Căn nhà nhỏ như cái chòi là nơi tá túc của 5 người trong gia đình chị Nguyễn Hồng Ngà - Ảnh: A.V.
Con lớn chút tui cũng đi mần cỏ mướn nhưng giờ công việc hiếm hoi quá. Một bữa mần năm bảy bữa nghỉ. Ổng mà thất bát công việc ít hôm là coi như phải đi mượn gạo khắp xóm
Chị NGUYỄN HỒNG NGÀ
Đó thường là những căn nhà xập xệ, xiêu vẹo mà những phận người trong đó chật vật từng bữa cơm qua ngày. Họ mơ về những ngôi nhà vững chãi, những giấc mơ họ tự thấy xa xỉ và xa vời.
Đeo đẳng những kiếp nghèo
Xã Hưng Thạnh một trong ba xã nằm ở phía Bắc An Phong cách trung tâm huyện Tháp Mười 25km. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, mà nghề nông ở đây vẫn còn như câu nói "Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm".
Mùa vụ trúng hay thất phần nhiều còn trông vào thời tiết mà "ông trời" ban xuống. Thế nên mùa nào trúng thì sung túc được ba tháng, thất thì lại đợi và mong vụ mùa tiếp theo.
Sự trông mong do thiếu trình độ sản xuất, phương tiện sản xuất chưa hiện đại đã neo nhiều phận người, nhiều gia đình trong cảnh bấp bênh, bữa đói bữa no. Hiện nay xã còn 81 hộ nghèo chiếm 3,74% và hộ cân nghèo chiếm 6,7% tổng dân số.
Đó cũng là hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Hồng Ngà, với ngôi nhà ven kênh 14 cất nương theo đám tràm. Căn nhà chẳng khác nhà chòi, mưa dột tứ bề, lũ về còn phải bì bõm trong nước.
Nhà nghèo còn gặp cái eo với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, trong khi chị Ngà buộc phải ở nhà trông con cho chồng đi làm thuê cuốc mướn qua ngày.
Chị Ngà kể trước đó cha mẹ hai bên cũng có ít công đất sản xuất, nhưng đến đời chị đất đai bán lần bán hồi, chỉ còn nền nhà giáp bờ kênh tá túc.
Gương mặt khắc khổ, buồn thiu của ông Thanh Minh khi tuổi già chưa có mái nhà lành lặn, các con thì phải "tha hương cầu thực" - Ảnh: A.V.
Ngôi nhà tạm bợ nên vợ chồng anh Cà Rim thường xuyên ôm các con tháo chạy qua nhà cha mẹ ruột lúc giông gió - Ảnh: A.M.
Cuộc đời "số ngày buồn nhiều hơn ngày vui" là chia sẻ ngậm ngùi của ông Lê Thanh Minh, 67 tuổi. Ông có đến 5 người con nhưng quá nửa đã lên Bình Dương làm công nhân tha hương. Vợ chồng ông đều ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng phải quần quật lao động kiếm sống mỗi ngày.
Lúc trước quán ăn nhỏ của ông Minh còn có khách, có đồng ra đồng vào mỗi bữa. Nhưng mấy năm nay buôn bán ế ẩm, hai vợ chồng già cũng không thiết tha bán buôn. Thêm chứng bệnh thấp khớp của vợ hành hạ, thuốc thang triền miên, đã không có dư lại thêm lâm nợ.
"Căn nhà có cột kèo gì đâu. Mượn hai vách nhà hai bên rồi căng tấm bạt nhựa ở đỡ. Bao nhiêu năm rồi, không có dư mà còn thiếu thì sao dám nghĩ đến chuyện cất nhà. Mà vay hỏi nữa thì… ", ông Minh bỏ dở câu nói chua xót nhìn mái nhà sắp sập.
Nếu nhà ông Minh sắp sập thì nhà của anh Âu Văn Cà Rim đã sập thật. Đó là mái nhà đầu tiên của vợ chồng trẻ mới ra riêng nằm ven kênh đường Thét. Vợ anh Rim vẫn còn rùng mình nhớ lại khoảnh khắc lúc nhà bị sập, hai vợ chồng phải nháo nhào ôm con thoát thân.
Tài sản trong nhà cũng chẳng gì quý giá nên anh chị cũng chẳng tiếc. Riêng căn nhà che nắng che mưa nay không còn, phải xoay sở để cất nhà khác thì thực sự vượt quá khả năng.
Ước mơ được đáp lời
Anh chị Đồng Văn Hởi hồ hởi với ngôi nhà mới xây. Ước mơ cứ ngỡ là mơ ước nay đã trở thành sự thật với đôi vợ chồng trẻ - Ảnh: A.V.
Hình ảnh những mái nhà xiêu vẹo, phận người hẩm hiu không biết ngày mai ở xã Hưng Thạnh đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dự án "Ngôi làng bền vững".
Đây là là sáng kiến của Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) với tư duy của một nhà phát triển cộng đồng luôn hướng tới việc mang đến những giá trị thực, những cách tiếp cận sáng tạo và sự phát triển bền vững cho cộng đồng.
Giải pháp mà SonKim Land hướng đến là giải quyết vấn đề từ gốc, là từ yếu tố con người như giúp nâng cao trình độ của người dân. Từ đó, giấc có một nơi ở "an cư" để "lạc nghiệp" của người dân sẽ thành sự thật.
Thêm vào đó dự án giúp cho người dân từ một người sống luôn bị động chỉ biết sống hôm nay và không có đủ khả năng lo cho ngày mai sẽ có thể đứng vững hơn trên đôi chân - có sinh kế bền vững, cũng như có nhận thức tốt về phòng chống thiên tai.
Không còn sợ "bay nhà" khi giông gió kéo qua vì giờ đây chị Võ Thị Kim Ngoan đã có ngôi nhà vững chắc - Ảnh: A.V.
Dự án dự kiến kéo dài 3 năm, giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 9-2020 với tổng kinh phí hơn 51.000 USD. Trong đó 26 hộ sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hoặc xây nhà vệ sinh.
Ngoài ra, 26 hộ dân và 10 đại diện chính quyền địa phương sẽ được tham dự tập huấn về quản lý tài chính, phòng chống thiên tai và vệ sinh nước sạch.
"Ngôi làng bền vững" chính là viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho những hoạt động phát triển cộng đồng bền vững theo chiến lược mới của SonKim Land. Sau khai đoạn 1, dự án sẽ được đánh giá để xác định hoạt động tiếp theo phù hợp cho các giai đoạn sau.
Bên cạnh đó, SonKim Land đang lập kế hoạch hỗ trợ những mảng khác như chống biến đổi khí hậu hay hỗ trợ trẻ em trong tương lai.
Nụ cười đã xuất hiện trên gương mặt ông Thanh Minh trong ngày ngôi nhà mới hoàn thành - Ảnh: A.V.
Dự án "Ngôi làng bền vững" tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp là một trong những dự án đang được nhà tài trợ và phát triển cộng đồng SonKim Land phối hợp chính quyền xã Hưng Thạnh, tổ chức NGO - Habitat và hộ dân được hưởng lợi cùng góp sức để thực hiện mong muốn có cuộc sống bền vững.
Bà Vũ Thụy Vy - giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư và dịch vụ doanh nghiệp SonKim Land - chia sẻ: "Cũng như chiến lược phát triển kinh doanh của SonKim Land luôn khác biệt, chúng tôi chọn cách tiếp cận khác biệt trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng.
Mô hình "Ngôi làng bền vững" này là sáng kiến của SonKim Land với mục tiêu không chỉ tài trợ về cơ sở vật chất mà còn nâng cao năng lực cộng đồng để người dân có thể tự vượt qua khó khăn và vươn lên phát triển bền vững.
Chúng tôi mong muốn triển khai mô hình thành công để từ đó trở thành mô hình kiểu mẫu được nhân rộng ở nhiều địa phương khác".
Đón đọc kỳ tiếp theo trên Tuổi Trẻ Online
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận