05/02/2012 07:49 GMT+7

Người buôn đồng nát nhận giải quốc tế

Chị DƯƠNG THỊ TUYẾT
Chị DƯƠNG THỊ TUYẾT

TT - Xuất thân là một người buôn đồng nát (ve chai), chị đã vượt khó đi lên, làm chủ một cơ sở đúc đồng. Chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Quỹ Tài chính vi mô toàn cầu trao giải thưởng. Chị là Dương Thị Tuyết...

nI7QRvXN.jpgPhóng to
Chị Dương Thị Tuyết trao quà là chiếc đĩa bằng đồng do chính mình làm cho bà Irina Bokova - tổng giám đốc UNESCO - Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cung cấp

Không quá khó tìm nhà của chị Dương Thị Tuyết (sinh năm 1975) ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định. Không chỉ bởi thị trấn nhỏ mà vì chị Tuyết quá quen mặt với những người dân nơi đây. Bởi trước khi trở thành doanh nhân, chị là một người buôn đồng nát.

Người buôn đồng nát nghèo

"Mình rất xấu hổ vì quá nghèo. Nhưng cũng chính bởi nghèo nên tham gia hội để được chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và nuôi dạy con cái"

Ở thành phố, các ông bố bà mẹ muốn dọa khi con không chịu học hành đều nói: lớn lên cho đi đồng nát. Nói thế nghĩa là người làm nghề đồng nát bần cùng lắm rồi, là khổ lắm chứ chẳng sung sướng gì. Hoặc nhìn ai ăn mặc lôi thôi, rách rưới thì người ta ví: trông như mấy bà đồng nát! Thế nên khi kể về công việc của mình hiện tại, chị Tuyết không bao giờ quên nhắc: “Trước đây mình có nghề đồng nát!”.

Người đồng nát đi mua sắt giấy vụn ở đâu thì quen ở đấy, quen đến nỗi bất kể nhà có đồ đồng nát gì bán họ đều nhắn chị đến lấy. Còn bây giờ thì người ta quen với chị hơn nữa bởi chị là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Tài chính vi mô toàn cầu, được trao tại Paris (Pháp) vào tháng 12-2011.

Những ngày đầu xuân, cả khu xưởng rộng mấy trăm mét vuông của nhà chị Tuyết vẫn còn ngổn ngang khuôn đúc và các loại đất sét, tro trấu. Nghề đúc đồng ở Ý Yên là nghề gia truyền nhiều đời, anh Ngô Hữu Quyết (chồng chị Tuyết) cũng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề, trẻ con trong gia đình biết làm nghề, biết việc rất sớm, từ việc chuẩn bị khuôn cho đến việc đun nấu rót đồng. Nhỏ thì phụ việc củi lửa tro trấu, lớn thì đánh bóng, gò đồ cho trơn tru mịn màng: “Những năm 1980, 1990 làng nghề chủ yếu đúc xoong, nồi, chảo. Sau không đúc đồng thì đúc nồi nhôm, nồi gang. Không chỉ đúc tại làng mà còn rong ruổi khắp nơi để đúc nồi dạo. Tôi đã theo bố lên tận Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang để đúc nồi thuê cho người ta”, anh Quyết kể về nghề của cha ông như thế.

Vợ đi buôn đồng nát với thu nhập 20.000 đồng/ngày, chồng đi đúc đồng thuê với tiền lương chỉ đủ mua gạo ăn. “Khi có cán bộ Hội phụ nữ của huyện đến nhà vận động tôi vào hội, nhà tôi đang ăn cơm, trong chiếc mâm đồng cũ chỉ có bát canh và quả cà. Lúc ấy mình rất xấu hổ vì quá nghèo. Nhưng cũng chính bởi nghèo nên tham gia hội để được chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và nuôi dạy con cái”, chị Tuyết không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày tháng cơ cực đạp xe hàng trăm cây số rong ruổi khắp làng quê thu mua đồng nát.

Chị được Hội phụ nữ cho vay 500.000 đồng ban đầu và gợi ý nên tổ chức lại nghề đúc đồng bởi chồng chị là thợ giỏi. Nhưng với 500.000 đồng vốn ấy không đủ để mở xưởng nên chị về thuyết phục bố mẹ đẻ mang sổ đỏ nhà đất đến ngân hàng vay 3 triệu đồng mở xưởng. Nhưng đúng lúc vợ chồng anh Quyết bắt tay vào dựng xưởng (1998) thì thị trường đã xuất hiện nồi cơm điện, nghề đúc xoong, nồi chẳng ăn thua nữa.

Với 3 triệu đồng, vừa mua nguyên liệu vừa đắp lò, vợ chồng bắc bếp đổ một quả cầu đồng có đường kính 1,1m, nặng 150kg. Dỡ khuôn, đánh bóng xong hai vợ chồng nhìn nhau: cả vốn liếng, cả sổ đỏ nhà ông bà ngoại đều đổ vào quả cầu này rồi, không bán được thì chỉ có chết!

nC2Qh3l3.jpgPhóng to

Chị Dương Thị Tuyết và chồng chuẩn bị khuôn đúc một con hạc - Ảnh: Hoàng Điệp

Quả cầu mở đường...

Lúc ấy, chị Tuyết nhớ đến một người họ hàng làm việc trên Hà Nội. Hai vợ chồng vay mượn được ít tiền đủ mua 30 quả trứng gà rồi gửi con cho bà ngoại, khăn gói lên thủ đô. Ở chơi Hà Nội một ngày, trước khi về mới ngỏ ý với người họ hàng: “Em có quả cầu bằng đồng như thế, toàn bộ vốn liếng của em đều đổ vào đấy. Bác quan hệ rộng, có ai mua bác bán giúp em!”.

Hai ngày sau khi trở về Nam Định, người họ hàng bảo mang quả cầu lên. Chuyến đầu tiên quả cầu được bán với giá 9 triệu đồng, lãi gấp đôi số gốc bỏ ra. “Hai vợ chồng cứ nhảy lên trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng chục mét vuông. Thế là sống rồi!”, chị nhớ lại.

Vốn ít nên chưa dám thuê người làm mà hai vợ chồng hì hục trải qua tất cả các công đoạn: từ làm khuôn, đốt trấu lấy tro đến củi lửa. “Những ngày xưởng không đỏ lửa thì trông gọn gàng sạch sẽ thế này chứ khi làm việc thì đen thui từ đầu tới chân. Có khách đến thì rất xấu hổ vì những vết tro bám vào các kẽ tay muốn rửa sạch ngay cũng chẳng được” - chị Tuyết nói.

Chặng đường dài từ lúc bắt đầu khởi nghiệp đến nay đã hơn chục năm. Từ chiếc lò nấu đồng nhỏ xíu trong chiếc sân đất ngập cỏ đến căn nhà khang trang của gia đình là chặng đường không chỉ dài về thời gian mà dài cả về nỗi vất vả lo toan của cặp vợ chồng luôn lấm lem tro bụi.

Chị Tuyết vốn không phải người của thị trấn Lâm mà là người dưới Trại 1, cách thị trấn Lâm vài cây số. Trước khi trở thành công dân của thị trấn thì: “Làng tôi có nghề buôn đồng nát. Vừa nghỉ học là tôi bắt tay vào nghề này kiếm tiền. Lấy chồng năm 17 tuổi, nhà chồng đông nên vẫn tiếp tục theo nghề cũ. Mỗi ngày kiếm được 20.000 đồng, chỉ vừa đủ rau dưa mắm muối”.

Chịu cực khổ đã quen, nên khi khởi nghiệp bằng nghề cũ của ông bà, hai anh chị tập trung toàn bộ sức lực và vốn liếng, tự lên Hà Nội giao hàng, tự thiết kế mẫu, tự đi tìm các đầu mối công việc để ký kết hợp đồng... Bắt đầu từ sản phẩm nhỏ lẻ đến những tác phẩm tượng lớn. Đến nay, mỗi tháng nhà anh chị xuất xưởng hàng tấn sản phẩm mỹ nghệ từ đúc đồng. Hơn mười năm, từ căn nhà rộng hơn 10m2 đến nay anh chị đã có xưởng đúc rộng hơn 200m2 cùng với chục người thợ làm liên tục và căn nhà khang trang hai tầng có chỗ ăn ngủ cho thợ.

Giải thưởng Doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu

Đến thị trấn Lâm, hỏi một cụ già chừng 70 tuổi vào nhà chị Tuyết doanh nhân đúc đồng, cụ già hỏi lại: “Có phải con Tuyết mới sang Pháp nhận giải không? Mươi năm trước nó đen đúa, nhếch nhác đạp xe đi thu mua vỏ chai, túi nilông, sắt vụn. Không sao tin được giờ nó sang Pháp. Vinh dự nhất huyện này đấy”.

Việc chị Tuyết sang Pháp nhận giải không chỉ là niềm vui đối với chị mà còn được nhiều người đến thăm hỏi và chia sẻ trong nhiều ngày qua, dù chuyến đi Pháp năm ngày của chị đã chấm dứt cách đây hơn một tháng. “Ôi, lúc nghe các chị trên Hội phụ nữ huyện thông báo tôi còn tưởng người ta trêu tôi. Nói đi nói lại mãi rồi mới tin được” - chị Tuyết vẫn chưa hết niềm vui khi kể về chuyến sang Pháp nhận giải thưởng doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu.

Số tiền giải thưởng không lớn, chỉ 1.000 euro (khoảng 27,5 triệu đồng), nhưng chị lại được tài trợ đi lại, ăn ở kèm một phiên dịch nữa. Bởi chính nghề đúc đồng đã thay đổi đời sống của chị và gia đình, nên khi xách hành lý ra máy bay chị cũng mang thêm một chiếc đĩa bằng đồng, sản phẩm được làm hết sức tinh xảo để làm quà và giới thiệu sản phẩm.

Trước đó một tháng, khi biết tin chị được giải Quỹ Tài chính vi mô toàn cầu đã có đoàn làm phim về tận nhà chị ba ngày để làm phim tư liệu phát trong buổi lễ trao giải. “Có đến sáu người đến từ bốn quốc gia khác nhau cùng nhận giải với tôi trong đợt này. Họ đều bắt đầu là những người rất nghèo. Như có người tự làm xà phòng để dùng rồi bán, có người làm đồ trang sức bằng vỏ trai... và có một điểm chung là họ nỗ lực để thoát nghèo”.

Năm ngày ở Pháp, chị Tuyết đã có cơ hội đi thăm sông Seine, tháp Eiffel và một số danh lam thắng cảnh của đất nước xinh đẹp này. Có cơ hội đi thăm nhiều nơi nhưng điều chị Tuyết tiếc nhất lại là không có nhiều thời gian nói chuyện với những người đoạt giải khác để trao đổi về công việc cũng như tìm hiểu về đất nước và con người họ.

Người VN đầu tiên được trao giải

Giải thưởng Doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu do Quỹ Tài chính vi mô toàn cầu (Planet Finance Group) tổ chức trao thưởng hằng năm dành cho những cá nhân xuất sắc vượt qua khó khăn, biết sử dụng đồng vốn nhỏ ban đầu để tạo dựng sự nghiệp. Tổ chức này được thành lập năm 1997 tại Paris (Pháp) hiện có mặt ở 80 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Chị Dương Thị Tuyết là cá nhân đầu tiên của Việt Nam do Quỹ tình thương (TYM), trực thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến Quỹ Tài chính vi mô toàn cầu và đoạt giải thưởng này cùng năm cá nhân khác trong kỳ trao giải tháng 12-2011.

Chị DƯƠNG THỊ TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên