Phóng to |
Nguyễn Thanh Lâm cầm tập hồ sơ từ một người dân, kiểm tra tuần tự rồi đóng dấu, ký tên và trả lại: “Dạ xong rồi đó, chú ơi!”. Lâm vừa trả hồ sơ vừa mỉm cười. Tất cả diễn ra nhanh gọn trong vài phút. Bác nông dân sững người khi nhận lại hồ sơ của mình.
Ông vừa được chứng kiến một việc thật khác thường: người cán bộ UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) vừa làm giấy tờ cho ông không có cả hai bàn tay.
“Bảo bối” của ông ngoại
“Không thể tin được” - ông Dưỡng, người vừa xin xác nhận hồ sơ, thốt lên khi chứng kiến việc anh Nguyễn Thanh Lâm, người phụ trách văn phòng UBND xã Hòa Thắng, vừa giải quyết giấy tờ cho mình. Anh dùng cả hai cánh tay cụt đỡ lấy con dấu và đóng một cách khéo léo. Để ký xác nhận anh lấy một cái ống nhựa nẹp vào đầu tay. Ống nhựa này có một cái lỗ đút vừa lọt cây viết mà từ đó Thanh Lâm viết ra những dòng chữ rất đẹp. “Tôi được giao nhiệm vụ giải quyết tất cả thủ tục hành chính hằng ngày, tiếp nhận những đơn thư của dân ở đây...” - anh Lâm cho biết.
Cách đây 28 năm, Lâm bị mất hai bàn tay từ lúc mới 10 tháng tuổi trong một tai nạn thảm thương. Cha mẹ đi làm để con trai đầu lòng nhờ mấy người chị họ trông giùm. Cậu bé thức dậy không thấy ai liền bò đi tìm và rơi vào đống lửa. Lúc những người hàng xóm nghe tiếng khóc chạy qua cứu thì cậu bé đã bị bỏng ở mặt, bụng, một phần bàn chân phải và cháy mất cả đôi tay.
“Sau này họ kể lại rằng lúc đó nhìn tôi không khác chi một con dông đang bị nướng” - anh nói. Lúc đó, thật sự không ai hình dung được cuộc đời cậu bé rồi sẽ đi về đâu.
Tôi được cha mẹ sinh ra, được mọi người xung quanh yêu thương thì sao lại không vui với cuộc đời này. |
Kể về Lâm không có gì sinh động bằng lời của người bạn thân nhất Phạm Tấn Dũng - người chở Lâm đi học bằng xe đạp suốt từ năm lớp 8 đến hết cấp ba: “Dù Lâm bị thiệt thòi như vậy nhưng lại chính là chỗ dựa của tôi, bởi tôi chưa thấy ai yêu đời như bạn. Lâm không có hai bàn tay mà bơi ngoài biển giỏi như người thường, là tiền đạo của đội bóng làng, đánh bida thắng cả tôi. Lâm lấy hai cánh tay cặp lấy cây cơ, còn điểm tựa chính là thành bàn bida, cứ vậy ghi điểm. Có lần một người mới gặp thách Lâm gõ máy tính chữ “chúc mừng năm mới” và há hốc mồm vì dường như chưa kịp nói xong thì đã hiện lên trên màn hình câu “Happy New Year”.
Nhưng những ai biết thì chẳng ngạc nhiên đâu, bởi đến bàn phím nhỏ xíu của điện thoại cầm tay Lâm còn bấm tanh tách, huống gì máy tính. Cái gì bạn cũng làm được, có lẽ trừ việc đi xe máy, xe đạp mà thôi”.
Anh Dũng kể tiếp: “Tôi phục nhất có lẽ là cách dạy dỗ con cái của cha mẹ Lâm. Lâm là anh cả của bốn người em, nhưng do số phận không may nên đương nhiên được thương yêu nhiều nhất. Tuy nhiên, bề ngoài ông bà vẫn đối xử với Lâm như những người con khác. Điều đó khiến Lâm cảm thấy rất tự nhiên vì được cha mẹ coi như một đứa con lành lặn, bạn cố gắng làm mọi việc có thể và chẳng bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật. Năm đầu thi trượt đại học, bạn không hề nản, lại ôn tiếp và năm sau đậu luôn ba trường ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và CĐ Kinh tế đối ngoại. Nhưng rồi bạn chọn học ngành tài nguyên - môi trường ở Đà Lạt vì học trên đó đi bộ được, đỡ phần khó khăn cho gia đình”.
Nỗi buồn qua nhanh
Phóng to |
Ở Đà Lạt, anh sinh viên Thanh Lâm đi dạy kèm để kiếm thêm. Nhưng một việc xảy ra khiến nhiều người ngạc nhiên: anh thôi không làm gia sư một thời gian để ra chợ Đà Lạt bán vé số.
“Nhờ vậy tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người, thấy nhiều người còn vất vả cơ cực hơn mình và hiểu thêm được nhiều điều trong cuộc sống. Sống là luôn phải đương đầu với những thử thách và ta hãy tìm cách để vượt qua” - anh giải thích.
Và thử thách lớn nhất đến với Lâm là lúc đi tìm việc làm. “Suốt thời gian dài chơi thân với Lâm, tôi chỉ thấy bạn buồn khi vừa tốt nghiệp ĐH và đi xin việc. Lúc này đã lớn nên bạn suy nghĩ nhiều hơn. Từ nhỏ tới lớn với tính tình hòa đồng nên bạn quen rất nhiều người và được họ giúp đỡ lúc đi học, đồng thời hứa sẽ nhận vào làm sau tốt nghiệp. Tuy vậy khi học xong người ta quên.
Một thời gian vào Sài Gòn, Lâm nộp đơn tại văn phòng giới thiệu việc làm cho người khuyết tật và rồi không có hồi âm. Nhưng bạn lại làm tôi giật mình vì tâm sự rằng “thử đặt mình là một chủ doanh nghiệp thì cũng khó mà nhận một người cụt cả hai tay vào làm” nên chẳng trách cứ ai và lại thanh thản tìm cách khác, vẫn vui vẻ” - Phạm Tấn Dũng kể.
Và đời không phụ Lâm khi quê xưa - nơi chứng kiến tai nạn thảm khốc với cậu bé Lâm 10 tháng tuổi - đã nhận anh về làm việc.
Qua tay Lâm là xong... Ông Trần Hữu Bình, nông dân ở xã Hòa Thắng, kể: “Hồi nhỏ nhà tôi ngay gần nhà Lâm, tôi còn nhớ suốt đời cảm giác hãi hùng khi chứng kiến cảnh thằng bé bị rơi vào đống lửa, tưởng đâu không sống nổi. Sau đó gia đình Lâm chuyển sang huyện Tuy Phong sinh sống, tôi nào ngờ có ngày Lâm quay về đây mà lại làm cán bộ xã nữa. Ai đời bị mất hai tay mà học cao quá vậy. Xã này mấy người được như vậy đâu. Bà con ở đây ai cũng nể phục quyết tâm học hành, không chấp nhận làm người thừa của Lâm, ai cũng thấy tự hào về Lâm. Nhưng cái bà con quý nhất ở cán bộ Lâm là sự vui vẻ, hòa đồng và rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Ai cần lên xã làm giấy tờ thủ tục gì là Lâm hướng dẫn kỹ lắm. Đơn xin việc làm, hồ sơ cho con cái đi học, rồi giấy tờ kiện tụng đất đai... qua tay Lâm là xong”. |
Ông Trương Quang Thọ, phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, chia sẻ: “Thời điểm Lâm về xã là lúc cán bộ chuyên trách đang thiếu, công việc chồng chất giải quyết không kịp. Dù thiếu người nhưng khi nhận quyết định của trên về việc tiếp nhận Lâm, anh em lãnh đạo xã đã có phản ứng quyết liệt, không chấp nhận việc cấp trên phân bổ cán bộ mang tính chất áp đặt đối với xã vùng sâu. Bởi dù Lâm có học nhưng công việc văn phòng đòi hỏi phải có đôi tay nhanh nhẹn, vì vậy không ai nghĩ Lâm sẽ đảm đương nổi. Tuy nhiên sau một thời gian, Lâm thích nghi và giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác nên rất được anh em trong xã tín nhiệm và có một cái nhìn hoàn toàn khác”.
Trước đó Lâm đã được nhận vào một công ty thủy sản gần nhà. Anh làm ở bộ phận xuất nhập khẩu, nhận email từ các đối tác nước ngoài. Nhưng rồi sau đó anh xin thôi việc vì cho rằng không hợp chuyên môn đã học. Còn bây giờ Lâm đang cố gắng làm thật tốt công việc ở xã và hi vọng thật nhiều ở tương lai.
Nguyễn Thanh Lâm thích nhất bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, bài hát nói về trách nhiệm sống của những con người bình thường trong xã hội. Còn nhạc chuông điện thoại của anh là khúc ca rộn rã: “Ta như đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay...”.
Có gì đó cứ ánh lên lấp lánh trong đôi mắt của người thanh niên này: “Tôi được cha mẹ sinh ra, được mọi người xung quanh yêu thương thì sao lại không vui với cuộc đời này”. Một người không có cả hai bàn tay như anh mà sống như người thường thì sự bình thường này còn hơn cả phi thường vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận