02/01/2015 09:57 GMT+7

Ngôi làng Ba Na của các “siêu sao”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Những siêu sao thế giới như Messi, Roberto Carlos hay thậm chí cả ca sĩ Céline Dion không còn ở xứ xa xôi nào nữa mà ta có thể bắt gặp ngay tại một ngôi làng Ba Na ở xã A Dơk (huyện Ðắk Ðoa, tỉnh Gia Lai).

Đứa bé trên tay Lữi (làng Dj Rông) được đặt tên theo danh thủ người Brazil - Ảnh: B.D.
Mình nói với bà con: “Tên Ba Na có gì xấu đâu mà bà con lại phải đặt theo tên Hàn Quốc, tên Tây, tên Tàu?”. Luật không cấm nhưng vì muốn bà con không làm mai một bản sắc văn hóa của dân tộc nên chúng tôi tìm cách tuyên truyền, vận động bà con giữ lại tên ông bà, cha mẹ mình
Chị NGUYỄN THỊ HOÀI THU 
(cán bộ tư pháp hộ tịch xã A Dơk)

Ðầu tháng 11-2014, ông bố trẻ người Ba Na Lữi ôm xấp giấy rụt rè gõ cửa UBND xã A Dơk để làm khai sinh cho con. Ở A Dơk, con cái sinh ra có khi cả nửa năm mới được cha mẹ đi làm khai sinh, vậy mà con mới lọt lòng được hai ngày đã được Lữi đi làm thủ tục. Công chức hộ tịch Nguyễn Thị Hoài Thu cầm mẫu giấy khai sinh rồi hỏi Lữi: “Mình đặt tên cho con là gì?”.

Lữi gãi đầu: “Nây Ma”. Cán bộ Thu khựng tay lại, hỏi: “Sao nghe tên lạ thế, không giống tên người Ba Na mình tí nào”.

Từ Neymar đến Roberto Carlos

Lữi ấp ủ cái tên Nây Ma ấy từ lâu rồi, dự định ngày con ra đời là đặt tên, vậy mà cán bộ xã lại chưa ưng. Ðứng loay hoay một lúc, tìm đủ lý do để giải thích nhưng cán bộ vẫn chưa chịu cái bụng cho, Lữi đành ôm giấy tờ ra về.

Cán bộ Thu nói với tôi: “Khi nghe Lữi gọi tên “Nây Ma” mình bỗng giật mình. Nghi nghi rồi nhưng không dám nói vì sợ Lữi buồn. Cố tình trì hoãn đăng ký để đi tìm hiểu cái tên đó rốt cuộc nó là cái gì.

Sau khi về đến làng, gặp những người đàn ông ở làng hỏi “Nây Ma” nghĩa là gì thì tất cả cười ha hả: Thằng đó là cầu thủ tiền đạo của đội tuyển Brazil, vừa dính chấn thương đến nỗi phải ngồi khán đài nhìn đồng đội thi đấu ở World Cup 2014 đó”.

Biết rõ ngọn ngành, Thu chạy lên báo cáo lãnh đạo xã. Chủ tịch xã A Dơk BYữi cười bảo: “Cứ để đó khi nào Lữi lên lại mình sẽ giải quyết cho cậu ấy”.

Sau lần đi đăng ký khai sinh cho “Nây Ma” không thành, Lữi ra về trong nỗi bực dọc, tưởng ông bố trẻ người Ba Na “giận” cán bộ rồi chẳng thèm đi đăng ký nữa, ai ngờ đúng 10 ngày sau Lữi quay lại xã.

Lần này không phải “Nây Ma” nữa mà Lữi đã đổi tên cho con thành một cái tên khác: Car-Los! Cán bộ Thu tiếp nhận hồ sơ, thấy cái tên ấy rồi đưa ngay cho chủ tịch xã. Vài phút sau, BYữi mời Lữi lên phòng, hai người nói gì đó mà khi đem hồ sơ xuống Lữi đã đồng ý xóa một chữ trong cái tên từ Car-Los xuống chỉ còn... Los.

Cán bộ Thu nói với tôi bằng giọng phấn chấn: “Dân muốn khai sinh cho con tên gì thì đó là quyền, luật không cấm. Nhưng chúng em thấy tiếc quá, tên Ba Na đẹp thế mà họ lại không cho con cái mang theo, bắt phải mang những cái tên lạ lẫm ở trời đất nơi đâu”.

Thu nói rằng chỉ riêng việc vận động bà con giữ tên gốc Ba Na, cán bộ đã phải tìm đủ cách, thậm chí vào cả nhà thờ tập hợp người dân để tuyên truyền.

Ôm hôn đứa con trai vừa mới hơn ba tháng tuổi, được khai sinh bằng cái tên Los, Lữi gãi đầu: “Hồi vợ mình mang thai thằng Los này cũng là lúc đang có World Cup. Mình mê thằng Neymar của Brazil quá mà. Ðá dẻo, tiếc là nó dính chấn thương rồi ngồi luôn ghế khán đài. Mình tiếc Neymar quá nên hứa là con ra đời thì lấy tên Neymar luôn”.

Lữi kể thêm khi cái tên Nây Ma không được chấp thuận thì anh lại nghĩ đến Carlos - tức Roberto Carlos, cũng là một danh thủ của Brazil.

Ra ngõ gặp “siêu sao”

Ở Dj Rông hay các ngôi làng khác như Broch 1, Broch 2 (xã A Dơk), nếu là người lạ thì rất dễ lâm vào cảnh đối diện với “siêu sao” mà không hay biết. Những cái tên như Ka Phu, Mẹt Xi hay thậm chí rất Hàn Quốc như Cha Ri, Hy Chơng... thường quần áo lủng lỗ chỗ, đi chân đất, mặt lấm lem rượt nhau đùa giỡn ở giữa đường làng. Tôi chạy xe vào tìm nhà Krứp ở làng Dj Rông thì thấy Krứp vừa đóng bao cà phê vừa gọi con trai về tắm rửa: “Mẹt Xi ơi! Xi! Mẹt Xi! Về tắm đi con”.

Thương lái mua cà phê ở nhà Krứp nghe thế liền giậm chân cười ha hả. “Mình vô đây mua hàng liên tục, nhưng cứ thấy cách người dân ở đây hưởng ứng bóng đá là không nhịn được cười. Mùa Euro hay World Cup người làng xách tivi ra dựng ở cửa nhà, tập trung hò hét cổ vũ. Sau mỗi mùa như thế, những cái tên được xướng lên trong giải đấu đó lại tiếp tục được người làng xướng lên đóng dấu vào con cái”.

Krứp ôm cậu con trai Mẹt Xi mới gần 4 tuổi của mình rồi bảo: “Mình ưng thằng Messi (Lionel Messi) quá, trận nào có nó đá mình cũng coi. Coi riết rồi mê. Mình muốn đặt tên cho một đứa con của mình nhưng vợ mình đẻ toàn con gái.

Ðến năm 2010 đứa con thứ ba ra đời và thật may mắn, nó là con trai nên mình đặt ngay là Mẹt Xi. Hi vọng sau này nó đá bóng giỏi như thế”.

Không chỉ Messi, Cafu - danh thủ bóng đá người Brazil một thời - cũng được đặt tên cho một cậu bé Ba Na mới tròn 3 tuổi ở Dj Rông. A Nhuy - cha của Ka Fu - cười hiền lành: “Thấy trong làng nhiều người đặt tên cho con đẹp quá, mà đứa nào cũng là cầu thủ nên mình cũng đặt tên cho con theo thần tượng của mình là Cafu”.

Ảnh hưởng thời đại

Ngoài việc đặt tên cho con theo danh thủ bóng đá, thời điểm những năm 2010-2012 cán bộ hộ tịch xã A Dơk cũng lắm phen vò đầu bứt tóc vì phải đọc những cái tên nửa Hàn nửa Việt như Hy Chơng, San U, Cha Ri. Có những gia đình có tới bảy tám người con đều đặt theo tên diễn viên trong các phim Hàn Quốc.

Ông Khưnh - thôn Broch 1 - nói thời điểm đó dân làng kiếm ra tiền, cao su đang giá cao nên người dân mua sắm tivi đồng loạt. Không chỉ tivi, các thiết bị thu tín hiệu như chảo, đầu thu... cũng được bà con mua về.

Kênh phim đa dạng, phụ nữ trong làng coi phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc nhiều đến nỗi ngồi đâu cũng kể chuyện phim rồi khóc thút thít. Những cái tên Hàn Quốc dành cho những công dân mới của làng cũng xuất phát từ đó.

 

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên