07/03/2016 08:59 GMT+7

Ngư dân Sầm Sơn tụ tập phản đối vì mất bãi biển đậu thuyền

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TT - Bãi neo đậu tàu thuyền ở Sầm Sơn bị chuyển cho nhà thầu đầu tư xây dựng dự án du lịch ven biển, hàng trăm ngư dân thị xã Sầm Sơn đã đến trước cổng tỉnh ủy, UBNG tỉnh Thanh Hóa.

Một số hạng mục đang được chủ đầu tư xây dựng tại đường Hồ Xuân Hương - Ảnh: Hà Đồng

Suốt những ngày qua, hàng trăm bà con ngư dân ở các phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã tụ tập trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc bãi neo đậu tàu thuyền ở Sầm Sơn bị chuyển cho nhà thầu đầu tư xây dựng dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đi biển đánh bắt hải sản trong ngày bằng thuyền thúng, bè mảng là nghề truyền thống, mưu sinh chính của ngư dân Sầm Sơn hàng trăm năm nay.

Do đó, việc bãi biển từ phường Trường Sơn đến xã Quảng Cư được cải tạo làm du lịch, cấm ngư dân neo đậu tàu thuyền đã khiến họ lo lắng.

Theo quy hoạch, sau khi lấy bãi biển làm du lịch, UBND thị xã yêu cầu ngư dân phải đưa tàu thuyền vào tận cảng Hới (phường Quảng Tiến), hoặc vào khu vực bãi ngang ven biển ở xã Quảng Hùng, Quảng Hải (thị xã Sầm Sơn), cách nơi neo đậu truyền thống và nơi cư trú của ngư dân gần chục cây số.

Việc này gây khó khăn cho ngư dân nên họ mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Bè mảng của ngư dân đang neo đậu tại phía đông đường Hồ Xuân Hương - Ảnh: Hà Đồng
Bè mảng của ngư dân đang neo đậu tại phía đông đường Hồ Xuân Hương - Ảnh: Hà Đồng

Bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi, trú tại khu phố Hoan Kính, phường Trung Sơn) cho biết chiếc thuyền thúng là phương tiện kiếm sống duy nhất của vợ chồng bà nên khi UBND thị xã vận động bỏ thuyền, chuyển đổi nghề nghiệp thì vợ chồng bà lo lắng không biết làm nghề gì, trong khi cả hai vợ chồng không biết chữ.

“Bà con ngư dân chúng tôi chỉ mong UBND tỉnh quyết định dành khoảng 500m ven biển Sầm Sơn, ở khu vực cách xa các dự án du lịch đang xây dựng, để bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền, mưu sinh hằng ngày” - bà Sáu cho biết.

Trưa 6-3, ông Ngô Hoàng Kỳ - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn báo chí UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết sau khi xảy ra vụ việc, phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn đã có buổi đối thoại, tiếp xúc với bà con ngư dân, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của ngư dân Sầm Sơn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định việc quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” (với tổng vốn đầu tư 315 tỉ đồng, do Tập đoàn FLC làm chủ thầu theo hình thức BOT) là chủ trương đúng, cần thiết nhằm khắc phục hạn chế trước đây của khu vực này.

Trước đây, khu vực bãi biển Sầm Sơn có 51 kiôt kinh doanh dịch vụ, 60 điểm tắm tráng được xây dựng tạm bợ, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, phản cảm đối với du khách.

Theo quy hoạch của dự án, toàn bộ khu vực ven biển dài 3,5km, tổng diện tích 32ha sẽ được bố trí 13 khu vực chức năng, 15 kiôt, 20 điểm tắm tráng xây dựng khang trang, hiện đại, đảm bảo tiện ích, thẩm mỹ.

Trong đó, diện tích xây dựng chỉ chiếm 2,5% tổng diện tích bãi biển, toàn bộ phần còn lại sẽ giao cho UBND thị xã Sầm Sơn quản lý, sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng.

Để hỗ trợ các ngư dân chịu ảnh hưởng của dự án, ngày 1-3 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định hỗ trợ các hộ dân với nhiều mức khác nhau.

Về việc giải quyết việc làm cho người dân khi chuyển đổi nghề, UBND tỉnh đã giao cho thị xã Sầm Sơn nắm lại toàn bộ thông tin cụ thể, làm việc với các nhà đầu tư để có phương án bố trí việc làm phù hợp cho người dân.

Giao các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của địa phương, trong đó ưu tiên các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch và dịch vụ, nhằm tạo cơ hội việc làm cho người dân.

Tập đoàn FLC nói gì?

Dự án cải tạo nâng cấp bãi biển Sầm Sơn, khu vực phía đông đường Hồ Xuân Hương là dự án do UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư và Tập đoàn FLC tham gia với tư cách là nhà thầu đã trúng thầu BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Các thủ tục pháp lý lập quy hoạch đã được thực hiện đầy đủ, chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn đã tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật.

UBND thị xã Sầm Sơn có trách nhiệm tiến hành các công tác đền bù, chuyển đổi nghề cho các hộ dân hiện đang sử dụng khu vực bờ biển làm phương tiện hành nghề, kiếm sống; và giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng thi công cho Tập đoàn FLC.

Sau khi dự án hoàn thành, Tập đoàn FLC sẽ thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh tại các kiôt và các điểm tắm tráng, đồng thời chịu trách nhiệm về môi trường cảnh quan trong suốt thời hạn được giao là 29 năm.

Các khu vực còn lại như bãi tắm và mặt biển... vẫn thuộc quyền quản lý của UBND thị xã Sầm Sơn.

L.HOÀI

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên