23/09/2011 05:55 GMT+7

Người anh hùng làng chài - Kỳ 4: Bảy ghe sáu gánh

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Việc tìm ra hài cốt cụ Nguyễn và đưa về lập mộ ở đình Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang) đã đưa đến một phát hiện mới: tại hai xã Tân Tiến và Tân Đức, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hàng trăm hậu duệ cụ Nguyễn Trung Trực đang sinh sống. Song thân cụ Nguyễn và các em của cụ cũng được an táng ở đây.

Gg7wSVS5.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Thành, 82 tuổi, cháu đời thứ tư của cụ Nguyễn, ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, thắp nhang trên bàn thờ ông cố cả của mình - Ảnh: Tấn Đức

Kỳ 1: Lời thề cứu nướcKỳ 2: Nghĩa khí xóm NghềKỳ 3: Trong ngôi mộ cổ

Ước nguyện dòng họ

Các tài liệu lịch sử ghi nhận Nguyễn Trung Trực chỉ có một con trai với bà Lê Kim Định (bà quan lớn tướng).

Khi vừa sinh con, bà quan lớn tướng lâm bệnh, qua đời (mộ hiện nay còn ở xã Cửa Cạn, Phú Quốc). Đêm đêm, Nguyễn Trung Trực một mình ôm con chưa đầy tháng vượt vòng vây của giặc, vào làng xin cho con bú thép.

Pháp truy bắt gắt gao, cách ly Nguyễn Trung Trực khỏi dân làng. Đường cùng, ông ôm con đặt vào một bọng cây, với hi vọng có người phát hiện cứu đứa bé, rồi quay lại chiến đấu cho tới lúc bị thương, sa vào tay giặc (có tài liệu nói ông tự mình ra đối mặt với giặc để cứu dân làng khỏi chết oan).

“Hồi tôi mới biết đọc, biết viết đã nghe má căn dặn mấy anh tôi: Ông cả Trực của tụi con vì đánh Tây mà bị chặt đầu ở Rạch Giá, dòng họ phải bỏ xứ Tân An vô Tà Niên (Rạch Giá) rồi về Đầm Dơi. Sau này nước nhà độc lập, con cháu phải ráng tìm cho ra xương cốt cụ cố cả mang về đây sum họp với ông bà. Dặn vậy, nhưng ở tuổi ngoài 80, má lại là người đầu tiên biết tin tỉnh Kiên Giang tìm ra di hài và lập mộ cụ tại đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá” - ông Trần Trung Thiện (Chín Thiện, 62 tuổi), con thứ 9 của bà Nguyễn Thị Sử ở ấp Tân Long A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), nhớ lại.

Thật ra từ trước năm 1945 bà Ba Sử (sinh năm 1908, mất năm 2004) đã biết ở Rạch Giá, cạnh dinh tỉnh trưởng có đền thờ cụ Nguyễn lớn lắm, nhưng hồi ấy còn chiến tranh, việc đi lại rất gian nan, từ Đầm Dơi đi tàu qua tới Rạch Giá có khi mất mấy ngày. Sau giải phóng miền Nam bà cũng đã nhiều lần dẫn con cháu sang cúng viếng cụ Nguyễn.

Bẵng đi một thời gian, tới khoảng đầu năm 1987, trong một lần sang cúng cụ, bà Ba Sử ngỡ ngàng khi nhìn thấy ở góc trái sân đình có ngôi mộ rất uy nghi (mộ lập xong ngày 15-11-1986). Đọc dòng chữ trên bia, biết sự tình, bà sụp xuống khóc nức nở. Thấy sự lạ, khách hành hương bái viếng đình thần cụ Nguyễn kéo tới xem rất đông.

Vụ việc được cấp báo lên ban bảo vệ di tích đình thần và ngành văn hóa tỉnh Kiên Giang. Đích thân bà Nguyễn Thị Mỹ Thu, giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, đã đưa đoàn công tác về gặp gỡ cháu chắt cụ Nguyễn Trung Trực ở hai xã Tân Tiến, Tân Đức, huyện Đầm Dơi, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan tới họ hàng cụ Nguyễn.

Tại cuộc hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp anh hùng Nguyễn Trung Trực” do tỉnh Kiên Giang tổ chức (tháng 8-1988) nhân 120 năm ngày mất của cụ, thông tin được công bố khiến những người sùng kính cụ Nguyễn trong cả nước không khỏi bất ngờ.

Cuộc di cư đặc biệt

Tại Cà Mau, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Chính (Năm Nống, 92 tuổi) ở ấp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Ông là hậu duệ đời thứ ba và là nhân chứng duy nhất từng sống gần gũi hai người em ruột của Nguyễn Trung Trực là bà Nguyễn Thị Đào (bà ngoại ông) và ông Nguyễn Văn Thơ (ông út) trong thời gian khá dài.

Khi bà ngoại và ông út qua đời, ông Năm Nống đã 14, 15 tuổi nên vẫn còn nhớ nhiều chuyện ngoại và ông út kể về ông cả Nguyễn Trung Trực.

Trong căn nhà cổ kính bên con rạch Tân Đức, ông Năm Nống đưa chúng tôi trở lại thời khai hoang lập làng: “Bà ngoại tôi thuật lại sau khi ông cả Nguyễn Trung Trực bị Tây hại ở Rạch Giá, để tránh sự truy sát của giặc, ông Nguyễn Văn Phụng (cha Nguyễn Trung Trực) cùng với các ông cai Thoại, cai Kiển và nghĩa quân còn sống sót ở bãi luyện quân Tà Niên (Rạch Giá) hội ý, “Bảy ghe sáu gánh họ” đồng nhổ sào kéo buồm chạy ra biển tìm nơi lánh giặc. Họ Nguyễn đông nhất, đi trên hai ghe, còn lại năm kiến họ: Lâm, Lê, Trần, Trương, Trịnh mỗi họ đi một ghe, mỗi ghe đâu chừng 15, 20 người, nhắm hướng đồng hoang, rừng rậm mà chèo vô...”.

Theo lời kể của ông Năm Nống, gia tộc Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân cũng là những người đầu tiên khai phá vùng đất Tân Tiến, Tân Đức (Cà Mau).

Ngày ấy, “bảy ghe sáu gánh họ” sau khi rời Tà Niên thì cứ đi mãi từ ngày này qua ngày nọ mà chưa thấy nơi nào ưng bụng. Khi tới cửa Bồ Đề (Đầm Dơi) thấy con rạch nhỏ, hai bên cây cối rậm rạp, chưa có dấu chân người đã tấp vô. Đoàn người dựng dãy nhà ở chung, đùm bọc nhau qua ngày bằng nghề ăn ong (lấy mật ong), đặt nò, đắp bọng bắt cá tôm mang ra chợ Cà Mau bán cho thương buôn người Hải Nam, Triều Châu (Trung Quốc), rồi mua gạo, muối, quần áo, nồi niêu về dùng.

Đến năm 1872, mấy ông kỳ lão ra Cà Mau đổi hàng, thấy Tây lố nhố, sợ bị phát hiện tông tích, vội quay về nhổ sào, phá bụp dừa nước tiếp tục lần vô rừng sâu. Tới doi đình bây giờ thì không đi đặng nữa mới vác đồ lên bờ, vẹt rừng tìm chỗ khô ráo cất nhà sàn cao chót vót để ngừa cọp, cá sấu tấn công. Thấy có nhiều hóc sậy, máng chim lớn dữ dội nên hè nhau gọi là Đầm Chim cho dễ nhớ.

Khi xóm có nhà đông đúc, mọi người góp sức cất một ngôi đình, đặt tên là đình Tân An để vọng nhớ cố hương Tân An phủ. Năm 1946 Tây vô lấy đình làm bót, bị hậu duệ cụ Nguyễn đánh bật ra, bà con sợ chúng quay lại bèn phá luôn ngôi đình.

Tính đến nay, qua gần 150 năm sinh cư lập nghiệp trên vùng đất mới, hậu duệ cụ Nguyễn Trung Trực đã phát triển đến đời thứ 9, thứ 10, với hàng ngàn người sinh sống, tập trung tại hai xã Tân Tiến, Tân Đức thuộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Trong số đó cả trăm người đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người nghỉ hưu, người vẫn đang công tác trong các ban ngành từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Dù đi đâu, làm gì, đến ngày giỗ ông Nguyễn Văn Phụng 20-11 âm lịch hằng năm, mọi người lại tựu về để tưởng nhớ tổ tông.

_______________________

Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã hóa thần trong lòng dân tộc. Bao truyền thuyết về ông vẫn không ngừng được kể. Hằng năm từ ngày 26 đến 28-8 (âm lịch) hàng trăm người khắp nơi lại về Rạch Giá để tưởng nhớ ông.

Kỳ cuối: Sống trong lòng dân

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên