19/10/2014 06:06 GMT+7

​Người cứu mạng ngư dân trên biển

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Cấp cứu người đã khó, cứu người trên biển trong điều kiện sóng to, gió lớn, thuyền tròng trành càng khó hơn.

Bác sĩ Quang (áo trắng) chỉ đạo đội cứu hộ cấp cứu một ngư dân - Ảnh: T.V.
Bác sĩ Quang (áo trắng) chỉ đạo đội cứu hộ cấp cứu một ngư dân - Ảnh: T.V.

Nhưng đó là lựa chọn của bác sĩ Trần Ngọc Quang (52 tuổi), người có thâm niên 13 năm tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (MRCC 2) đóng tại TP Đà Nẵng.

Chiếc tàu Sar 412 nhận lệnh lúc 6g chiều, xuất phát ra Trường Sa để cứu khẩn cấp một ngư dân đang bị đau ruột thừa. Lúc này tàu cá đang ở vị trí 14,01 độ vĩ bắc - 112,0 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng 250 hải lý (khoảng 470km). 

Lao vào bão biển

Bác sĩ Quang là người mẫn cán và tâm huyết. Là bác sĩ đa khoa nhưng không được rèn trong môi trường bệnh viện với nhiều bệnh nhân để nâng tay nghề nên chuyên môn không thật sâu, đó là thiệt thòi lớn cho anh Quang. Tuy nhiên làm bác sĩ cứu hộ trên biển đòi hỏi nhiều yếu tố khác mà bác sĩ trong bệnh viện không dễ gì có được, đặc biệt là tấm lòng và sức chịu đựng sóng gió
Ông TRẦN VĂN LONG (giám đốc MRCC 2 - Đà Nẵng) 

Tình hình càng căng thẳng hơn khi cơn bão lớn đang ập vào biển đông, gió giật cấp 7, cấp 8. Theo chân bác sĩ Quang và đoàn công tác cứu hộ, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ cũng có mặt trên tàu. Để cứu ngư dân trong cơn nguy kịch, chiếc tàu Sar 412 bứt tốc với gần 26 hải lý/giờ.

Con tàu như lao đi trên ngọn sóng khiến mọi thứ ngả nghiêng, chao đảo. Từng lớp sóng tung bọt trắng phủ hẳn lên boong. Mới ra khỏi cửa biển chúng tôi đã nôn thốc tháo, nằm bẹp dúm một chỗ vì say sóng. 

Gần 10 giờ vượt sóng, chúng tôi tiếp cận con tàu của ngư dân trong điều kiện sóng to gió lớn. Tất cả thủy thủ tàu dồn lại phía sau đuôi để hạ cẩu dìu ngư dân Trần Bá Duy, người Quảng Ngãi, sang tàu cứu hộ.

Dù mệt lả người sau hành trình vượt sóng nhưng ngay lập tức bác sĩ Quang bắt tay vào cuộc. Bệnh nhân được quấn chặt trên chiếc băng ca chuyên dụng nằm ở buồng giữa con tàu. Anh vừa đo huyết áp, khám tổng quát, vừa tìm ven để truyền nước, tiêm thuốc giảm đau...

Tác nghiệp trên đất liền đã khó, làm việc trong điều kiện chao đảo giữa bão bùng càng khó hơn. Hai chân dang rộng để lấy thăng bằng, ông gồng mình trụ vững để đưa kim tiêm vào ven cánh tay bệnh nhân chính xác. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm dạ dày co thắt hoặc đau ruột thừa.

Như người mẹ trông con, bác sĩ Quang túc trực bên chiếc băng ca, lâu lâu khẽ hỏi bệnh nhân: “Em thấy trong người thế nào? Đỡ đau chưa?”. Chốc chốc chúng tôi thấy ông đo lại huyết áp cho người bệnh, rồi vạch áo ra để đo nhịp tim.

Bác sĩ Quang tâm sự: “Có mình bên cạnh bệnh nhân mới an tâm. Mình không thể lơ là hoặc bỏ mặc người bệnh được. Ở trên biển mọi thứ đều có thể xảy ra”. 8g sáng hôm sau, con tàu cập cảng, bệnh nhân lập tức được bàn giao cho trung tâm cấp cứu 115 chuyển thẳng đến bệnh viện đa khoa. Lúc này bác sĩ Quang mới vác balô lên cầu tàu sau một hành trình dài vật vã.

“Bà mụ” của ngư dân

Là đơn vị đứng chân tại miền Trung, quản lý việc cứu hộ cứu nạn từ Quảng Bình đến Bình Định, nơi có rất nhiều ngư dân, nên việc cứu hộ hầu như diễn ra thường xuyên. Bác sĩ Quang cho biết trung bình mỗi tháng có 1-2 chuyến cứu hộ trên biển như vậy.

Đặc biệt là mùa mưa bão, tần suất tàu thuyền, ngư dân gặp nạn càng nhiều nên việc vượt bão biển để cứu ngư dân phải sẵn sàng 24/24 giờ.

“Là bác sĩ nên bất cứ tàu nào xuất phát cứu nạn tôi cũng phải có mặt. Ở đâu không biết nhưng có lệnh là sau 15 phút phải ở trên tàu để xuất phát” - bác sĩ Quang nói.

Chính vì tính cấp thiết và khẩn trương trong việc cứu hộ nên hầu như tất cả nhân viên ở đây không ai được rời đơn vị. Trong căn phòng nhỏ của bác sĩ Quang có một chiếc vali cứu hộ chứa các dụng cụ y tế để sẵn sàng lên đường.

Bác sĩ Quang tâm sự: “Ngày tết, ngày lễ cũng phải có mặt vì ngư dân còn ở trên biển là mình còn trực. Nhà gần nhưng mấy cha con tôi có khi cả tháng trời không gặp mặt”. 

Có những ca chấn thương trên biển không cần thiết phải cho tàu xuất bến, các ngư dân thường dùng máy ICOM để liên lạc với trung tâm nhờ tư vấn. Có những cuộc gọi lúc nửa đêm, có cuộc gọi lúc gần sáng, đa số nêu tình trạng nạn nhân và nhờ bác sĩ chẩn đoán bệnh từ xa, các phương pháp sơ cấp cứu. Chính vì công việc này mà nhiều ngư dân đặt cho bác sĩ Quang biệt danh “bà mụ” trên biển.

“Tất nhiên là đoán bệnh qua ICOM sẽ không chính xác nhưng ít nhất cũng chỉ dẫn cho ngư dân cách tốt nhất để bệnh nhân tự ứng phó. Cách đặt bệnh nhân khi gãy chân tay, cách ngồi khi mắc các chứng ho, tim mạch như thế nào tôi đều phải hướng dẫn cho họ” - bác sĩ Quang nói.

Mười ba năm làm cứu hộ, con tàu Sar 412 hay tàu Sar 271 sơn màu cam trên biển đã trở thành quen thuộc với ngư dân. Mười ba năm trước, đang công tác tại Bệnh viện quận Ngũ Hành Sơn, chỉ vì đam mê biển cả mà bác sĩ Quang nộp hồ sơ vào ngành cứu hộ biển tại MRCC 2.

Ông không nhớ hết bao nhiêu nạn nhân, ngư dân đã qua bàn tay mình sơ cứu. “Tôi hạnh phúc với công việc này. Dù làm ở đâu thì công việc của bác sĩ cũng là cứu người, nhưng giữ được mạng sống của ngư dân giữa biển khơi khiến tôi thấy mình hạnh phúc hơn”.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên