Phóng to |
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Datamonitor, trong năm 2006 số lượng sản phẩm làm trắng da ở châu Á lên tới 226 sản phẩm, trong khi năm 2002 chỉ có 50 sản phẩm.
Tiến sĩ Chitralada Vibhagool, bác sĩ chuyên khoa da liễu Thái Lan, cho biết sự ưa thích làn da sáng màu không có gì mới. Nhưng nó ngày càng được đẩy mạnh bởi các chiến dịch truyền thông nhằm vào tầng lớp trung lưu và những phụ nữ có thu nhập ngày càng tăng.
Một khảo sát của Công ty nghiên cứu Synovate cho biết những sản phẩm làm trắng da được sử dụng bởi 58% phụ nữ Thái Lan trong độ tuổi 18-64 có thu nhập hằng tháng từ 20.000 bạt (665 USD) trở lên. Những người được hỏi cho biết họ tiêu 1.950 bạt (65 USD) mỗi tháng cho các sản phẩm chăm sóc da. Có tới phân nửa phụ nữ Philippines, 45% phụ nữ Hong Kong và 41% phụ nữ Malaysia dùng sản phẩm làm trắng da. Ấn Độ cũng là một thị trường đang phát triển.
Không riêng gì phái yếu, phái mạnh cũng chuộng các sản phẩm làm trắng da. Các siêu thị và các cửa hàng dược phẩm có hàng dãy những lọ nước hoa dùng sau khi cạo râu có tác dụng làm trắng da; rồi các loại kem, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, kể cả sữa tẩy trang dành riêng cho nam giới. Unilever cũng tung ra ba dòng sản phẩm làm trắng da cho các quí ông. Tập đoàn này cho biết trong ba năm nay ngành sản xuất các sản phẩm làm trắng da ở châu Á tăng trưởng 12% mỗi năm.
Để... trắng sáng hơn: nhiều khi tiền mất tật mang!
Nhà báo Thái Lan Nikki Assavathorn phàn nàn rằng những phương tiện truyền thông và các công ty mỹ phẩm đã “tẩy não” người tiêu dùng, hô hào họ sử dụng các sản phẩm làm trắng da. "Những ai sinh ra không có làn da sáng, liệu điều đó có phải là họ mất giá trị không? Liệu có phải rằng chúng ta tự ghét bỏ mình khi chúng ta tin rằng mình sẽ hấp dẫn hơn nếu có nước da sáng hơn?" - Assavathorn đặt câu hỏi. Nhà báo Assavathorn kêu gọi các độc giả hãy vứt bỏ đi những ống kem làm trắng da và hãy "vui vẻ vì bạn là chính bạn!". |
Nhà thiết kế thời trang Thái Lan Chanala Chongsathit, 45 tuổi, cho biết cô không tiếc tiền mua một món mỹ phẩm nếu tin rằng nó sẽ giúp cô trông xinh đẹp hơn. Một cô gái khác là Pom chi mỗi năm 100.000 baht (3.300 USD) để mua mỹ phẩm, trong đó có mặt nạ làm trắng da giá 2.400 baht (80 USD).
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng mua những sản phẩm làm trắng da của những hãng có tên tuổi, một số người đã dùng những đồ mỹ phẩm không an toàn.
Năm 2005, Sumarni, một người giúp việc Indonesia, đã bị phồng rộp khắp mặt sau chuyến đi nghỉ. Cô đã dùng một loại kem trắng da của người hàng xóm để thoa lên mặt và mặt cô bị bỏng. Vài tháng sau, Sumari ăn trộm một lọ kem chống lão hóa đắt tiền của bà chủ vì tưởng rằng nó sẽ giúp cô làm trắng làn da sẫm màu.
Phát hiện điều này, bà chủ của Sumari, Nicole Lediard, không sa thải cô giúp việc nhưng cũng nhận xét rằng cô quả là liều mạng. Theo nhà tâm lý người Mỹ gốc Pháp này, ví dụ trên cho thấy một số phụ nữ đang tìm cách thay đổi mình theo một tiêu chuẩn vẻ đẹp nhất định.
Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Thái Lan cho biết có gần 100 sản phẩm làm trắng da trái phép được bày bán khắp nước này. Còn ở Indonesia, nhà chức trách xác định có tới hơn 50 mỹ phẩm bị cấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận