Phóng to |
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Hoanh, bố của thuyền viên Nguyễn Văn Tâm, luôn lo lắng khi biết tin con bị bắt làm con tin ở Somalia - Ảnh: Văn Định |
Chiều 8-2, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động - thương mại và du lịch (TTLC) xác nhận phía đối tác Đài Loan vừa thông báo tàu Tai Yuan 227 có ba thủy thủ Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt vừa được thả tự do và đang trên đường về cảng Mauritius (Cộng hòa Mauritius, tây nam Ấn Độ Dương).
Ba thủy thủ Việt Nam được xác định là Nguyễn Tiến Anh (32 tuổi, quê xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Trương Văn Hiếu (huyện Đắc Hà, Kon Tum), Trần Văn Trí (22 tuổi, quê xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Các thủy thủ này cùng tàu Tai Yuan 227 bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 6-5-2010.
“Khi nào con tôi được về nhà?”
Chiều 8-2, chúng tôi đến xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tìm gặp bà Trần Thị Huê, mẹ của anh Trần Văn Trí, một trong ba thuyền viên của tàu Tai Yuan 227. Bà Huê lục trong tủ đưa cho tôi xem thông báo của Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Imasco, thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1) gửi ngày 17-5-2010. Thông báo cho biết: “Theo tin từ công ty môi giới Đài Loan, hiện nay thuyền viên Trần Văn Trí trên tàu Tai Yuan 227 đang bị hải tặc Somalia bắt giữ...”.
Kể từ khi nhận tin con, cả gia đình bà Huê gần như chẳng ai đoái hoài gì đến chuyện tết nhất. Bà Huê buồn bã nói: “Cả nhà đang lo cho số phận của thằng Trí. Đùng một cái chiều 30 tết nó điện thoại về, giọng gấp gáp lắm. Nó bảo con và hai người bạn thoát chết rồi, cướp biển thả tàu rồi. Nó chỉ kịp nói thêm câu chúc bố mẹ ăn tết vui vẻ rồi điện thoại ò e í. Thế rồi điện thoại tắt ngúm cho tới nay” - bà Huê bật khóc.
36 thủy thủ VN còn nằm trong tay cướp biển Somalia Hiện cướp biển Somalia còn bắt giữ 36 thủy thủ VN. Trong đó có 12 thủy thủ tàu Shiuh Fu-1 của Đài Loan, 24 thủy thủ của tàu Hoàng Sơn Sun (Công ty TNHH vận tải biển Hoàng Sơn) bị bắt ngày 17-1. Các thủy thủ này hiện vẫn chưa có thông tin được thả. Kể từ khi bị bắt, gia đình vẫn chưa liên lạc được với các thủy thủ. |
Theo bà Huê, anh Trí rời nhà ngày 30-9-2009 với hợp đồng ba năm đi đánh cá ngừ ở biển Đài Loan. Lương 250 USD/tháng nhưng công ty trừ các khoản chỉ còn 160 USD/tháng. Anh Trí đã đi 16 tháng nhưng bà Huê mới chỉ nhận 13 tháng lương bởi công ty quy định hết hợp đồng mới được nhận đủ.
Bà Huê kể: “Trí là con đầu. Nó mới học hết cấp II rồi theo nghề biển với trai làng. Bây giờ đi làm thuê xa xứ lại gặp cảnh éo le, hãi hùng như vậy không biết khi nào con tôi được về nhà”. Bà Huê vừa khóc vừa cho biết nếu lần này con trai trở về nguyên vẹn bà sẽ không cho đi xuất khẩu lao động nữa, cày bừa ở quê nhà miếng đói miếng no còn hơn là đi mà bị cướp biển bắt, “nóng ruột, nóng gan lắm”.
Cũng hôm qua, tại xóm Minh Thành (xã Quỳnh Long), ông Trần Tương - bố của thuyền viên Trần Minh Trí (21 tuổi, thủy thủ tàu Shiuh Fu-1, Đài Loan, bị hải tặc Somalia bắt giữ ngày 25-11-2010) - khi nghe hỏi chuyện về việc con ông đang lâm nạn, ông lộ vẻ bồn chồn: “Ngày 10-11-2010, đi biển về tôi thấy công an huyện đến hỏi có đúng ông có con trai là Trần Minh Trí đi lao động ở Đài Loan không. Công an đến hỏi là do họ xem trên mạng nên cần xác minh thông tin này. Mãi đến ngày 27-1-2011 tôi mới chính thức biết được tin con mình bị hải tặc bắt”. Hiện ông Tương vẫn chưa có tin tức gì thêm về người con đã bị bắt giữ. “Chẳng biết khi nào nó được thả về...” - ông Tương nghẹn ngào.
Hơn một tháng nay ông Nguyễn Xuân Hoanh (ở xóm Đồng Tiến, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn ngóng chờ tin con là thủy thủ Nguyễn Văn Tâm (20 tuổi) đi trên tàu Shiuh Fu-1. Ông ngậm ngùi nói: “Nhà không đủ điều kiện học tiếp nên khi học xong lớp 12 thằng Tâm buộc phải đi làm ăn. Con đi chưa đầy một năm thì ở quê cha mẹ nhận tin con bị hải tặc Somalia bắt giữ”.
Một số người hàng xóm kể rằng khi nhận tin báo của Công ty Inmasco về con trai bị hải tặc Somalia bắt làm con tin, hai vợ chồng ông Hoanh không còn thiết tha đón tết. Bà Hoàng Thị Xuyến bệnh cũ lại tái phát, ông Hoanh người gầy rộc. Lo cho con, ngày nào ông cũng gọi điện ra Hà Nội hỏi, nhưng đều nhận được câu trả lời của công ty môi giới là “chưa có thông tin gì mới”. “Mấy ngày tết, hai vợ chồng ngồi một mình lại bật khóc khi nghĩ đến thằng Tâm không biết chết sống ra sao ở xứ người…” - bà Xuyến nghẹn ngào.
Phóng to |
Thủy thủ Trần Xuân Luân từng là con tin của cướp biển Somalia - Ảnh: Văn Định |
Những ngày sống với hải tặc
Đến nay anh Trần Xuân Luân (36 tuổi, ở xóm Đồng Tiến, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn không sao quên được những ngày sống dưới họng súng của hải tặc Somalia. Anh từng là thủy thủ tàu Dongwon-ho 628 của Hàn Quốc bị hải tặc Somalia bắt giữ và được thả trở về an toàn.
Khi đó tàu Dongwon-ho 628 đến vùng biển Nam Phi đánh bắt cá ngừ đại dương. Trên tàu có năm thủy thủ người Việt. Sau hai tháng quần thảo ở vùng biển Ennogiang không mấy ăn thua, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng đánh bắt sát vùng biển Somalia. Tàu Dongwon-ho 628 vừa thả câu thì đã thấy những chiếc canô cao tốc của hải tặc lượn lờ từ xa.
Thuyền trưởng cho người nhổ neo chạy nhưng vẫn bị hai chiếc canô của hải tặc bám sát phía sau. “Chỉ trong tích tắc hai chiếc canô đã kẹp sát tàu Dongwon-ho 628 rồi nhẹ nhàng ném thang dây lên tàu. Quá nguy cấp, thuyền trưởng chỉ kịp gọi mọi người cầm dao chống trả. Bọn cướp biển nã đạn lên tàu như mưa khiến mọi người phải chui xuống boong tàu để tránh” - anh Luân kể.
Sau 30 phút, thuyền trưởng tàu Dongwon-ho 628 buộc phải dừng tàu. Khi bị hải tặc khống chế, 22 thuyền viên bị nhốt vào phòng, còn thuyền trưởng, thuyền phó cùng với hai cai tàu bị chúng chĩa súng ép lái tàu chạy về biển Somalia. “Nhận được tín hiệu bị hải tặc tấn công, một chiếc trực thăng chiến đấu cùng hai chiếc tàu của hải quân Mỹ đến cứu. Nhưng rồi cũng chẳng làm được gì” - anh Luân cho biết.
Theo anh Luân, hơn bốn tháng bị cướp biển bắt làm con tin, anh và các thuyền viên khác đều bị lột hết áo quần, tài sản trên tàu bị bọn cướp biển lấy hết. Ban ngày bọn chúng chỉ cho mọi người ra khỏi boong tàu khoảng 30 phút tắm rửa, vệ sinh. Ban đêm hải tặc tuyên bố nếu một ai đó ló đầu ra và có ý định bỏ trốn sẽ bị bắn chết tại chỗ. “Khi bị bắt làm con tin, hải tặc Somalia nói chỉ đòi tiền chuộc của hãng tàu, không có ý định bắn bỏ ai” - anh Luân nói. Theo lời anh Luân, thuyền trưởng nói chủ tàu phải chi 900.000 USD tàu mới được thả.
Sớm đưa thuyền viên về nước Theo anh Nguyễn Hữu Phong - trưởng phòng thuyền viên Công ty TTLC, dù thông tin tàu Tai Yuan 227 được thả trước tết nhưng đến ngày 8-2 chủ tàu phía Đài Loan mới xác định là tàu đang về cảng Mauritius và sau đó sẽ về thẳng thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Trước đó, ngày 2-2 (30 tết), báo China Post dẫn nguồn từ cơ quan ngoại giao Đài Loan xác nhận tàu đánh cá Tai Yuan 227 của Đài Loan được thả đã về đến thành phố Colombo của Sri Lanka sau hơn tám tháng bị hải tặc Somalia bắt giữ gần Maldives. Toàn bộ 28 thủy thủ trên tàu đều là người nước ngoài, trong đó có ba thủy thủ Việt Nam. Công ty TTLC cho biết nếu tàu về đến Đài Loan, công ty sẽ sớm can thiệp để thủy thủ nhanh chóng đoàn tụ với gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận