24/11/2003 06:00 GMT+7

Người Arem đã có bản mới

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Tộc người Arem hiện có 42 hộ với 183 người, được bộ đội biên phòng tỉnh phát hiện trong các hang đá năm 1992 và đưa về sống với cộng đồng. Họ đang “quản” một địa giới rộng trên 22.000ha của rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Một địa giới rộng như thế nhưng đất bằng phẳng cho người Arem sản xuất chỉ vỏn vẹn 30ha. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào cây lương thực là sắn, ngô trên diện tích canh tác chưa đầy 1ha.

KbqD2100.jpgPhóng to
Một góc của bản mới
TT - Tộc người Arem hiện có 42 hộ với 183 người, được bộ đội biên phòng tỉnh phát hiện trong các hang đá năm 1992 và đưa về sống với cộng đồng. Họ đang “quản” một địa giới rộng trên 22.000ha của rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Một địa giới rộng như thế nhưng đất bằng phẳng cho người Arem sản xuất chỉ vỏn vẹn 30ha. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào cây lương thực là sắn, ngô trên diện tích canh tác chưa đầy 1ha.

TP.HCM đã đầu tư xây dựng 42 căn nhà cho người dân Arem, mỗi căn trị giá 15 triệu đồng (thêm 5 triệu đồng làm vốn sản xuất). Người Arem đón nhà mới như thế nào, cuộc sống của họ từ nay sẽ ra sao?

“Cái thành phố cho miềng nhà rồi”

Bản mới của người Arem ở xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), cách đường 20 hơn 300m. Những ngôi nhà xinh xắn rộng chừng 30m2 lợp mái tôn đỏ được dựng theo kiểu nhà sàn trên cột bêtông, bốn bên thưng bằng gỗ, nổi bật lên trên nền xanh của cây rừng, núi đá vôi trông như một làng du lịch sinh thái. Bản nằm hai bên sườn núi có độ dốc vừa phải, nhà quay mặt vào nhau cách một con đường (vừa là sân bản), có thể nhìn sang nhau qua từng ô cửa sổ mở rộng. Buổi sáng trời còn mờ sương núi nhưng đã có nhiều người Arem từ bản cũ cách đó 700m ra dọn vệ sinh cho căn nhà mới của mình, chuẩn bị đồng loạt dọn về ở.

Anh Đinh Lầu vui lắm, cứ cười híp cả mắt trước căn nhà mà xã đã phân cho gia đình anh. Anh nói: “Nhà miềng được cái TP.HCM nó cho đó. Hôm ni xong rồi nên miềng đưa vợ con ra dọn sạch cây rừng còn trên đất để miềng về ở”. Chị Y Con, vợ của Đinh Lầu, đứng nép sau lưng chồng, ôm lấy vai đứa con trai mà cười, mãi mới nói được một câu: “Nhà cũ của miềng lợp cái lá tro (tương tự như lá cọ ở vùng trung du miền Bắc) lâu rồi, thấy trời rồi, bị nước chảy xuống ướt hết khi trời mưa”. Không biết nghĩ ngợi thêm được những gì, Y Con mạnh dạn nói: “Miềng thích nhà mới có thêm cái buồng nhỏ nhỏ”...

Đứng trước những căn nhà đã hoàn thành trên bản mới, anh Đinh Đu - chủ tịch UBND xã Tân Trạch, xã đặc biệt duy nhất của cả nước chỉ có một bản dân là bản 39 của người Arem - không giấu được niềm vui: “Sướng cái bụng hung (nhiều) cán bộ ơi! Đồng bào miềng biết đến cái TP.HCM rồi. Cái thành phố đó cho dân miềng nhà đẹp lắm, ưng dọn về ở hung rồi!”. Hôm nay chị Y Con, Y Ray, cả Y Mơn nữa cùng nghỉ đi rừng để ra bản mới dọn dẹp cây cối, làm bằng lại cái đất bị đào xới quanh nhà.

Một lũ trẻ con gần 20 đứa cũng kéo nhau từ bản cũ ra đứng ngắm những căn nhà mới lạ. Cu Hin trạc 10 tuổi, khuôn mặt khôi ngô, áo quần tươm tất, tỏ vẻ rất thích: “Về nói với bố ra ở nhà mới thôi!”. Anh Bình, cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, cho biết đến ngày 25-11-2003 sẽ bàn giao toàn bộ nhà mới cho đồng bào vào ở.

“Chỉ còn lo mần cái rẫy, lo cái học thôi”

yFvKKkUG.jpgPhóng to
Y Ray sáng nay thôi đi rừng để về bản mới dọn cây. Chị ưng cái nhà hung rồi!
Nhà cũ của người Arem đều do bộ đội biên phòng tỉnh làm cho cách nay đã mười năm. Đến nay nhiều nhà xập xệ, dột nát. Mọi cái từ ăn, ở, mặc của người Arem lâu nay đều trông chờ Nhà nước chu cấp, lúc nào đói quá mới phải đành đưa cái chân vô rừng tìm cái ăn. Bây giờ nhà có rồi, vốn sản xuất cũng có rồi... “Dân miềng chỉ còn lo giữ cho tốt cái rừng của vườn (vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) giao, lo đi mần cái rẫy lấy cái ăn cho no, lo cái học cho bọn con nít nữa thôi, để bà con ở thành phố Bác Hồ vui bụng”- anh Đinh Đu nói chắc chắn như vậy.

Về làm ăn, Đinh Lầu tỏ ra khá “tham vọng” khi nhìn một chiếc hố bom đầy nước mà máy bay Mỹ để lại, nằm ngay cạnh căn nhà của mình, anh nói: “Miềng sẽ nghe lời cán bộ huyện, miềng với vợ đào cái hố nước này mần chỗ nuôi cá”. Đinh Môn và chị Y Ray thì ít “tham vọng” hơn, chỉ muốn có cái cây ăn quả như của người Kinh để trồng trong vườn, làm thành cái rẫy cây cho con nó ăn...

Anh Phan Văn Bình, bí thư chi bộ Đảng xã Tân Trạch (gồm chín đảng viên, trong đó có bốn đảng viên là người Arem) do huyện ủy điều lên tăng cường được năm tháng nay, nói: “Kế hoạch của huyện, tỉnh là sau khi đưa bà con vào ở nhà mới xong xuôi sẽ tập trung bày vẽ cho bà con biết cách làm ăn.

Trước là trồng cây rau, cây sắn bên nhà, sau đem giống cây ăn quả dài ngày lên cho bà con, cấp bách nhất là tìm đất tốt khai hoang để trồng lúa, trồng ngô. Rồi sau đó lo trường lớp cho bọn trẻ học hành ngay tại bản... Tất tần tật đều cần phải có bàn tay của cán bộ nhúng vào. Bà con hầu như không ai có khái niệm dự trữ là gì, lương thực, củi lửa, tiền bạc... có cái gì trong nhà là sử dụng cho bằng hết mới thôi. Có bày vẽ từng việc mới “buộc” được bà con quen dần với sản xuất để tự cung tự cấp cái ăn lâu bền”.

Toàn xã hiện có 62 con bò, khoảng gần 100 con heo, tất cả đều của huyện cấp, thả rông cả ngày đêm trong rừng, coi như của để dành trong mỗi nhà. Mai mốt bà con sẽ sướng hơn vì tỉnh đầu tư khoảng 7-8 tỉ đồng xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, đến kéo điện thắp sáng, lắp đặt trạm truyền hình...

Riêng nguồn nước sinh hoạt sẽ được kéo về bằng đường ống một cách kỳ công từ km51 đường 20 cách bản mới 12km, chi phí đã tính toán khoảng trên dưới 3 tỉ đồng. Việc phải lấy nguồn nước từ xa như vậy là do nước ở bản mới và cũ rất khan hiếm, lại bị nhiễm hóa chất từ các kho quân dụng cũ trong chiến tranh. Nước ngầm thì hoàn toàn không khoan được do địa tầng nơi đây chỉ toàn là núi đá vôi.

Điều chủ tịch xã Đinh Đu và những đứa trẻ mừng nhất là bản sắp có trường học. Chấm dứt những ngày bọn trẻ (cũng ít thôi) phải khăn gói xuôi về huyện lỵ Hoàn Lão để học cái chữ. Cả bản trước kia có hơn 40 người theo học chữ. Nhiều người đến nay cái chữ đã bỏ cái đầu mà đi mất rồi. Y Re năm nay 16 tuổi, rất mừng khi nghe tin huyện sẽ xây trường ở bản. Y Re bảo: “Miềng đã học hết cái lớp 5 ở trường (phổ thông nội trú) huyện rồi, miềng sẽ học cho hết cái lớp phổ thông để sau miềng làm cô giáo dạy trong trường (bản) miềng”.

Y Nót, 15 tuổi, rất xinh với nước da ngăm đen, luôn có nụ cười duyên trên môi, cũng có ước muốn học lên cao để làm cô giáo trường bản. Đinh Nghin học qua lớp 3 trường huyện, là con trai nên có ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho dân bản, để khi có người đau khỏi khiêng chạy cả đêm đến vài chục cây số. Chủ tịch xã Đinh Đu bảo rằng khi có trường học ở bản là tất cả trẻ con đều phải vô trường học cái chữ, cả người lớn cũng vậy, có thế mới tiến bộ được.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên