17/11/2010 06:00 GMT+7

Người anh hùng kiên trung

ĐỨC TUYÊN - HÀ BÌNH
ĐỨC TUYÊN - HÀ BÌNH

TT - Ngày 16-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm GS Trần Văn Giàu. Nhìn GS Trần Văn Giàu nằm trên giường bệnh, ông Lê Thanh Hải xúc động nói: “Kính thưa bác Sáu, hôm nay chúng cháu vào thăm bác nhân Ngày nhà giáo VN. Kính chúc bác mạnh khỏe, sống thọ, sống lâu với chúng cháu”.

j4VVijcB.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cùng lãnh đạo TP tới thăm và chúc mừng giáo sư Trần Văn Giàu tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: THUẬN THẮNG

Ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh rằng GS Trần Văn Giàu là cây đại thụ, là thầy của nhiều thế hệ nhà giáo ở VN. Những học trò của GS Giàu hiện nay đều là những cây cao bóng cả trong nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là ngành sử học của nước nhà.

GS Trần Văn Giàu là một nhà khoa học lớn của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội. GS Trần Văn Giàu cũng là một chiến sĩ cộng sản lão thành, luôn trung kiên với Đảng, với dân tộc trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình. GS Trần Văn Giàu là một anh hùng cách mạng.

Cả cuộc đời hi sinh cho cách mạng, khoa học

Ông Lê Thanh Hải nói: “Ở GS Trần Văn Giàu có những tấm gương hết sức tiêu biểu cho chúng ta học tập noi theo. Đó là tinh thần trách nhiệm cao, tính liêm khiết, tận tụy với công việc, cuộc sống lại rất giản dị. GS Trần Văn Giàu là một người luôn có trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp của dân tộc, đất nước. Trong cả cuộc đời, GS đã dành hết cho lao động và cống hiến, đặc biệt là việc hết lòng chăm lo cho thế hệ trẻ”.

Ông Lê Thanh Hải cũng cho rằng tấm gương sáng ngời của GS Trần Văn Giàu xứng đáng để các thế hệ đi sau phải hết lòng học tập và noi theo.

Ngoài việc đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục, GS Trần Văn Giàu còn đóng góp hơn 150 công trình nghiên cứu cho nền khoa học nước nhà. Năm 1992, GS Trần Văn Giàu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Đến năm 1996, GS Trần Văn Giàu vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất.

Năm 2003, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Vẫn nhớ về nghiệp giáo...

Sáng qua, chúng tôi đến sớm để có thêm thời gian thăm GS Trần Văn Giàu. Vừa bước vào phòng bệnh, các y tá cho biết hiện sức khỏe của GS khá yếu. GS Trần Văn Giàu không có con cái nên hiện người chăm sóc ông trong những ngày tuổi cao sức yếu trên giường bệnh là cô Tư - người cháu gái gọi ông bằng chú.

Cô Tư nhớ lại: “Ngày trước, tôi lên TP học đại học và được gia đình chú Giàu đón về ở cùng, xem như con. Ngày còn khỏe, chú Giàu thường xuyên ngồi bên bàn viết. Để tay chân khỏe mạnh, chú Giàu hằng ngày còn tự lau nhà và dọn dẹp tất cả các vật dụng trong phòng của mình”.

“Ngày 20-11 những năm trước, nhà lúc nào cũng đông người đến thăm. Nhiều trường học cũng tổ chức cho học trò đến thăm thầy. Nhưng học trò của thầy nay cũng “lụm cụm” hết rồi. Nhiều người đã đi xa nên không về thăm thầy được”. Cô Tư rơm rớm nước mắt, miên man hồi tưởng rồi cho biết thêm hiện nay lúc nào khỏe là GS Trần Văn Giàu đều đòi ngồi dậy, đưa lên xe lăn đi dạo để ngắm trời đất từ trong bệnh viện.

Khi nghe chúng tôi nói có các cán bộ của TP tới thăm, GS Trần Văn Giàu dường như khỏe ra, móm mém cười. Khi mọi người ra về, sợ lẵng hoa đoàn mang đến tỏa hương làm ngộp, ảnh hưởng đến sức khỏe của GS, cô Tư xin phép đưa bó hoa ra khỏi phòng thì ông lắc đầu. Ông muốn những đóa hoa của ngày nhà giáo vẫn được đặt bên cạnh mình để ngắm và nhớ những ngày xưa.

Bước sang tuổi 100, hiện sức khỏe của GS Trần Văn Giàu đã suy giảm nhiều. Từ mồng 9 Tết Nguyên đán năm 2010, ông được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất điều trị cho đến nay. Dù nhiều lúc mệt nhưng GS Trần Văn Giàu vẫn yêu cầu một người cháu khác cứ mỗi sáng đúng 8g đến bệnh viện để đọc những tin tức thời sự, chính trị, quốc tế từ các báo Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ... cho ông nghe.

ĐỨC TUYÊN - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên