01/05/2016 09:09 GMT+7

Ngư dân miền Trung bán được cá, tàu lại ra khơi

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TTO - Sau tuyên bố của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những giải pháp giúp đỡ ngư dân các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, tình hình thu mua cá đã có những chuyển biến tích cực.

Ngư dân Hà Tĩnh đưa sò lụa đánh bắt được xuống cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) - Ảnh: Tấn Vũ
Ngư dân Hà Tĩnh đưa sò lụa đánh bắt được xuống cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) - Ảnh: Tấn Vũ

Trong ngày 30-4, nhiều tàu ở Hà Tĩnh bán sạch cá, các ngư dân cho biết họ sẽ ra khơi như bình thường.

Nhiệm vụ cấp bách là hỗ trợ ngư dân

Phát biểu tại buổi làm việc sáng 30-4 tại tỉnh Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các bộ ngành, địa phương bây giờ là hỗ trợ ngư dân các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sớm ổn định cuộc sống.

“Nhiệm vụ số 1 là chúng ta phải tập trung sớm nhất ổn định cuộc sống cho ngư dân vùng ven biển, tôi đề nghị các bộ ngành có liên quan tiếp tục cử thêm cán bộ vào thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Thứ hai, yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức ngay đường dây nóng, phối hợp với địa phương để thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân mang về. Không để bất kỳ một tàu thuyền nào có hải sản mà không tiêu thụ được” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách giảm, giãn nợ, lãi suất để giúp ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công thương đã công bố “đường dây nóng” tháo gỡ khó khăn cho ngư dân một số tỉnh thành miền Trung.

Đó là các số điện thoại của ông Hoàng Anh Tuấn, vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương: 0979815668; ông Dương Thái Trung, trưởng Phòng thương mại nông sản, vật tư và hàng tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước: 0906725555. Kèm đó là số điện thoại cố định của Phòng thương mại nông sản, vật tư và hàng tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước: 04-22205359.

Thương lái trở lại

16g ngày 30-4, cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tấp nập tàu xe đông lạnh. Năm chiếc thuyền chở mực của ngư dân vừa vào là có ngay thương lái đến mua. Gần 10 chiếc thuyền chở sò lụa cũng được các thương lái mua ngay tại chỗ.

Ông Đinh Chí Long, cảng trưởng cảng cá Cửa Sót, cho biết đây là buổi khá tấp nập so với những ngày đìu hiu trước đó.

Ngư dân Nguyễn Tấn Trung - chủ tàu QNa-93689, chuyên câu mực khơi - khoe rằng tám ngày đánh bắt ông bán được 67 triệu đồng, trừ phí tổn, chia đều cho ngư dân mỗi người còn 5 triệu. Ông Trung cho rằng nếu Chính phủ quyết tâm thu mua hải sản thì những ngày tới sẽ có nhiều tàu ra khơi.

Trên bờ cảng Cửa Sót có khoảng bảy xe đông lạnh mở cửa chờ sẵn, các thương lái đang thu gom sò lụa. Ông Phạm Trung Thăng - một thương lái - cho hay ông mua được 6 tấn trong tổng cộng 30 tấn sò được ngư dân đưa vào.

Ông Thăng nói biết được sò lụa này nằm ngoài khơi xa dòng nước có cá chết, ở phía bắc và cách bờ hơn 20 hải lý.

Ông Trung cho biết khi nghe các chính sách hỗ trợ ngư dân ông rất mừng. “Vấn đề là ai đứng ra thu mua? Mua như thế nào? Có cá, mực về thì gọi cho ai? Sợ Chính phủ quyết tâm nhưng những chính sách chậm triển khai thì ngư dân chở cá, mực về rồi lại đổ biển” - ông Trung lo ngại.

Ngư dân Đặng Ngọc An ngồi ở cầu cảng Cửa Sót nhìn những người mua bán tấp nập. Mấy ngày nay ông phải cắm thuyền, đánh cá về không ai chịu mua nên không muốn đi. Sau khi nghe nói về hỗ trợ của Chính phủ, ông An hồ hởi: “Chính quyền hứa mua cá, chúng tôi ra khơi ngay! Nhưng hứa là phải làm”.

Thu mua hết

Chiều 30-4, ông Trần Nhật Tân - giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh - cho biết UBND tỉnh Hà Tĩnh có chính sách thu mua cá cho ngư dân đánh bắt cả xa bờ lẫn gần bờ, đó là chưa kể chính sách hỗ trợ khác.

Theo ông Tân, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp với các chủ doanh nghiệp kinh doanh, thu mua thủy hải sản trên địa bàn. Tại cuộc họp này, tỉnh đưa ra một số giải pháp như sẽ hỗ trợ thu mua sản phẩm, hỗ trợ 100% tiền điện, 10% giá trị sản phẩm thủy hải sản cho các kho đông lạnh tư nhân có ý định thu mua cá cho ngư dân.

“Tỉnh có chính sách hỗ trợ rất mạnh để người dân đánh bắt có lãi” - ông Tân khẳng định. Ông Tân còn nhấn mạnh: “Các tàu thuyền về có nhu cầu bán là thu mua hết. Tất cả các hệ thống đông lạnh ven biển được triển khai, mua với giá cao và giá tính từ đầu tháng 4”.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy hải sản Hà Tĩnh, ngành thủy sản Hà Tĩnh đã có hướng dẫn cho ngư dân đến đánh bắt ở các ngư trường sạch.

“Các ngư dân phải chọn cá ngư trường xa bờ như vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa hay ngư trường các tỉnh phía trong như Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận...”.

Cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho ngư dân

Tối 30-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đón chuyến tàu cá đầu tiên của ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) đánh bắt xa bờ về cập cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới). Khi tàu cập cảng, cá được kiểm nghiệm chất lượng và cho phép bán ra thị trường.

Anh Nguyễn Nhật Linh, chủ tàu QB-91096 TS, cho biết số cá tàu đánh bắt được tại vùng biển cách bờ 150 hải lý (gần 278km) là hơn 6 tấn, bán ra được khoảng 250-300 triệu đồng. “Trên đường vô bọn tui rất lo lắng, sợ sẽ không có ai mua. Nay thấy mọi người tập trung mua nên rất phấn khởi” - anh Linh nói. Theo anh Linh, trong những ngày tới sẽ có nhiều tàu tiếp tục vào bờ từ ngư trường xa.

Ngay trên tàu cá, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông Trần Tiến Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cùng ngư dân và người dân ăn món cá ngừ luộc mà tàu của anh Linh đưa về.

Ông Trần Công Thuật, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết có gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ sẽ trở về trong tháng 5. Để hỗ trợ ngư dân, chiều 30-4 Tỉnh ủy Quảng Bình thống nhất rà soát số hộ ngư dân để hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng thiếu đói do ngừng đánh bắt hải sản. Các hộ làm nghề liên quan đến biển và nuôi trồng thủy sản cũng được hỗ trợ.

Ông Phan Văn Khoa - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình - cho biết sở vừa triển khai thực hiện việc cấp giấy xác nhận hải sản an toàn cho các sản phẩm cá, mực do ngư dân trong tỉnh đánh bắt ở những vùng biển xa. Ngay sau khi quy định về cấp giấy chứng nhận an toàn này được triển khai, hàng tấn cá của ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vừa cập bến ở cửa sông Roòn đã tiêu thụ được.

Theo ông Khoa, sở đã huy động lực lượng thuộc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Quảng Bình túc trực 24/24 giờ tại các cảng, cửa biển trong tỉnh. Lực lượng này đón các tàu đánh bắt cá từ các ngư trường xa về.

“Các tàu cá được xác nhận đánh bắt xa bờ thông qua hệ thống định vị tọa độ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện chỉ những tàu khai thác ở Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 được cấp giấy xác nhận” - ông Khoa nói.

TSKH Nguyễn Tác An (nguyên viện trưởng Viện Hải dương học):

Hải sản ngoài khơi xa không bị ảnh hưởng độc tố

TSKH Nguyễn Tác An cho biết theo tính toán sơ bộ về động lực học của vùng biển Việt Nam, hải sản khai thác được ở những vùng biển ngoài khơi, cách khu vực bị sự cố như Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngoài 170km trở lên (tính từ bờ ra phía ngoài khơi) thì không có khả năng bị ảnh hưởng bởi các độc tố (nếu có).

Ngay cả cá và các loài hải sản nếu có bị nhiễm độc ở vùng có sự cố thì cũng sẽ không đủ sức để di chuyển ra khơi xa quá mức quãng đường nêu trên.

Làm sao để xác định được đâu là hải sản khai thác ở các vùng biển còn nằm trong hay ngoài phạm vi trên 170km? TSKH Nguyễn Tác An nói cần giám sát được tọa độ hoạt động, đánh bắt hải sản của các tàu thuyền trên biển.

TSKH Nguyễn Tác An cũng lưu ý đối với các loài động vật biển thân mềm như nghêu, sò huyết, ốc, hến... là loài có đặc tính ăn lọc từ nước biển thì trước mắt cần khuyến cáo bà con không nên ăn nếu khai thác ở vùng biển ven bờ khu vực Trung Trung bộ.

PHAN SÔNG NGÂN

Cung cấp số liệu quan trắc biển hằng ngày

Chiều tối 30-4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp khẩn của Bộ TN-MT cùng các tổng cục, cục, vụ, viện trực thuộc bộ để quán triệt, khẩn trương việc điều tra nguyên nhân và phương án xử lý thảm họa cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan chức năng của bộ tập trung cao độ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và các phó thủ tướng, các đơn vị liên quan đến công tác quản lý môi trường không nghỉ lễ mà phải thường trực để xử lý các công việc cấp bách liên quan đến vụ việc hải sản chết hàng loạt.

Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu hằng ngày Bộ TN-MT phải có, phải cung cấp thông tin quan trắc về chất lượng môi trường nước biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Hằng ngày các cơ quan chức năng của bộ phải cung cấp cho lãnh đạo bộ những thông số cụ thể về việc chất lượng nước của vùng biển các tỉnh này có tắm được không, có phục vụ du lịch được không?”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn nói: “Tôi đặc biệt quan tâm đến việc hệ thống xử lý nước thải của Formosa phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát... để các cơ quan chức năng và người dân lúc nào cũng có thể dễ dàng theo dõi công tác xử lý nước thải của Formosa”.

Trao 1.500 suất quà hỗ trợ ngư dân vùng cá chết

Sáng 30-4, đoàn công tác của Trung ương Đoàn cùng đại diện nhà tài trợ Tân Hiệp Phát đã đến vùng biển tỉnh Hà Tĩnh để thăm hỏi, trao quà hỗ trợ ngư dân.

Tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đoàn đã trao 500 suất quà gồm gạo (10kg), dầu ăn, đồ uống, bình chứa nước (trị giá 400.000 đồng/suất) cho 500 hộ ngư dân các xã Kỳ Hà, Kỳ Nam, Kỳ Lợi và P.Kỳ Phương. Tại P.Kỳ Phương, đoàn trao 5 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho 5 hộ gia đình ngư dân trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong ngày 30-4 và 1-5 đoàn tiếp tục đi trao quà cho ngư dân khó khăn của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tổng số quà là 1.500 suất, mỗi suất trị giá 400.000 đồng.

ĐỨC BÌNH - XUÂN LONG

Đà Nẵng vận động tiêu thụ hải sản

Chiều 30-4, trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi đích thân ăn cá nấu chín tại cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà), ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết chính quyền TP rất sốt ruột trước việc nhiều tàu cá của ngư dân miền Trung đánh bắt ở các ngư trường xa nhưng vẫn bị ảnh hưởng do vụ cá chết.

Theo ông Thơ, trong những ngày qua, bản thân ông và toàn bộ lãnh đạo TP đã nhập cuộc để chứng minh rằng nước biển của Đà Nẵng an toàn, hải sản đánh bắt được vẫn rất tươi ngon.

Ông Thơ còn nói việc lấy mẫu nước được thực hiện và công bố hằng ngày. Lãnh đạo các sở ngành (Sở TN-MT, Sở VH-TT&DL) cũng xuống biển, kêu gọi mọi người cùng tắm biển, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Y tế, Sở NN&PTNT đều cùng ăn cá.

Riêng toàn bộ cán bộ công chức của TP làm việc tại tòa nhà trung tâm hành chính sẽ chính thức ăn cá vào các buổi trưa trong những ngày làm việc tới. Đây là thông điệp gửi đến toàn xã hội rằng cá ở cảng cá Thọ Quang rất an toàn.

Về hỗ trợ chủ tàu cá, các thương lái, ông Thơ nói: “Lãnh đạo TP quyết định trích một phần ngân sách TP để hỗ trợ bằng hình thức trợ giá nhằm giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm. Thay vì 1kg cá bán giá 5.000 đồng mới đủ bù tổn phí nhưng giá thị trường hiện chỉ 4.000 đồng thì TP sẽ chi hỗ trợ 1.000 đồng còn lại... Hay nếu các chủ vựa cá có nhu cầu thuê kho bãi để giữ đông lạnh chờ giá cá lên bán thì TP cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để họ đủ chi trả tiền điện, mặt bằng... TP đang cố gắng làm sao “giải phóng” hết số cá mà các tàu đánh bắt từ Quảng Bình đến Bình Định vào bán cá ở Thọ Quang”.

ĐĂNG NAM

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên