22/07/2015 13:33 GMT+7

Ngôi nhà sản sinh tiến sĩ

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Một đời thanh bạch với nghề dạy học, thầy Đinh Tân (1906-1999) luôn khuyên dặn con cháu trong nhà cố học thành tài dù khó khăn đến mấy.

Các thế hệ học trò mừng thọ thầy Đinh Tân (ngồi) - Ảnh tư liệu gia đình

Nếu còn tại thế, có lẽ chính ông cũng không ngờ hết thảy cháu con ông có thể đạt những thành tựu học vấn vượt cả kỳ vọng của ông.

Người dân ở làng Thanh Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn quen gọi nhà thầy Đinh Tân là “nhà tiến sĩ” và coi đó là niềm vinh dự chung của quê mình...

Làng Thanh Chiêm nằm gần bờ bắc sông Thu Bồn, ngay phía dưới quốc lộ 1. Bên đồng ruộng trũng thấp, nhà cửa cư dân dày ken, đâu cũng rợp bóng tre. Nhà thầy Đinh Tân nằm kề di tích dinh trấn Thanh Chiêm - vốn là đô lỵ thứ hai của các chúa Nguyễn, cách cảng thị Hội An chừng mươi cây số về hướng tây.

Mẹ tui luôn khuyên bảo con cái phải cố học để nối nghiệp cha. Làm thầy giáo không giàu sang được nhưng giúp đời rất nhiều
Ông ĐINH TRỌNG TUYÊN

Những tiến sĩ xuất sắc

Bước vào ngôi nhà xưa mới được gia cố và nâng nền phòng bão lũ, không khó nhận ra đây là nhà của một vị thầy khả kính bởi khắp nhà được treo những bức hoành, những bảng lưu niệm ghi ơn thầy, chúc phúc thầy của nhiều lớp học trò đối với vị giáo già.

“Nhà giờ chỉ còn vợ chồng tui với anh trai tui là Đinh Trọng Tuyên ở, vỏn vẹn chỉ ba người. Người anh cả của tui là Đinh Bá Lãm mất hồi năm 1985. Còn các con anh cả, con anh Tuyên cũng như con tui đều công tác ở xa, một số ở tận nước ngoài...” - ông Đinh Thúc Thẩm (74 tuổi, con trai út của thầy Đinh Tân, là giáo viên hưu trí) nói.

Trong nhà bày biện đơn sơ, cả gian chính để thờ tự, tiếp khách và hai gian phụ để ở không trưng treo một vật gì để khách có thể nhận biết về chuyện học hành, đỗ đạt của bất kỳ thành viên nào nơi mái nhà có đến bảy tiến sĩ, một thạc sĩ và một phụ giảng đại học này.

“Cha tui dạy con cháu phải khiêm tốn, phải coi cái gì mình có được cũng là nhờ xã hội, nhờ ơn đời. Vậy nên anh em tui rất ngại khi nói về thành tích học vấn của mình, của con cái...” - ông Đinh Trọng Tuyên tâm sự.

Nhưng cuối cùng hai anh em cũng phải thổ lộ. Vào mở chiếc tủ nhỏ đặt ở buồng trong, ông Thẩm lấy ra hai tấm bằng tiến sĩ của con gái và con trai mình.

“Cháu Đinh Bảo Ngọc (sinh năm 1977) mới lấy bằng tiến sĩ hạng tối danh dự chuyên ngành quản trị tại ĐH Grenoble, Pháp hồi tháng 2-2013. Trước đó cháu học thạc sĩ ở Québec, Canada. Nay cháu là trưởng bộ môn tài chính của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Chồng cháu là bác sĩ, đang học năm cuối chuyên khoa 2 ở Hà Nội...” - ông Thẩm giới thiệu.

Bên tấm bằng của Bảo Ngọc là văn bằng và luận án tiến sĩ của Đinh Bá Khương - con trai út của vợ chồng ông Thẩm. Khương (sinh năm 1982) hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Swinburne, Úc - nơi Khương tốt nghiệp tiến sĩ vật lý hồi năm 2012. Vợ của Khương cũng theo học tại Úc, tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế.

Theo lời ông Thẩm, khi xong công trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở Úc, Khương sẽ trở về dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Còn ông Tuyên lục ra những bằng cấp, hình ảnh của con trai duy nhất là Đinh Bá Truyền (sinh năm 1976). Không tranh được học bổng du học Pháp dù đỗ thủ khoa vào ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1993, Truyền nỗ lực học, tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành điện tử hàng không bằng chương trình song ngữ Việt - Pháp, được mời làm phụ giảng tại ĐH Tôn Đức Thắng.

Không dừng lại với vốn học có được, Truyền cùng vợ - tiến sĩ ngành xây dựng và môi trường tại Nhật Bản, cùng sang Mỹ làm việc hầu có điều kiện học tập, nghiên cứu tiếp.

Người mở đầu “sản nghiệp” tiến sĩ nơi mái nhà này chính là Đinh Trúc Nam - con đầu của ông Đinh Bá Lãm - con trai trưởng của nhà giáo Đinh Tân.

“Cháu Đinh Trúc Nam sinh năm 1964, học ĐH Bách khoa Hà Nội, sang Nga lấy bằng tiến sĩ khoa học về ngành vật lý năng lượng hạt nhân. Sau khi giữ nhiều trọng trách ở Bộ Năng lượng hạt nhân Nga, cháu sang Mỹ làm phó giám đốc Trung tâm An toàn nghiên cứu rủi ro hạt nhân thuộc Đại học California Santa Barbara, rồi dạy ở ĐH North Carolina, được bầu viện sĩ Viện hàn lâm New York...” - ông Tuyên nói và cho rằng gương học tập cần cù của “con chim đầu đàn” Đinh Trúc Nam đã khích lệ cho cả một thế hệ đàn em dưới mái nhà của ông nội mình.

“Con chú Thẩm cũng như con tui đứa nào cũng bảo phải theo bước anh Nam mà học. Em ruột của Đinh Trúc Nam là Đinh Anh Tuấn (sinh năm 1976) lấy bằng tiến sĩ về hóa học nano tại Mỹ, hiện giảng dạy tại ĐH San Francisco. Vợ cháu Nam cũng là một tiến sĩ về năng lượng” - ông Tuyên kể tiếp.

Sống theo giáo huấn

Nói về thành tựu học vấn dưới mái nhà mình, hai anh em ông Tuyên, ông Thẩm luôn nhắc đến công đức của cha mẹ.

“Mẹ tui luôn khuyên bảo con cái phải cố học để nối nghiệp cha. Làm thầy giáo không giàu sang được nhưng giúp đời rất nhiều. Cả đời mẹ tui chịu thương chịu khó lo việc nhà, việc đồng áng để cha tui lo việc dạy học. Cứ nhớ lời mẹ dặn là anh em tui cố chịu cực chịu khổ để học...” - ông Tuyên nói, mắt rưng rưng.

“Sau năm 1954, cha tui phải nghỉ dạy mấy năm, kinh tế gia đình khó lắm. Nhiều lúc anh em tui nghĩ không biết mình có đi học lại được không. Nhưng cứ nghĩ đến gương học tập của cha, nhớ lời khuyên của mẹ, anh em tui quyết phải vừa làm kiếm ăn vừa học...” - ông Thẩm nhớ lại.

Sau hơn một năm nghỉ ở nhà vừa làm ruộng vừa ôn bài, cả hai anh em ông được vào học miễn phí ở các trường trung học tư thục trong vùng nhờ trúng tuyển với điểm số cao. Xong tú tài I, ông Thẩm thi đỗ vào trường sư phạm, còn ông Tuyên đỗ vào trường cán sự y tế.

Ra trường, đi làm việc, hai anh em ông vẫn tiếp tục học thêm. Rồi cả hai anh em cùng thi đỗ tú tài toàn phần - một cấp bằng có vị trí khá lớn thời bấy giờ. Và lại cũng không bằng lòng với vốn học đang có, ông Thẩm vừa dạy vừa học thêm tại Trường ĐH Luật khoa Huế, đỗ cử nhân luật khoa cuối năm 1974.

Còn ông Tuyên chỉ mới xong năm thứ 2 ĐH Luật khoa vào năm 1974 dù đang là trưởng khoa phục hồi chức năng tại Tổng y viện Duy Tân (Đà Nẵng).

“Anh em tui thường kể với con cái về những gian nan, thiếu thốn trong chuyện học hành của mình để chúng thấy đời chúng có nhiều thuận lợi thì phải học cho tốt. Nhưng quan trọng hơn là nói về tâm nguyện của ông nội chúng với nghề dạy học, kể chuyện ông đã gian nan khổ cực để có được cái chữ dạy cho nhiều người” - ông Tuyên kể.

Cuộc sống của cư dân làng Thanh Chiêm nay khá phát đạt. Trong làng đã có một số nhà lầu. Ngôi nhà của vị thầy quá cố Đinh Tân tuy mới được con cháu sửa sang, gia cố nhưng vẫn chỉ là ngôi nhà cấp 4 đơn giản như rất nhiều ngôi nhà khác trong làng.

Ông Tuyên, ông Thẩm nói họ luôn theo lời cha giữ gìn cuộc sống bình dị trong mọi việc, trong xuất xử ở đời.

Nơi gian giữa ngôi nhà của thầy Đinh Tân có cặp liễn: “Tổ triệu tôn bồi dịch thế tùng thu ba địa khoáng / Nhơn cơ nghĩa chỉ mãn đình lan ngọc diễm thiên hương (tạm dịch: Ông xây, cháu đắp, nối đời cội tùng xanh đất rộng / Nền nhân, móng nghĩa, khắp sân lan ngọc đẹp hương đưa) của tộc họ tặng ông hồi năm 1971. Một sự tri ân, một lời chúc tụng thành hiện thực khi điểm lại “hoa trái” dưới mái nhà đơn sơ của vị thầy quá cố.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên