09/08/2014 09:03 GMT+7

Ngôi nhà vắng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hai ngôi nhà bỗng chốc thiếu vắng bóng hình của hai người thương yêu. Một bên chồng mất vợ, con mất mẹ. Một bên thiếu đi người cha trụ cột.

vk2PUhZi.jpg
Bị cáo Lê Văn Xuân luôn cúi đầu suốt phiên tòa - Ảnh: D.V.

Đau lòng hơn, hai gia đình ấy có mối quan hệ ruột rà em trai - anh ruột - chị dâu. Ra tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội gọi bi kịch mà bị cáo gây ra là bi kịch nồi da xáo thịt.

“Xuân ơi, em tao có tội tình gì mà mày giết em tao Xuân ơi! Xuân ơi, vì mày mà chị em tao phải đứng ngoài cổng tòa dưới trời mưa gió”. “Xuân ơi, mày là đứa mặt người dạ thú, mày giết anh trai, chị dâu để cướp đất cướp nhà”...

Những tiếng réo gọi thê lương như thế liên tục vang lên ở hành lang nhà C Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Anh em và món nợ 150 triệu đồng

Người dân làng Đồng, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh bảo anh em Lê Văn Xuân hiền lành, không bao giờ cãi vã nhau. Bi kịch bắt đầu từ lúc Xuân cho anh trai là Lê Văn Sang vay 150 triệu đồng. Hai anh em hẹn nhau “khi nào em xây sắp xong nhà thì anh trả”.

Nhưng rồi nhà đã xây xong gần một năm, Xuân sang gặp anh đòi tiền nhiều lần nhưng anh bảo “chưa có, khi nào đòi được nợ của người khác mới trả”.

Xuân khai trước tòa: “Hôm đó con bị cáo xin tiền nộp học. Nó khóc bảo cô giáo nhắc suốt, nếu không có tiền đóng học thì con không dám đến lớp. Bị cáo có rượu trong người. Bị cáo nghĩ cầm dao sang để dọa anh trai. Bị cáo nghĩ cầm dao dứ vào tay để anh trai sợ mà trả tiền chứ không nghĩ đến việc giết anh trai và chị dâu”.

Hôm đó là ngày 18-9-2013, Xuân mang dao sang nhà anh trai đòi tiền. Rồi hai anh em cãi vã. Chị Lê Thị B. (vợ anh Sang) chạy ra can ngăn. Xuân dùng dao đâm chị B. một nhát và đâm anh trai nhiều nhát. Vợ chồng anh Sang được đưa đi cấp cứu. Chị B. chết khi vừa được đưa đến bệnh viện. Một tháng sau anh Sang ra viện.

Lê Văn Xuân bị bắt và đưa ra xét xử về tội giết người, thuộc trường hợp giết nhiều người và có tính chất côn đồ.

Bị cáo đứng trước tòa, đôi vai run bần bật. Trước mỗi câu hỏi của tòa, bị cáo dường như lại cúi đầu thấp hơn một chút. Bị cáo đứng mà cơ thể như có thể đổ sập xuống vành móng ngựa bất cứ lúc nào. Vị chủ tọa nhiều lần phải bảo bị cáo “đứng thẳng lên, ngẩng mặt lên” và “nhìn vào hội đồng xét xử”.

Vị chủ tọa hỏi đằng nào vụ việc cũng xảy ra rồi, chị B. chết là điều không thể nào cứu vãn được, bị cáo có tự nguyện khắc phục hậu quả cho gia đình anh trai hay không? “Dạ, bị cáo xin không đòi số tiền 150 triệu đồng mà anh nợ nữa, để số tiền đó cho anh” - vừa nói xong, bị cáo quỳ sụp xuống trước vành móng ngựa khóc và “xin gia đình thông gia cùng các chị tha thứ”.

Anh Sang vội vàng quay đi lau nước mắt mà không nhìn em trai.

Khi được tòa hỏi, con trai đầu của anh Sang xin giảm án cho bị cáo và lập tức vấp phải sự phản ứng của các chị gái chị B..

Tòa nghị án, những người này tiếp tục khóc lóc làm náo động khu xét xử C: “Cay đắng quá! Mẹ nó chăm nó từng chút một mà nó không thương, nó lại nỡ đi xin giảm án cho người đã giết mẹ nó”. “Mạng đổi mạng, máu phải trả bằng máu. Sao anh trai nó không giết mà lại đi giết chết chị dâu. Nó có mục đích cả, đúng là khác máu tanh lòng”...

Hai con trai của anh Sang ôm di ảnh mẹ, ngồi đờ đẫn trên nghế. Anh Sang bị các chị vợ đến lay người dồn dập hỏi: “Tại sao, tại sao không đề nghị tòa xử nghiêm?”. Anh Sang đưa tay ôm đầu, khóc nấc như một đứa trẻ.

Lê Văn Xuân bị tuyên mức án tù chung thân. Lúc bị cáo được dẫn đi, những tiếng gào khóc “Xuân ơi, Xuân ơi” lại vang lên. Bị cáo cúi đầu không dám nhìn ai. Cho đến lúc xe tù đóng sập cửa mới nghe bị cáo gọi vọng ra với vợ con, nghe tiếng được tiếng mất: “Ở nhà mấy mẹ con cố gắng nhé, tuần sau nhớ vào trại giam thăm bố...”.

Chồng mất vợ, con thiếu cha

Vợ chồng anh Sang có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Lúc chưa xảy ra sự việc, hằng ngày chị B. trông cửa hàng tạp hóa. Anh Sang đi khắp các thôn, xã trong huyện Mê Linh mua trứng gà, trứng vịt. Con trai anh đưa trứng lên Hà Nội giao cho các quán ăn.

Từ khi vợ mất, anh Sang chuyển sang trông cửa hàng tạp hóa, con trai anh vừa đi gom trứng vừa mang đi giao, mỗi ngày chạy đi chạy về hàng trăm cây số.

Hôm tôi đến, thấy anh Sang đang kê ghế ngồi bất động trước cửa hàng tạp hóa. Ngôi nhà hai tầng rộng rãi nhưng cầu thang và các phòng phủ đầy bụi, giày dép vứt bừa bãi, trứng gà, trứng vịt, đồ tạp hóa để ngổn ngang. Ngôi nhà vắng bàn tay phụ nữ càng nhìn càng thấy âm u.

Giơ cánh tay trái đầy sẹo một cách khó nhọc, anh Sang thở dài: “Tay chưa cử động được nên nhà cửa không ai dọn dẹp. Con đi giao trứng cả ngày, bố ở nhà mỗi ngày ăn một bữa”.

Tháng 8 âm lịch này là giỗ đầu chị B..

“Vào cảnh ai thì mới biết là nó khổ như thế nào. Giá mà đàn ông chết đi, còn đàn bà thì nhà đỡ khổ. Đàn bà có thể vừa làm cha vừa làm mẹ, có thể nhặt nhạnh, vun vén trong gia đình - anh Sang trầm ngâm nói - Đến bây giờ vẫn không thể nào quen được rằng đã mất vợ. Đêm vẫn ngồi đây đến 1-2g sáng, bước chân lên phòng ngủ thấy trống trải, không thở được...”.

Sau phiên tòa, các chị gái của chị B. lại đến tìm anh Sang, vẫn tiếp tục trách móc anh sao không đề nghị xử nghiêm bị cáo. Các chị còn buộc anh Sang đi giám định thương tật để có thêm chứng cứ kết tội bị cáo. Anh đã phải xin các chị vì các con anh mà bỏ qua mọi chuyện.

Anh bảo vì sợ các chị làm đơn kháng cáo tăng nặng hình phạt nên tại tòa sơ thẩm, anh không dám xin giảm hình phạt cho em.

Cách nhà anh Sang một con đường ngắn là nhà chị Tuyết, vợ bị cáo. Con gái thứ hai của chị vừa tốt nghiệp THPT, đành phải gác lại giấc mơ vào đại học. Chưa xin được vào các khu công nghiệp gần nhà để làm công nhân, hằng ngày em vẫn đi phụ hồ và làm đồng giúp mẹ.

Từ khi xảy ra vụ việc, dù tình máu mủ không làm gia đình anh Sang và chị Tuyết oán hận nhau nhưng mất mát quá lớn khiến hai gia đình không thể qua lại với nhau được nữa. Chị Tuyết bảo: “Mỗi lần đi qua nhìn cảnh nhà anh Sang buồn và thương lắm nhưng biết làm thế nào”.

Còn anh Sang bảo: “Không muốn gặp mẹ con nhà nó, vì gặp nhớ lại chuyện cũ chỉ càng thấy đau lòng”. Hỏi có vào trại giam thăm em trai không, anh lắc đầu bảo: “Vào nhìn thấy nó lại càng buồn, biết nói gì với nó”.

Và như thế, hằng ngày đi ngang qua nhà anh Sang, chị Tuyết vẫn cố gắng đạp đi xe thật nhanh. Các con chị Tuyết bảo: “Giờ đi làm, đi học em toàn đi đường vòng, không dám đi qua nhà bác để thấy cảnh bác lủi thủi một mình...”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên