10/06/2014 03:11 GMT+7

Người bị oan luôn gian nan đi tìm công lý

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 9-6, thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, nhiều đại biểu đồng tình đưa nội dung giám sát chuyên đề về “Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước” vào chương trình nghị sự chính thức của Quốc hội.

Các đại biểu cũng ủng hộ hai chuyên đề khác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất là: kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc quản lý, sử dụng đất đai tại nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, do đây đều là những vấn đề bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thời gian vừa qua xảy ra không ít oan, sai, đặc biệt có những vụ rất nghiêm trọng. Đòi hỏi đối với mỗi vụ án là phải công khai, công lý, công bằng. Người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất năm cái mất: mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa.

“Nhưng thực tế cho thấy để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt là cả quá trình gian nan không dễ chút nào, người bị oan luôn rơi vào thế yếu, phải chịu nhiều thiệt thòi” - bà Khá nhấn mạnh và cho rằng giám sát vấn đề oan, sai là lựa chọn đúng đắn. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhìn nhận chủ đề oan sai “không thể trì hoãn được”. Ông Lịch đề nghị trong cách thức giám sát cần lựa chọn một số vụ việc cụ thể để làm rõ, bên cạnh những phân tích, đánh giá khái quát về tình hình.

Ngoài ba chủ đề nêu trên, đại biểu Quốc hội cũng đề cập những vấn đề bức xúc khác cần được Quốc hội giám sát. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) “đề nghị giám sát vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong bối cảnh nợ công tăng nhanh”. Theo bà Nga, vay ODA bên cạnh mặt tích cực cũng có nhiều bất cập. Cho đến nay, qua 20 năm nhận ODA rồi nhưng hành lang pháp lý vẫn chỉ ở mức nghị định. “Chúng ta cần quản lý, sử dụng chặt chẽ, mang lại hiệu quả cao, tránh để cho con cháu gánh nặng nợ nần. Thực tế, từ những vụ tiêu cực liên quan đến các PMU trước đây, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ và gần đây là nghi án liên quan đến dự án đường sắt... cho thấy thường kết thúc bằng vụ án hình sự mà kết quả là đã có người phải đi tù, có người bị cách chức... Quốc hội cần giám sát để bịt ngay các kẽ hở trong quản lý lĩnh vực này” - bà Nga nói.

Chi 16.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư

Chiều 9-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013. Theo đó, Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư với tổng số tiền 16.000 tỉ đồng. Trước đó, cũng với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.038.451 tỉ đồng; tổng số chi 1.170.924 tỉ đồng; bội chi 173.815 tỉ đồng lấy từ khoản vay trong nước 131.972 tỉ đồng, vay ngoài nước 41.843 tỉ đồng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên