17/06/2012 04:05 GMT+7

Ngược dòng sông Mã

THÁI ANH
THÁI ANH

TT - Có một dòng sông đã đi vào ký ức, dòng sông ở phía tây biên giới, nơi mặt trời đỏ lên khi chiều xuống, con đường bụi mờ ngược dòng lên với Điện Biên Đông (Điện Biên). Có một nỗi nhớ chơi vơi dành riêng cho “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi...”.

wHxDibD8.jpgPhóng to

Sông Mã đoạn chảy qua tỉnh Sơn La - Ảnh: Châu Anh

Dân đi vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho một cung đường phía tây biên giới. Những cái tên Chiềng Khương, Sông Mã, Sốp Cộp, Tây Trang đã được đánh dấu trên bản đồ hành trình và chỉ đợi lúc lên đường. Ngược dòng sông Mã hôm nay đã không còn là một giấc mơ.

1 Quốc lộ 4G từ ngã ba Mai Sơn (Sơn La) đi thị trấn Sông Mã đã biến thị tứ nhỏ nhoi, cô độc năm nào thành một chốn sầm uất và là điểm dừng chân lý tưởng cho các hành trình đi Sốp Cộp. Dân địa phương đã không còn quá lạ lẫm với các nhóm đi “phượt” xe gánh, xe gồng phóng ào ào qua phố. Họ đã hiểu và chia sẻ những trải nghiệm khám phá các cung đường mới, hoang sơ, khó khăn nhưng mới lạ và đầy hấp dẫn với dân đi. Bởi thế, bữa sáng ở Sông Mã đã trở thành một cuộc bàn luận sôi nổi về lịch trình giữa chúng tôi - những kẻ lãng du - với cánh đàn ông người Thái ngồi ăn bàn bên cạnh.

Sau khi phân tích lộ trình và nhận lời tư vấn của dân bản địa, cả nhóm quyết định không đi Sốp Cộp như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, sẽ bám đường dọc sông Mã chạy ngược lên phía tháp cổ Mường Luân - một công trình kiến trúc cổ từ thế kỷ 16 ít ỏi còn lại của văn hóa Tây Bắc, rồi vượt đèo Keo Lôm đến Điện Biên Đông. Nhìn nắng đang rực lên trên dòng sông Mã và những triền núi đỏ màu đất, một trong số các bạn đồng hành từng chinh phục cung đường này sáu năm trước đã gọi chuyến đi là “Ngày của sự trở về”.

2 Hai bên bờ sông Mã là những con đường đất bụi gập ghềnh. Đường đang mở nên đoạn to đoạn bé, lác đác những ngôi nhà sàn đơn sơ của người Thái nằm trên lưng núi, thỉnh thoảng mới gặp một ngôi làng quần cư đông đúc.

Sông Mã mùa khô, nước cạn để lộ ra những bờ đá gộc gằn đầy đe dọa. Dân tự đặt khá nhiều “thủy điện gia đình” trên sông, đôi chỗ lòng sông rộng có đến hàng chục thủy điện cùng nằm reo vui.

Jason, một dân du lịch bụi đến từ Tasmania (Úc), đặc biệt bị hấp dẫn bởi nguồn điện tự cung tự cấp của người dân hai bờ sông Mã. Anh liên tục dừng xe, chụp hình và bình luận với bạn đồng hành Mathew, bất chấp nắng gay gắt rực cháy trên cao, đốt con đường bụi mờ sáng loáng lên như ảo ảnh.

Một “đặc sản” khác trên sông Mã khiến cả nhóm hôm đó xao xác và ấn tượng: những chiếc cầu tre và cầu treo bắc qua sông. Cầu treo dây văng có nhiều ở các vùng núi cao phía Bắc, nhưng cầu tre phao chỉ riêng sông Mã ở Điện Biên Đông mới thấy nhiều đến thế. Những chiếc thùng phuy được giằng vào nhau nổi bập bềnh trên mặt nước và những tấm phên tre đơn giản ghép với nhau làm mặt cầu. Thuyền cá đi qua sẽ gỡ một cổng phên để đưa thuyền qua dòng, xe máy qua cầu trả 5.000 đồng/lượt. Người Thái làm kinh tế thêm như vậy, ngoài việc trồng lúa nước và đánh bắt cá trên sông.

2GSN4ioo.jpgPhóng to
Cầu tre phao trên sông Mã - Ảnh: YẾN THANH

3 Chặng đường từ thị trấn Sông Mã đi Mường Luân không dài nhưng khá mệt vì nắng nóng, đôi chỗ suối cắt phá tung đường khiến những con “chiến mã” phải gầm lên vất vả. Chúng tôi dừng chân ở chợ Mường Cang (xã Mường Lầm) để hỏi đường. Biết phía trước các bản làng khá hoang sơ và việc tìm được chỗ ăn trưa không dễ, nhưng mọi người vẫn quyết định đi tiếp, hi vọng có thể ăn cơm nhờ trong nhà một người Thái nào đó.

Lần lượt qua Pú Bầu, Bó Sinh, Chiềng Sơ... Bản làng người sông Mã mộc mạc, đơn sơ và đúng là... không có đồ ăn. Chúng tôi chỉ có thể mua nước uống, ăn vặt và tiếp tục chạy xe trên con đường lộc xộc đá sỏi uốn lượn bên dòng sông Mã, đôi lúc dừng lại ngắm đám trẻ con nhảy ùm xuống sông như rái cá và những người dân đang kéo vó, cất lưới. Khoảng 14g thì đến được Mường Luân nơi thượng nguồn sông Mã, nơi sinh sống chủ yếu của những công dân người Việt gốc Lào cùng chung sống với các dân tộc Thái, Khơ Mú. Bữa trưa với xôi nếp Lào, thịt lợn bản đã tiếp thêm sức lực cho cả nhóm trước khi đến với tháp cổ Mường Luân cách đó vài chục mét đường.

Tháp Mường Luân nằm bên bờ sông Mã với kiến trúc thượng thu hạ thách (càng lên cao càng nhỏ lại). Công trình kiến trúc do bà con người Việt gốc Lào góp sức xây dựng lên, với khá nhiều họa tiết cách điệu độc đáo hình chim bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen... Ai cũng thích thú ngắm dòng sông Mã từ trên tháp và tranh thủ ghi vào máy những khoảnh khắc đáng nhớ.

4 Nắng chiều sông Mã nhuộm vàng những mảng rừng lưng núi khi chúng tôi rời khỏi Mường Luân. Con đèo Keo Lôm ngoằn ngoèo cheo leo đưa chúng tôi rời xa sông Mã. Phía trước là Điện Biên Đông đang háo hức gọi mời.

Dừng lại trên lưng đèo vì núi rừng Tây Bắc đang trở nên huyền ảo trong ráng chiều lấp lánh. Khói bếp từ bản Suối Lư, Phì Nhừ quyện vào nắng tạo thành một bức tranh mê hoặc.

THÁI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên