30/11/2018 11:10 GMT+7

Ngủ dậy thấy mất tiền trong tài khoản, đòi lại... hụt hơi

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Đang ngủ, ông Phạm Văn Phong (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) có tin nhắn dịch vụ SMS Banking báo tài khoản của ông bị rút 29,7 triệu đồng trong khi thẻ ATM ông đang giữ.

Ngủ dậy thấy mất tiền trong tài khoản, đòi lại... hụt hơi  - Ảnh 1.

Sau hơn một năm bị mất tiền trong tài khoản, ông Phạm Văn Phong vẫn chưa đòi lại được - Ảnh: T.M.

Ngân hàng xác định có người khác dùng thẻ giả rút tiền của ông Phong, thế nhưng việc đòi lại tiền từ ngân hàng của ông lại rất trần ai.

Đang ngủ bỗng dưng... mất tiền

Theo trình bày của ông Phạm Văn Phong, ông đăng ký mở tài khoản thẻ đa năng tại Ngân hàng Đông Á từ năm 2007, quá trình sử dụng, ông Phong tuân thủ những nguyên tắc bảo mật mà ngân hàng khuyến cáo. 

Cụ thể là không cho ai mượn thẻ, không cho ai biết mã PIN, không rút tiền ở trụ ATM ngân hàng khác... 

Tuy nhiên ngày 3-10-2017, khi ngủ dậy, ông Phong phát hiện tin nhắn dịch vụ SMS Banking báo tài khoản của ông bị mất 29,7 triệu đồng trong khi thẻ ATM vẫn đang do ông cất giữ. Ngay sau đó, ông Phong đã trình báo sự việc với Ngân hàng Đông Á để phối hợp giải quyết.

Qua xác minh, Ngân hàng Đông Á xác nhận số thẻ của ông Phong đã phát sinh 4 giao dịch rút tiền với tổng số tiền là 29,7 triệu đồng tại 2 máy ATM của Ngân hàng Đông Á. 

Trong đó, 2 giao dịch phát sinh vào lúc 23h59 ngày 2-10-2017 tại máy ATM trên đường Quang Trung và 2 giao dịch lúc 0h17, 0h18 ngày 3-10-2017 tại máy ATM trên đường Nguyễn Oanh (đều ở Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đối tượng thực hiện các giao dịch này là nam.

Cùng ngày, phía Ngân hàng Đông Á đã cung cấp chứng từ và hình ảnh chứng minh giao dịch cho ông Phong nhưng ông Phong không nhận dạng được đối tượng đã thực hiện giao dịch. 

Trong nhiều biên bản làm việc giữa ông Phong và Ngân hàng Đông Á, ông Phong khẳng định ông không biết nam thanh niên thực hiện giao dịch là ai và ông sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu chứng minh được việc mất tiền do lỗi chủ quan của ông. 

Đồng thời, ông Phong mong muốn ngân hàng tạm ứng cho ông số tiền 29,7 triệu đồng để ông trang trải cuộc sống.

Sau nhiều lần làm việc, Ngân hàng Đông Á cho rằng phải đợi trả lời từ cơ quan điều tra nên không thể bồi hoàn số tiền 29,7 triệu đồng theo đề nghị của ông Phong mà chỉ có thể tạm ứng cho ông 14,8 triệu đồng.

Mòn mỏi chờ bồi thường

Trong nhiều văn bản làm việc giữa ông Phong và Ngân hàng Đông Á, phía ngân hàng cho biết để làm rõ nguyên nhân mất tiền trong tài khoản của ông Phong, Ngân hàng Đông Á gửi toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra ngày 16-10-2017. 

Tuy nhiên, gần một năm sau khi xảy ra sự việc, ông Phong vẫn chưa được cơ quan cảnh sát điều tra mời lên làm việc và cũng không được phía Ngân hàng Đông Á thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc thế nào.

Không đồng ý với cách giải quyết của ngân hàng, ông Phong khởi kiện Ngân hàng Đông Á ra tòa, yêu cầu Ngân hàng Đông Á hoàn trả số tiền ông bị mất. 

Qua xác minh của chúng tôi, Công an Q.Gò Vấp cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm về vụ việc trên từ Ngân hàng Đông Á vào ngày 23-8-2018, tức sau khi ông Phong khởi kiện ngân hàng ra tòa.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Gò Vấp, trong tài liệu Ngân hàng Đông Á cung cấp thì đối tượng dùng thẻ màu trắng, không đúng với thiết kế thẻ đa năng của Ngân hàng Đông Á để rút tiền. 

Ngân hàng Đông Á cũng đã xác định thẻ đó không phải là thẻ ngân hàng cấp cho chủ sở hữu. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Gò Vấp đang kết hợp với đội công nghệ cao để xác định đối tượng như hình chụp tại trụ ATM. 

Phía công an tiếp nhận hồ sơ về việc tiền của Ngân hàng Đông Á bị mất chứ không phải tiền của ông Phong nên tranh chấp nghĩa vụ bồi hoàn số tiền bị mất giữa Ngân hàng Đông Á và chủ thẻ ATM được xác định là vụ việc dân sự, không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Thiệt thòi thuộc về chủ thẻ

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), khi vụ việc xảy ra, về nguyên tắc ngân hàng phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an. 

Theo quy định của pháp luật, trong vòng 2 tháng cơ quan công an phải trả lời có thụ lý điều tra hay không, trường hợp phức tạp thì được gia hạn 2 tháng nữa, như vậy thời hạn tối đa là 4 tháng. 

Nếu ngân hàng không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hoặc chuyển hồ sơ chậm trễ thì đó là lỗi của ngân hàng. Trong trường hợp này ngân hàng phải giải thích lý do chậm trễ và bồi thường thiệt hại do sự việc kéo dài cho ông Phong theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Đức, sau khi cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu tội phạm thì ngân hàng phải bồi thường cho khách hàng và cho dù không bắt được tội phạm thì ngân hàng vẫn phải bồi hoàn tiền gửi cho khách hàng. 

Sau đó, nếu cơ quan chức năng bắt được tội phạm thì tội phạm phải bồi thường tiền cho ngân hàng.

Còn theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu tại thời điểm tài khoản của ông Phong bị rút tiền, ông vẫn nắm giữ thẻ ATM và mã Pin của thẻ thì việc tiền bị rút khỏi tài khoản không nằm trong ý chí chủ quan của ông và ông không có lỗi trong việc này. 

Khi ngân hàng thấy có dấu hiệu của tội phạm, họ được quyền chuyển hồ sơ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, khi có kết quả trả lời từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì lúc đó ngân hàng mới tiến hành việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng của mình. 

Như vậy, dù ông Phong là nạn nhân trong việc này nhưng buộc lòng ông cũng phải chờ đợi để được bảo vệ quyền lợi.

"Theo tôi, với quy định như trên thì vẫn chưa hướng đến sự bảo vệ toàn diện quyền lợi cho khách hàng, trong khi có thể họ hoàn toàn không có lỗi trong việc này nhưng họ không được sử dụng tiền của mình trong một thời gian, phải mất thời gian chờ đợi" - luật sư Phát nói. 

Ông cho rằng lẽ ra với vai trò của mình, các ngân hàng phải thực hiện ngay việc chi trả tiền cho khách nếu khách không có lỗi. 

Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao hiện nay rất tinh vi, đòi hỏi trách nhiệm của ngân hàng cũng phải cao, tăng cường khả năng bảo mật. Có như vậy khách hàng mới yên tâm hơn trong việc gửi tiền vào tài khoản ngân hàng.

Cũng theo Cơ quan CSĐT Công an Q.Gò Vấp, gần đây tại nhiều trụ ATM trên địa bàn TP.HCM, trong đó có một số ATM trên địa bàn Q.Gò Vấp, xảy ra việc một số đối tượng làm giả thẻ ATM của các ngân hàng, lợi dụng lúc nửa đêm hay trời mưa gió để rút tiền.

Cơ quan CSĐT đang tiến hành xác minh nhưng khả năng bắt được đối tượng là chưa nói trước được.

Một số ATM có camera ghi hình nhưng do đối tượng bịt mặt nên chưa xác định được nhân dạng, phía công an đang xem xét nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ khởi tố.

Lại bốc hơi 100 triệu đồng trong tài khoản Lại bốc hơi 100 triệu đồng trong tài khoản

TTO - Vừa chuyển 114 triệu đồng vào tài khoản tại Agribank, khuya 19-11 tài khoản của anh Nguyễn Thanh Huy (đường Thống Nhất, P.16, Gò Vấp, TP.HCM) đã bị rút 100 triệu đồng trong lúc thẻ vẫn nằm trong bóp.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên