24/11/2016 15:59 GMT+7

​Người cao tuổi và bệnh táo bón

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Táo bón là một trong những chứng thường gặp ở người cao tuổi. Tình trạng táo bón gây khó khăn trong sinh hoạt, dẫn đến chán ăn, sút cân, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ.

Đây là bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân như: suy giảm chức năng sinh lý, thói quen ăn uống không đủ chất xơ, uống không đủ nước, ít hoạt động… và các bệnh lý ở đường tiêu hoá, thần kinh,...

Điều trị và dự phòng

Phải tìm ra nguyên nhân gây táo bón để điều trị theo nguyên nhân. Ngoài việc điều trị căn nguyên, nếu táo bón do các nguyên nhân khác thì có thể điều trị bằng cách: 

- Nếu do phản ứng phụ của thuốc thì có thể đề nghị bác sĩ cho dừng thuốc hoặc đổi thuốc khác.

- Ăn thức ăn có nhiều chất xơ và uống đủ nước: Chất xơ có nhiều trong rau, quả, củ và ngũ cốc thô. Chất xơ không những tạo thành chất bã mà còn kết dính những chất độc hại để đào thải ra ngoài, thu hút nước để tăng lượng phân, kích thích hoạt động của tế bào dịch nhầy ở thành ruột và tăng nhu động ruột. Rau quả và ngũ cốc toàn phần không chỉ cung cấp nhiều chất xơ mà còn có hàm lượng cao những chất sinh tố, khoáng chất, chất chống oxy hoá có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư và nâng cao hệ miễn dịch.

Đặc biệt nên chú ý đến sữa chua và các sản phẩm từ rong biển là những món ăn được khuyến khích cho mọi trường hợp táo bón. Thông thường, chỉ cần cải thiện chế độ ăn là có thể chống táo bón. Bên cạnh đó cần chú ý uống đủ nước, thông thường với người cao tuổi lượng nước cần thiết vào khoảng 2 lít/ngày.

- Thể dục, vận động: Hoạt động đi đại tiện cần sự phối hợp của nhiều nhóm cơ ở vùng bụng. Do đó, năng vận động thân thể để gia tăng nhu động ruột và gia tăng trương lực cơ sẽ giúp cải thiện hoạt động ở ruột già. 

Cách vận động đơn giản nhất là đi bộ, đi khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi từ chậm đến nhanh dần tuỳ theo điều kiện sức khoẻ của mỗi người. Ngoài ra, người già nên thường xuyên xoa bóp. Có thể áp 2 bàn tay vào nhau xoa chậm xoay tròn chung quanh vùng rốn để vừa có tác dụng kích thích tiêu hoá ở dạ dày vừa gia tăng nhu động ruột ở vùng ruột già. Mỗi ngày nên thực hành 2 lần, mỗi lần xoa từ 5 đến 10 phút.

- Tạo thói quen đi đại tiện: Hoạt động đi đại tiện là một hoạt động sinh lý có tính phản xạ thần kinh. Do đó, cần bồi dưỡng thói quen bằng cách đi đại tiện theo một giờ nhất định trong ngày. Cũng vì lý do này, mỗi khi có cảm giác cần đi đại tiện, không nên nín nhịn. 

- Sử dụng thuốc nhuận tràng: Có rất nhiều thuốc nhuận tràng khác nhau tuỳ theo cơ chế tác dụng, khi sử dụng các thuốc này nên có chỉ định của bác sĩ.

Một số bài thuốc Đông y chữa táo bón

- Táo bón do huyết hư: người bệnh gầy, niêm mạc nhợt nhạt, hay bị hoa mắt chóng mặt... Dùng một trong các bài thuốc sau: 

+ Bài 1: đương quy 16g, thục địa 16g, hà thủ ô 16g, đại táo 10g, bạch thược 12g, chỉ xác 12g, đào nhân 12g, cam thảo 10g, thiên môn 16g, mạch môn 16g, hoa kim ngân tươi 15g. Sắc uống ngày 1 thang. 

+ Bài 2: hà thủ ô 16g, cỏ mực 16g, tang diệp 16g, rau má 20g, sinh địa 12g, chỉ xác 10g, đào nhân 12g, kê huyết đằng 15g, đại táo 12g, sơn tra 10g, thảo quyết minh (sao vàng) 16g, đương quy 16g, sa sâm 16g, mộc thông 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 3: đương quy 20g, ngưu tất 16g, chỉ xác 10g, trạch tả 10g, sinh địa 12g, ngân hoa 12g, nhục thung dung 12g, đại táo 10g, sa sâm 16g, hồng hoa 5g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Táo tón do khí trệ: thường gặp ở người cao tuổi, thể trạng hư yếu, người mệt mỏi, toát mồ hôi, hông sườn đầy ách, lưỡi đỏ, mắt đỏ... Dùng một trong các bài thuốc sau:

+ Bài 1: chỉ xác 12g, đại hoàng 5g, trần bì 12g, sinh địa 12g, sa sâm 16g, hoàng kỳ 10g, kim ngân hoa 14g, cam thảo 12g, rau má 16g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, bạch thược 12g, bạch linh 10g. Sắc uống ngày 1 thang. 

+ Bài 2: trần bì 12g, chỉ xác 12g, mộc thông 16g, sinh địa 16g, sa sâm 16g, sâm hành 16g, thăng ma 10g, hồng hoa 6g, cam thảo 10g, mơ muối 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 3: mộc thông 12g, binh lang 10g, đào nhân 12g, hồng hoa 8g, nhục thung dung 10g, sinh địa 10g, trần bì 10g, sa sâm 16g, cam thảo 10g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Táo bón do nhiệt tà tích tụ ở đại trường: người bệnh miệng khô họng ráo, khó ngủ, bụng nổi cục, chất lưỡi đỏ. Dùng một trong các bài thuốc sau:

+ Bài 1: ngân hoa 12g, liên kiều 12g, cát căn 16g, sinh địa 16g, cỏ mực 16g, chỉ xác 12g, trần bì 12g, đại hoàng 6g, bạch thược 12g, sa sâm 16g, hồng hoa 8g, mạch môn 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 2: sinh địa 16g, chỉ xác 12g, đào nhân 12g, hồng hoa 10g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, trần bì 12g, bạch thược 12g, liên kiều 12g, cát căn 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 3: trần bì 12g, chỉ xác 12g, phòng sâm 16g, đương quy 16g, thiên môn 16g, mạch môn 16g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, rau má 20g, cỏ mực 20g, cát căn 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên