24/08/2016 09:30 GMT+7

Ngư dân ở biển không sống bằng nghề biển thì làm gì?

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Phải đối thoại với ngư dân xem họ cần hỗ trợ gì - đây là quan điểm của Hội Nghề cá VN được ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá VN, khẳng định với Tuổi Trẻ chiều 23-8.

Ngư dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang rất cần được ổn định cuộc sống, hoạt động đánh bắt cá trở lại bình thường như trước đây - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Ngư dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang rất cần được ổn định cuộc sống, hoạt động đánh bắt cá trở lại bình thường như trước đây - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo ông Thắng, ngay sau sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, đơn vị này đã có những kiến nghị nhằm giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân.

Tuy nhiên “để thống nhất các phương án, đến thời điểm này Hội Nghề cá đã ký kết với MTTQ VN, mọi chủ trương, chính sách hỗ trợ sẽ theo MTTQ VN, Hội Nghề cá sẽ chỉ tham gia giám sát. Việc hỗ trợ có nhiều đơn vị tham gia.

Hội Nghề cá kiến nghị là mọi chính sách hỗ trợ cần bàn bạc, trao đổi trực tiếp với ngư dân. Họ muốn gì thì phải theo họ, không nên đơn phương đưa phương án mà phải đối thoại”.

Về phương án hỗ trợ ngư dân xuất khẩu lao động, ông Thắng cho rằng đây cũng là một sáng kiến hay nhưng không phải ngư dân nào cũng xuất khẩu lao động.

Theo ông Thắng, nghề đánh cá biển không phải ai cũng tham gia được, không phải dễ chuyển đổi nghề cho họ. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề phải dựa vào trình độ văn hóa của người dân.

Cần phải tận dụng nghề phù hợp và nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phù hợp với từng loại lao động, đặc biệt là phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm thì việc chuyển đổi nghề mới đem lại hiệu quả.

Trao đổi thêm với một ủy viên ban thường vụ Hội Nghề cá, vị trưởng ban này cũng khẳng định ngư dân vùng biển phải sống và làm bằng nghề biển chứ không chỉ tìm cách chuyển đổi nghề nghiệp hay xuất khẩu lao động.

Ngư dân có nhiều đối tượng, từ lao động nam giới trẻ khỏe, làm nghề đánh cá đến lao động là phụ nữ, đàn ông lớn tuổi, người khuyết tật. Tất cả đều cần việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

Những người đi xuất khẩu lao động hoặc đến khu công nghiệp, khu đô thị để kiếm sống phải là những người có sức khỏe, có tay nghề và tiêu chuẩn thì mới đáp ứng được yêu cầu này.

Còn với nghề khai thác biển, cần điều chỉnh chuyển đổi một số lao động khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ hoặc chế biến thủy sản, xây dựng làng nghề cho ngư dân và như vậy cũng cần đào tạo tay nghề cho họ. Phương án tốt nhất hiện nay là cùng bàn bạc với người dân trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi nghề.

Theo một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ ngư dân bốn tỉnh miền Trung cần tập trung vào số lao động trực tiếp tham gia đánh bắt gần bờ, nay phải chuyển sang đánh bắt xa bờ thì Bộ sẽ trình Chính phủ về đào tạo nghề, cho vay vốn. Đối với người dân làm việc trong các lĩnh vực khác, Bộ sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ như dạy nghề, tạo cơ hội xuất khẩu lao động, việc làm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thủy sản (đơn vị xây dựng chính sách hỗ trợ), cho biết dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số chính sách ổn định đời sống người dân, khôi phục, phát triển sản xuất tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã được cơ quan này trình Bộ NN&PTNT và trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất, nhưng bị trả lại để chỉnh sửa thêm một số điểm. Hiện Tổng cục Thủy sản đang khẩn trương làm lại để trình trong thời gian sớm nhất.

Thừa Thiên - Huế: bổ sung thêm ngư dân vùng cửa biển

Ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến cuối tháng 8 đề án bồi thường và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển sẽ xây dựng xong để trình Chính phủ phê duyệt và sẽ triển khai trong tháng 9.

Theo đó, sẽ có hai nhóm được bồi thường: bồi thường do bị thiệt hại trực tiếp; hỗ trợ do thiệt hại gián tiếp, hoặc nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống. Đề án này xây dựng trên khung đề án do Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, tại Thừa Thiên - Huế do khung chương trình của Chính phủ không quy định đến đối tượng hỗ trợ là ngư dân vùng cửa biển, dù không đánh bắt trên biển nhưng vẫn chịu ảnh hưởng do sự cố nước biển nhiễm độc, UBND tỉnh đã kiến nghị và Chính phủ đã cho phép bổ sung các đối tượng này vào đề án.

Riêng nhóm kinh doanh du lịch biển bị thiệt hại, ông Khanh cho biết UBND tỉnh sẽ tính hướng hỗ trợ khác (giảm thuế, cho vay vốn ưu đãi...) vì theo quy định của Chính phủ thì không có nhóm này. 

M.TỰ - NH. LINH

Ưu tiên con em 4 tỉnh đi Hàn, Nhật làm việc

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ ngành khác và các địa phương lập đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho con em bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng. Trong đó, xuất khẩu lao động ưu tiên đi hai thị trường có thu nhập cao là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo đề án, hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có 7 huyện thị bị cấm xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc vì có tỉ lệ bỏ trốn cao, tuy nhiên Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với Hàn Quốc tiếp nhận lao động cho 5 huyện thị (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh của Hà Tĩnh; Bố Trạch và Quảng Trạch của Quảng Bình) trong lĩnh vực ngư nghiệp. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đồng ý tăng chỉ tiêu tuyển lao động ngư nghiệp từ 1.000 lên 1.300 suất.

Ngoài ra, chương trình đi làm việc ở Nhật của Tổ chức IM Japan (Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản) cũng đồng ý tăng chỉ tiêu tiếp nhận con em bốn tỉnh miền Trung. Đây là chương trình đưa lao động VN đi làm việc ở Nhật miễn phí, có thu nhập cao.

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên