![]() |
Tách nguyên liệu chì từ bình ăcqui hỏng |
Trong lúc mọi người hoang mang thì một “vị cứu tinh” xuất hiện. Anh là Trịnh Minh Quân - một thanh niên tự mình bỏ ra hơn 100 triệu đồng nghiên cứu, chế tạo lò nấu chì giảm được 70% mức độ ô nhiễm.
Làng nghề song hành với hiểm họa
![]() |
Anh Trịnh Minh Quân (bên trái) |
Trong đó nấu chì thường xuyên và qui mô lớn có 25 hộ, bốn hộ nấu đồng và hai hộ nấu kẽm thu hút khoảng 600 lao động (20-25 lao động/hộ) với thu nhập 600.000 đồng/người/ tháng.
Theo tính toán, mỗi ngày cả thôn sản xuất khoảng 20 tấn chì thành phẩm từ hơn 40 tấn chì phế liệu và thải ra hàng trăm ký bụi chì. Mỗi tháng hàng chục xe tải khắp nơi chở về thôn hàng trăm tấn phế thải có chì để cung cấp nguyên liệu cho làng nghề.
Từ khi nghề nấu chì ra đời, người dân Đông Mai luôn phải sống chung với bụi chì. Khắp cả thôn, cây cối, nhà cửa đều phủ một lớp khói bụi xám xịt, đen mờ. Bình ăcqui cũ đủ chủng loại vứt rải rác, còn tại những nơi bóc tách phế liệu bình ăcqui chất cao như núi.
Bầu không khí đặc quánh, mùi khói chì cùng với mùi axit hăng hắc bốc ra từ các bình ăcqui cũ tháo tung đã quen với người Đông Mai nhưng làm chúng tôi như ngạt thở. Sự ô nhiễm môi trường của thôn đã làm hoảng hồn không ít nhà khoa học.
Anh Nguyễn Văn Hai (chuyên nấu chì thuê) sinh được hai đứa con thì một đứa bị bại liệt, một đứa có tới ba quả thận. Chị Đỗ Thị Hòa - chủ một lò nấu chì - bốn lần sinh nở thì ba lần đau xót khi thấy những đứa con vừa sinh ra đã chịu tật nguyền. Đứa con gái đầu lòng bị tàn tật rồi chết, đứa thứ hai bị thiểu năng trí tuệ và đứa thứ ba bị mù một mắt. Quá đau đớn, chị bỏ luôn nghề nấu chì mãi mới sinh được cháu Như Ý lành lặn.
Anh Lê Văn Tâm - phó chủ tịch Hội nông dân xã - trước đây cũng là chủ một lò nấu chì; đầu những năm 1990, có trong tay hơn 200 triệu đồng thu từ sản xuất và kinh doanh chì nhưng anh cũng phải từ giã nghề vì đau đớn trước cái chết của đứa con gái. “Ngày đó tôi cứ gom chì để ngay dưới gầm giường. Ai ngờ con mình lại nhiễm độc. Cháu nằm viện hai tháng thì mất” - anh ngậm ngùi kể lại chuyện cũ.
Tiếp xúc với những người nấu chì, chúng tôi thấy ai cũng gầy đen, mắt đỏ lừ, miệng ho liên tục. Những lao động nữ tách bóc nguyên liệu từ phế thải cũng chẳng khá hơn dù họ có mang khẩu trang và găng tay. Chị Dương Thị Hiền cho biết: “Cứ mỗi buổi đi làm về tôi thấy mệt mỏi, buồn nôn... Nhưng biết làm gì để kiếm mỗi ngày 20.000 đồng. Rau muống hái về phải rửa ba bốn nước mới sạch bụi chì cũng phải ăn nữa là...”.
Mọi người đều ý thức được nguy cơ tiềm ẩn nhưng ngoài nấu chì, cả thôn hầu như không có nghề phụ. Đất nông nghiệp cũng chỉ bình quân 1,2 sào/người nên phải chấp nhận chung sống với chì. Hằng năm vẫn có người trong thôn bỏ mấy trăm nghìn đồng lên các bệnh viện ở Hà Nội để tẩy độc chì nhưng rồi lại tái nhiễm.
Trước tình hình trên, UBND xã phải ra quyết định bắt dân nấu chì vào ban đêm, luân phiên nhau mỗi đêm ba hộ để giảm bớt khói bụi. Đêm người dân đóng cửa ở trong nhà nhưng sáng ra lại thấy khói bụi bay lơ lửng đầy thôn.
Đưa làng chì thoát hiểm
![]() |
Lò nấu chì do anh Quân tự chế |
Trong lúc chính quyền bối rối, người dân hoang mang trước sự ô nhiễm thì có một người không chịu ngồi yên trước hiểm họa.Đó là anh Trịnh Minh Quân (sinh năm 1969), xuất thân từ một gia đình ba đời làm nghề nấu chì. Anh tự bỏ tiền và mày mò nghiên cứu lò nấu chì kiểu mới để giảm ô nhiễm và tìm cách thu bụi chì trong khói thải.
Anh cho biết đã nung nấu ý định làm lò nấu chì kiểu mới từ lâu nhưng chưa thực hiện được. “Trước đây tôi đã xây lò có ống khói cao 15-20m để đưa bụi khói lên cao. Nhưng tránh được cho mình thì người dân vùng khác lại bị bụi chì rơi xuống. Nhờ ông cậu gợi ý, tôi đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các cơ sở đốt kẽm để tham khảo hệ thống hút bụi”.
Nhưng hệ thống này toàn của nước ngoài chế tạo, giá hàng tỉ đồng, anh không đủ tiền để làm. Vậy là dựa trên nguyên lý hoạt động của các hệ thống này, anh gom góp vay mượn được hơn 100 triệu đồng mua vật liệu về rủ ông cậu chế tạo lò theo cách của mình từ năm 2001. Lúc đầu anh làm mô hình thu nhỏ rồi thử nghiệm dần.
Bốn lần thất bại trong tám tháng, lỗ 30 triệu đồng làm ông cậu bỏ cuộc, nhiều người xung quanh dè bỉu, anh vẫn quyết tâm tham khảo thêm các sách về nguyên lý hút bụi để làm. Và lò nấu chì mới đã ra đời trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Lò nấu chì mà anh chế tạo được kế thừa... lò cũ. Nhưng trên miệng lò đứng đắp bằng đất sét được úp một phễu lớn bằng kim loại để hút bụi qua hai tầng hầm và hai buồng trung gian. Bụi khói sau khi đưa qua buồng giảm nhiệt làm mát bằng nước sẽ được hút sang buồng chứa khí gồm nhiều túi lọc và 70% bụi chì được giữ lại tại đây.
Lượng khói thoát ra ngoài chỉ mang 30% bụi chì. Mỗi đêm lò nấu hơn 5 tấn nguyên liệu mà chỉ cần hai lao động với chi phí 300.000 đồng kể cả tiền điện, tiền thuê nhân công và tiền quĩ đóng cho xã.
Hiện nay do chưa có tiền đầu tư nên Quân mới chỉ thuê đất của xã để xây một lò giải quyết được 1/3 nhu cầu của cả thôn. Mỗi đêm cho bà con thuê lò anh chỉ lấy 50.000 đồng. “Tôi vẫn có lãi vì mỗi đêm tôi thu được 2 tạ bụi chì. Xử lý hóa chất thu được 80-100kg chì thành phẩm. Thời điểm hiện nay giá mỗi ký chì 12.000 đồng ”.
Theo lời anh, chỉ cần ba lò là giải quyết đủ nhu cầu và hạn chế được sự ô nhiễm của thôn. Dù công trình của anh được tỉnh công nhận nhưng anh vẫn thiếu nguồn kinh phí, mặt bằng để xây thêm lò mới.
Hàm lượng chì ở Đông Mai (đo tại những điểm có mức độ ô nhiễm lớn nhất): - Hàm lượng chì trong nguồn nước mặt: 0,77mg/lít, vượt tiêu chuẩn cho phép 15 lần. - Trong ao đãi chì và đổ xỉ: 3,278 mg/lít, vượt 65 lần. - Trong không khí: 26,332 - 46,414 mg/m3, vượt 4.600 lần. Trong xét nghiệm ở người nhiễm độc chì: Hàm lượng chì trong nước tiểu: 0,25-0,56 mg/lít; trong máu: 135mg/ lít; vượt 1,5 lần cho phép. Trong các loài thực vật: - Bèo: 430,35 mg/kg. - Rau muống: 168,15 - 430,35mg/kg (đây là nguồn gây nhiễm độc chì gián tiếp lên người). (Thống kê của TS Lê Đức, khoa môi trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, trong dự án “Qui hoạch và áp dụng biện pháp kỹ thuật làm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong làng nghề tái chế chì thủ công tại địa phương - thôn Đông Mai) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận