Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên tư lệnh Quân khu 4) bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như vậy.
Phóng to |
Nhiều bạn đọc đã chung tay lo cho biên giới. Trong ảnh: diễn viên Hiền Mai đóng góp 10 triệu đồng hưởng ứng chương trình “Tháng 3 biên giới” - Ảnh: T.Đạm |
"Bao nhiêu xương máu của đồng bào thì đất nước mới có ngày hôm nay, nếu những kẻ tham nhũng đến đứng ở nghĩa trang liệt sĩ hay là đến những vùng biên viễn để thấy cuộc sống của người dân hôm nay còn nhiều vất vả, tôi thật sự không biết họ nghĩ gì" NGUYỄN QUỐC THƯỚC |
* Chắc vì biết ông là một vị tướng, một nhà quân sự đã kinh qua nhiều chiến trường nên nhiều người muốn lắng nghe suy nghĩ của ông để hiểu thêm về lịch sử?
- Tôi luôn nói với mọi người rằng sự thật lịch sử đó là một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc. Chúng ta phải nhìn lịch sử đúng như nó diễn ra, không im lặng cũng không nói quá lên.
Sự thật ở đây và cũng là bài học cho hôm nay và mai sau là chúng ta có chính nghĩa, cần phải công khai chính nghĩa của mình để trước hết nhận được sự đồng thuận của nhân dân cũng như sự ủng hộ của quốc tế. Có được lòng dân và quốc tế ủng hộ thì chúng ta không sợ bất cứ thế lực nào.
Thấy tôi bức xúc trước một số vấn đề thời sự của đất nước, có người nói với tôi rằng các vị về hưu rồi thì nói mạnh làm gì? Tôi không nghĩ như vậy. Những đồng đội của chúng tôi đã hi sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh để đất nước có ngày hôm nay, chúng tôi phải có trách nhiệm với đồng đội, ngồi im sao được. Không phải tuổi già rồi thì không còn lợi ích gì nữa, mà còn lợi ích rất lớn là lợi ích của Tổ quốc.
Vừa rồi tôi về quê ở Nghệ An, đúng dịp tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Mai Hắc Đế, tôi rất hoan nghênh việc này, chúng ta ôn lại lịch sử là để thấy hào khí bất khuất của dân tộc đã được hun đúc qua hàng nghìn năm nay.
Phóng to |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Ảnh: V.V.Thành |
* Từ trải nghiệm đời binh nghiệp của mình, theo ông, chiến lược xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia trong bối cảnh hiện nay cần chú ý đến những yếu tố nào?
- Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống của người dân ở vùng biên giới. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đúng đắn quan tâm đầu tư đồng bộ cho khu vực biên giới, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nhìn chung địa bàn biên giới vẫn là khu vực chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Những ai lên biên giới hôm nay đều thấy rõ điều đó. Thậm chí nhìn sang bên kia biên giới, chúng ta thấy nhiều nơi dân cư rất sầm uất.
Cha ông ta đã dạy là “trong ấm, ngoài êm”. Trong xu thế hội nhập hiện nay, chúng ta không thể đóng cửa biên giới mà ngược lại phải ngày càng hội nhập sâu rộng hơn. Với xu thế đó, muốn giữ êm vùng phên giậu của Tổ quốc thì phải nâng cao hơn nữa đời sống của bà con về mọi mặt. Có biên giới vững chắc, vừa chống lực lượng xâm lấn nội địa vừa chống buôn lậu, ma túy... để nội địa an toàn hơn. Tương tự như vậy với biên giới trên biển, Nhà nước phải tiếp tục đầu tư cho bà con ngư dân. Núi rừng của ta, biển trời của ta thì phải có dân ta sinh sống và thường xuyên có các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm cơ sở để xây dựng thế trận lòng dân. Khi đời sống của bà con ở khu vực biên giới ngày càng tốt hơn, khối đại đoàn kết được củng cố vững chắc hơn, chúng ta sẽ loại trừ được những yếu tố phức tạp có thể dẫn đến mất ổn định cục bộ.
Thứ ba, chăm lo xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đẩy mạnh việc xây dựng và phát huy tác dụng của tuyến đường tuần tra biên giới chiến lược.
Thứ tư, quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lịch sử của đất nước, trong đó có lịch sử đầy đủ của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhân đây, tôi rất hoan nghênh chương trình “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ.
* Ông tiếp nhận thông tin về chương trình “Tháng 3 biên giới” như thế nào?
- Từ sự quan tâm đến thông tin trên báo chí chính thống về cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979, tôi được biết báo Tuổi Trẻ đã triển khai chương trình này và bước đầu nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của đông đảo bạn đọc. Tôi nghĩ những việc như xây trường học cho trẻ em vùng biên ải, tặng nhà cho một số cựu binh của cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 đang gặp khó khăn... không đơn thuần có ý nghĩa về vật chất mà sự lan tỏa về tinh thần trong cộng đồng còn lớn hơn nhiều.
“Tháng 3 biên giới” là một việc làm cụ thể, và nếu mỗi người trong hàng triệu người dân Việt Nam đều có một việc làm cụ thể để gắng sức dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, tôi hết sức tin tưởng rằng biên cương của nước Việt sẽ mãi vững chắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận