22/06/2011 11:39 GMT+7

Ngọt ngào hương lúa Nàng Thơm chợ Đào

NGUYỄN MINH ÚT
NGUYỄN MINH ÚT

TTO - Không biết chính xác cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào có từ lúc nào, nhưng theo sách Truyền thống lịch sử- văn hóa xã Mỹ lệ của Huyện ủy Cần Đước xuất bản năm 2004, khoảng 200 năm trước đây trên vùng đất Mỹ Lệ (Chợ Đào) đã có một giống lúa thơm.

Cây lúa Nàng Thơm chợ Đào có từ bao giờ?

UiSyUxZL.jpgPhóng to
Thu hoạch lúa theo phương pháp cổ truyền

Qua quá trình canh tác nông dân đã dần chọn lọc được một dòng lúa có vỏ hạt màu vàng rơm, thon dài, eo cong và có đuôi nhọn hơi quớt lên, gạo có nhân nhỏ màu trắng gọi là hạt lựu hay lựu lòng. Cơm có mùi thơm đặc trưng dẽo xốp ăn rất ngon, đặc biệt cơm nguội dù để qua đêm vẫn dẻo thơm.

Lúa vẫn chưa có tên gọi chính thức. Biết được giống lúa thơm này nông dân các nơi khác tìm đến mua giống đem về gieo cấy. Nhưng gạo chỉ giữ đươc mùi thơm qua một vụ thôi, nếu tiếp tục làm thêm vụ thứ hai bằng giống địa phương gạo sẽ không còn giữ được mùi thơm đặc trưng nữa.

Theo các bậc lão nông tuổi đời đến nay ngoài 90, vào khoảng thập niên 1940 của thế kỷ 20 một số thương lái từ Bình Chánh về mua gạo thông dụng ở chợ Đào như Nàng Trá, Nàng Bằng, Nàng Phệt... và cả loại gạo thơm chưa có tên này từ ba nhà máy xay xát lúa gạo. Lớn nhất có nhà máy bà Nguyễn thị Thứ (năm Thứ), tiếp theo của ông Phạm Duy Kha (tư Kha), Nguyễn Văn Liễng (hai Liễng) nằm trên tỉnh lộ 18 (bây giờ là đường tỉnh 826) chung quanh chợ Đào.

Có lẽ để dễ nhớ họ đặt tên gạo là Nàng Thơm. Cũng có một giai thoại của ai đó trong lúc trà dư tửu hậu đã thi vị hóa cây lúa Nàng Thơm bằng câu chuyện tình không môn đăng hộ đối giữa chàng nông dân nghèo và tiểu thư tên Thơm, con một phú hộ trong vùng. Bị gia đình nàng ngăn cản chàng quyết ra đi lập nghiệp để mong ngày trở lại.

Sau bao năm đi xa khẩn hoang lập nghiệp, khi đã có sự sản chàng trở lại quê tìm lại người xưa. Trước khi đi chàng cũng không quên mang theo một ít giống lúa tốt với tâm nguyện sẽ làm cho làng quê khá lên nhờ vào giống lúa này. Nhưng trớ trêu thay khi về đến quê xưa thì nàng đã mất. Tiếc thương người tình chung thủy chàng đặt tên cho giống lúa trên ruộng mình bằng chính tên nàng - Nàng Thơm.

Mỹ Lệ hay chợ Đào?

pwRuxVcy.jpgPhóng to
Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết năm 1820, ba làng thuộc địa bàn xã Mỹ Lệ ngày nay là Mỹ Lệ phường,Vạn phước phường và Long Mỹ thôn thuộc tổng Phước Điền Thượng, huyện Phước Lộc, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

Trong Địa bạ tỉnh Gia Định năm 1836 ghi: Mỹ Lệ phường thuộc xứ Nha Ràm Rạch Đào,Vạn Phước phường thuộc xứ Rạch Đào. Như vậy xã Mỹ Lệ trước kia được gọi chung là xứ Rạch Đào. Ngày nay Rạch Đào là một trong mười một ấp thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước tỉnh Long An.

Trên bản đồ hành chính, Mỹ Lệ nằm tiếp giáp giữa vùng thượng và vùng hạ của huyện Cần Đước, có diện tích tự nhiên khoảng 1.230ha và trên 12.000 dân (tính đến năm 2010). Xã Mỹ lệ nằm trên các đường giao thông lớn như: quốc lộ 50 và đường 826 (tỉnh lộ số 18 cũ ) nối liền với quận 8 và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có con sông Rạch Đào thông ra sông Vàm Cỏ Đông. Xã nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 30km về hướng nam.

Với đặc điểm về địa lý và giao thông như trên, Mỹ Lệ có vị trí khá quan trọng trên đường giao thông từ thành phố Hồ Chí Minh về Gò Công và các tỉnh miền Tây ngoài quốc lộ 1A, và cũng chính vị trí thuận lợi này mà gạo Nàng Thơm Chợ Đào sớm được nhiều nơi biết đến.

Khi nói đến Nàng Thơm chợ Đào tức là Nàng Thơm trồng trên đất xã Mỹ Lệ vậy.

Nàng Thơm hay Nàng Hương, Tào Hương?

Trong khi giao tiếp hoặc trên một số văn bản, người ta thường hay nhầm lẫn những tên lúa như Nàng Hương hay Tào Hương để chỉ Nàng Thơm Chợ Đào. Thật ra hai tên gọi giống lúa trên trước đây có trồng trên đất Mỹ Lệ nhưng đã không còn được nông dân canh tác cách nay trên 20 năm.

Lý do duy nhất để giống lúa trên không tồn tại là tuy Nàng Hương hay Tào Hương vẫn có mùi thơm như Nàng Thơm Chợ Đào nhưng vì chu kỳ sinh trưởng chỉ 140-155 ngày (trong khi chu kỳ sinh trưởng Nàng Thơm Chợ Đào 170-185 ngày) nên lúc trổ và chín đúng vào lúc tháng 10 âm lịch, là tháng thường có mưa bão nên cây lúa bị đổ ngã làm mất năng suất và chất lượng.

Ngay cả Nàng Thơm Chợ Đào ngày nay cũng vậy, năm nào có những cơn mưa muộn trái mùa gặp lúc lúa trổ chín thì năm ấy chất lượng gạo giảm rất nhiều và cơm không còn dẻo thơm tơi xốp nữa.

Thăng trầm cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào

iPFCbAc8.jpgPhóng to
Cánh đồng lúa Nàng Thơm

Mỹ Lệ nằm trong vùng lúa nước trời nên hàng năm có hai vụ: hè thu và thu đông với tổng diện tích lúa gieo sạ khoảng 1.200ha. Nàng Thơm và tài nguyên là hai đặc sản chính chỉ trồng mỗi năm một vụ thu đông mà thôi. Riêng diện tích lúa Nàng Thơm mỗi năm thay đổi khoảng 450-600ha (tùy diện tích lúa tài nguyên).

Thật ra tổng diện tích gieo trồng lúa Nàng Thơm như trên chỉ trong 20 năm nay. Ngay từ những năm thập niên 1940, số diện tích gieo trồng chỉ đạt khoảng phân nửa và những năm ấy năng suất bình quân chỉ đạt 2.400-2.800 tạ/ha (so với bây giờ 4.200-4.800 tạ/ha) và có những lúc tưởng chừng Mỹ Lệ không còn giống lúa đặc sản này nữa!

Vào những năm đầu của thập niên 1960 khi ngọn lửa Đồng khởi Bến Tre lan nhanh qua các tỉnh thành Nam bộ, Mỹ Lệ trở thành vùng phi pháo tự do từ chính quyền Ngô Đình Diệm tới Nguyễn Văn Thiệu, ruộng đất gần như bị bỏ hoang; chỉ còn lại vài nông dân như ông Võ Văn Chuẩn (Tư Bền), bà Võ Thị Lê (Sáu Lê), ông Phạm Thành Được (Hai Khái) ở ấp Cầu Chùa; ông Nguyễn Văn Kiên (Năm Kiên), Trần Văn Cẫm (Hai Phẩm) ở ấp Rạch Đào, Trần Văn Điểu (Sáu Điểu), Nguyễn Văn Xã (Chín Xã), Nguyễn Văn Cựu (10 Cựu) ở ấp Vạn Phước… còn nặng nợ với cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào.

Khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng , những năm cuối thập niên 1970 do tình hình lương thực khan hiếm, một số giống lúa cao sản ngắn ngày hầu như đã thay thế hoàn toàn giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI mở đầu công cuộc đổi mới đất nước đã dần đem lại giá trị đích thực của cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào. .

Nàng thơm chợ Đào với ngày Tết Nguyên đán

Tùy theo năm nhuận hay không mà lúa Nàng Thơm được thu hoạch sớm hay cận tết. Năm nhuận lúa được thu hoạch ngay những ngày đầu tháng chạp nhưng đến năm nhuận thời gian thu hoạch thường kéo dài đến 28-29 tết, thậm chí có khi ra ngoài giêng. Thường Nàng Thơm Chợ Đào chỉ có giá cao trước tết. Sau tết cũng có nhưng rất ít khi.

Năm nào cũng vậy, vào khoảng 20 tháng chạp con đường 326 nhộn nhịp hẳn lên, hai bên đường quầy bán gạo Nàng Thơm mọc lên san sát, quầy nào cũng trương bảng hiệu “gạo Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng”.

Trên đường tấp nập xe qua lại: xe máy, xe con có, xe cơ quan xí nghiệp xe tham quan cũng có, qua đây xe nào cũng dừng lại đôi phút. Người mua ít thì 5,10 ký để cúng ông bà trong ba ngày tết, nhiều hơn thì năm ba chục ký tặng thân thuộc bạn bè, cơ quan xí nghiệp làm quà cho cán bộ nhân viên.

Ngày thường cơm gạo Nàng Thơm ăn với cá kèo kho vỏ quít cũng ngon. Tết đến, trên bàn thờ có mâm ngũ quả thì không thể thiếu cơm gạo Nàng Thơm với đĩa thịt ba chỉ kho nước dừa cùng dưa giá.

Một miếng thịt đan xen mỡ nạc thêm một đũa cơm gạo Nàng Thơm vừa mềm vừa dẻo với mùi hương thoang thoảng phà vào mũi thêm vào vị ngọt thanh khi nuốt vào thì cái hương vị ngày tết tăng lên bội phần!

NGUYỄN MINH ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên