21/09/2011 04:40 GMT+7

Người anh hùng làng chài - Kỳ 2: Nghĩa khí xóm Nghề

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Xóm Nghề, nơi sinh ra người anh hùng làng chài Nguyễn Trung Trực, nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An. Gọi xóm Nghề vì ngày trước cư dân ở đây chuyên sống bằng nghề đặt đáy, chài lưới, lái rổi (mua bán cá đường sông).

I1cbnXNy.jpgPhóng to
Ván tàu Espérance tại nhà trưng bày di tích chiến thắng Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An) - Ảnh: T.Đức

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thế hệ cháu chắt của Nguyễn Trung Trực giờ sinh cư lập nghiệp khắp nơi, nhưng vẫn còn đó hàng chục gia đình từ đời này qua đời khác vẫn bám trụ trên mảnh đất thiêng. Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn An Thọ (Mười Thọ, 72 tuổi), cháu đời thứ 4 của Nguyễn Trung Trực...

Người dân chài hào hiệp

Ông Mười Thọ dẫn tôi vòng qua con kênh nhỏ phía sau nhà, lần ra mé sông Bến Lức. “Nội tôi kể hồi xưa ghe thương hồ miệt dưới thường theo sông Vàm Cỏ Tây băng qua kênh Thủ Thừa, sông Bến Lức để vô Sài Gòn - Chợ Lớn. Cách xóm Nghề này không xa còn có bến đò Bình Nhựt, trạm thu phí đường sông, đối diện bên kia là chợ Phước Tú, hàng quán trù mật. Bối (từ xưa gọi trộm cướp đường sông - PV) tứ xứ tập trung về.

Họ thường chặn ghe tàu đi qua bắt phải cống nạp, hoặc đương đêm thình lình từ dưới sông trồi lên trấn lột tiền của, cưỡng hiếp đàn bà con gái. Dân thương hồ mỗi khi đến đoạn sông này đều phải tập hợp số đông chớ không dám đi riêng lẻ...” - ông Mười Thọ kể.

Theo truyền ngôn trong dòng họ, Nguyễn Trung Trực sinh vào khoảng năm 1838, lúc nhỏ có tên là Chơn, từ năm 1859 mới đổi sang tên Nguyễn Văn Lịch. Tuổi thiếu niên Nguyễn Trung Trực đã nối nghiệp cha, ông nội làm nghề chài lưới và có thời gian làm bạn nghề cho ông Trần Ngọc Tới (ông nội của hội đồng Trần Ngọc Lân ở Bến Lức sau này).

Rồi ông được cha cho đi học cả văn lẫn võ với một người thầy ở kênh Bảo Định. Thấy tính tình ông cương trực, thẳng thắn, hay giúp đỡ mọi người nên thầy mới đặt thêm cho ông tên Nguyễn Trung Trực. Ban ngày các môn sinh chia nhau đi làm ruộng, săn bắn, bắt cá, tối mới tập trung lại văn ôn võ luyện.

Nhờ bơi giỏi, lại rành nghề sông nước nên Nguyễn Trung Trực được thầy giao việc bắt cá. Là môn sinh xuất sắc nhất nên Nguyễn Trung Trực luôn được thầy cử đi giao lưu, thi triển võ công khắp các võ đường. Nơi nào ông đến đăng đài, các đối thủ đều dạt ra, không ai dám nghênh đấu.

Ông Mười Thọ cũng thuật lại câu chuyện lưu truyền tại xóm Nghề mà các bậc cao niên hay kể cho con cháu: ngày đi chài lưới, đêm Nguyễn Trung Trực và các bạn thường ngụy trang bằng cách lấy đất sét trét lên người, ẩn mình hàng giờ trên mé sông, hễ thấy có bối xuất hiện cướp ghe thuyền thì ra tay nghĩa hiệp.

Đám bối Bình Trinh Đông do cặp vợ chồng có tục danh “ông Hớn bà Hở” một thời làm mưa làm gió vậy mà đành thúc thủ, dạt qua nhập với bối Ba Cụm (gần Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP.HCM bây giờ). Nguyễn Trung Trực truy đuổi tới nơi, cải tà quy chánh gần hết. Những người này về sau đã tham gia nghĩa binh, cùng ông đánh chìm tàu Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo.

Chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực

Ông Mười Thọ biết nhiều chuyện liên quan tới cụ Nguyễn vì được cha và bác kể lại. Cha ông Mười Thọ, ông Nguyễn Văn Chỉnh (Tám Còn), gọi Nguyễn Trung Trực là ông chú, từng làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Bình Nhựt. Ông Mười Thọ còn có người bác ruột là nhà sư Thích Thiện Nghiêm (tục danh Nguyễn Văn Cậy), trụ trì chùa Sùng Đức, Q.11, TP.HCM. Đây là những người có uy tín lớn trong dòng họ, có lúc được giao trọng trách gìn giữ áo mão và ấn tín của Nguyễn Trung Trực sau khi cụ bị Pháp hành hình tại Rạch Giá.

Những năm 1958-1961 ông Mười Thọ từ Bình Nhựt lên Sài Gòn học, ở trọ tại chùa Sùng Đức. Ông kể: “Khoảng đầu năm 1958, một phái đoàn ký giả và những người viết sử từ Pháp sang chùa Sùng Đức gặp sư Thích Thiện Nghiêm để tìm hiểu xem bằng cách nào nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã tấn chiếm và đốt chìm tàu Espérance lừng lững án ngự trên vàm sông Nhựt Tảo. Sau buổi tiếp xúc, một người Pháp đã bật lên: “Nếu Trung Quốc có Quan Vân Trường thì Việt Nam có Nguyễn Trung Trực”. Câu nói đó luôn vang vọng bên tai ông Mười Thọ suốt hơn 50 năm qua!

Địa linh sinh nhân kiệt

Gia phả của hậu duệ Nguyễn Trung Trực tại Long An cũng như nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực đều ghi: Nội của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, quê gốc tại xóm Lưới, xã Vĩnh Hội (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), huyện Phù Cát (Bình Định), khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra đã đưa gia quyến vào khai cơ lập nghiệp tại xóm Nghề, nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức (Long An).

Xưa, xóm Nghề thuộc vùng đất xung yếu trong vành đai bảo vệ thành Gia Định, án ngữ thủy lộ quan trọng thông thương giữa miền Đông và miền Tây, nhất là sau khi đào kênh Thủ Thừa nối liền hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Bởi thế nơi đây từng xảy ra nhiều cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội Nguyễn Ánh và Tây Sơn.

Người dân ở đây vốn là hậu duệ của những lưu dân miền Trung buổi đầu vào “phá sơn lâm, đâm hà bá”, mang trong mình một truyền thống cần cù, quật khởi. Họ nhanh chóng hòa nhập với thiên nhiên bao la hùng vĩ, tạo nên một phong cách hào sảng trọng nghĩa khinh tài đặc trưng của Nam bộ. “Địa linh sinh nhân kiệt.

Vùng đất hào khí ven bờ sông Vàm Cỏ Đông đã hun đúc tính cách anh hùng lý tưởng của Nguyễn Trung Trực: chí hiếu với cha mẹ, sớm có lòng yêu nước và có tài năng quân sự tuyệt vời” - ông Nguyễn Văn Thiện, phó giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa tỉnh Long An, người đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu về cuộc đời và thân thế Nguyễn Trung Trực, đúc kết.

Về tính cách “anh hùng tự thiếu niên” của Nguyễn Trung Trực, tác giả Nguyễn Văn Khoa trong quyển Anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực - NXB Trẻ TP.HCM ấn hành năm 2001 cũng cung cấp tư liệu đáng chú ý: “Năm 18 tuổi Nguyễn Trung Trực đã đệ đơn lên quan trấn thủ tỉnh Định Tường là Ngô Xuân Liêm để xin lập đạo nghĩa quân chống giặc cướp bảo vệ xóm làng nhưng đơn bị bác.

Ông đến Long Hồ để xin lần nữa, viên trấn thủ ở đây chấp thuận, ông trở về quê chiêu tập quân sĩ. Hai người đầu tiên sát cánh với ông, sau này tham gia trận đánh tàu Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo là Nguyễn Văn Hổ và Lê Thị Kiệt. Sau đó thêm một người là quản cơ Lê Đình Vận, người gốc miền Trung, gia đình cùng di cư vào Nam với Nguyễn Trung Trực đã quy tụ được 200 chiến sĩ, phần lớn là thanh niên miền Trung và giao cho ông điều khiển”.

Lần giở lại các tư liệu lịch sử, chúng ta cũng biết Nguyễn Trung Trực đã đem đội quân này gia nhập nghĩa binh của Trương Định và được phong làm quyền sung quản binh đạo. Sau trận đại đồn Chí Hòa (tháng 2-1861) ông đã theo Trương Định rút về huyện Cửu An (Tân Trụ, Thủ Thừa, Đức Huệ ngày nay) chỉ huy nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Các tài liệu lịch sử chính thống cũng ghi nhận trước khi đánh trận Nhựt Tảo, vào ngày 10-4-1861, Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân tập kích, diệt gọn hơn 30 binh lính và sĩ quan do trung tá Bourdair chỉ huy định đổ bộ lên bờ kênh Bảo Định để chiếm thành Định Tường.

Đây là chiến công vang dội của người anh hùng làng chài.

___________________

Hành trình tìm kiếm ngôi mộ người anh hùng của hậu thế sau 120 năm sự kiện cụ bị giặc Pháp sát hại.

Kỳ tới: Trong ngôi mộ cổ

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên