến trường.
Tình yêu không lờiNgay từ khi đi chiến trường, Thuận Yến đã “phải lòng” một nghệ sĩ đàn tranh đẹp như mộng tên Hồ Hương. Và vì quá yêu nàng mà chàng lấy bút danh là Thuận Yên - quê hương sinh ra nàng. Song do công tác dịch mã có chút sơ suất nên khi bản thảo chàng gửi ra Bắc, thì Thuận Yên đã trở thành Thuận Yến, cũng như Huỳnh Minh Liêng trở thành Huỳnh Minh Siêng. Và cái tên Thuận Yến đã gắn bó trong nhân gian đến bây giờ. Mối tình đó đã dắt hai người vượt qua bao dốc đèo, bản làng Trường Sơn Bắc và quan trọng nhất là hoài thai một đứa con. Vì thế nên nàng phải ra Bắc trước để sinh con. Họ đã chia tay nhau trong một hoàng hôn chiến trường đậm chất tiểu thuyết đến nghẹt thở.
Ngỡ cuộc chia tay ấy đã “chôn sâu vào đáy lòng” thì câu thơ Hoài Vũ lại đánh thức trở lại. Và Chia tay hoàng hôn đã ra đời như trong cuộc đời thực họ đã sinh thành cho đời bé gái Thanh Lam (nghĩa là sông Lam xanh). Cái hay của câu chuyện chia tay này là Chia tay hoàng hôn lại do chính ca sĩ Thanh Lam đốt cháy lên trong cuộc thi nhạc nhẹ năm 1990 và cô đã trở thành “nữ hoàng nhạc nhẹ” như người mến mộ phong tặng hôm nay là từ cuộc thi đó, cuộc thi mà cô hát Chia tay hoàng hôn. Thanh Lam còn rất thành công khi thể hiện Khát vọng - một tình ca mà Thuận Yến phổ thơ Đoàn Thị Lam Luyến.
Khát vọngCòn hôm nay, Thuận Yến đã chia tay với cuộc sống trong một hoàng hôn không biết có giống hoàng hôn khi xưa chàng và nàng từng chia tay. Nhưng chia tay ngày ấy là để rồi gặp lại, là để rồi cùng nhau đi tới những sáng tạo không mệt mỏi, xứng đáng với giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật cho chàng và danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho nàng. Cuộc chia tay hôm nay là cuộc chia lìa đầy nước mắt giữa hai cõi âm dương, cuộc chia lìa để rồi hẹn nhau ở cõi xa xăm. Đường trần đã đứt nhưng đường tơ thì còn đầy lưu luyến. Vẫn nghe vang đâu đây: Chia tay em chia tay hoàng hôn - Gửi lại cho em trái tim thắp lửa - Gửi lại cho em một nửa vầng trăng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận