29/11/2012 08:04 GMT+7

"Ngoại giao tai trâu" chỉ chống lại Trung Quốc

MỸ LOAN - CẢNH TOÀN
MỸ LOAN - CẢNH TOÀN

TT - Hộ chiếu đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc tiếp tục là mục tiêu chỉ trích, không chỉ từ dư luận quốc tế mà từ chính các học giả Trung Quốc.

Theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland vừa xác nhận Washington sẽ “nói chuyện” với Trung Quốc về vụ hộ chiếu đường lưỡi bò. “Chúng tôi lo ngại về bản đồ này, nó đang gây căng thẳng và khiến các nước ở Đông Nam Á lo ngại - bà Nuland tuyên bố - Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra nói chuyện với người Trung Quốc”.

Bà Nuland nhấn mạnh hộ chiếu đường lưỡi bò “không có ích lợi gì đối với môi trường mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm để giải quyết vấn đề (tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông)”. Bà cũng nhẹ nhàng châm chích: “Việc thực hiện các phương án gây phương hại các quốc gia khác có thật sự thông minh hay có hiệu quả về mặt chính trị hay không lại là một vấn đề khác”.

Có thể biến biển Đông thành Palestine khác

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng vừa lên tiếng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ có thể biến biển Đông thành một “Palestine ở châu Á”. Báo Financial Times dẫn lời ông Pitsuwan nhấn mạnh tình hình ở biển Đông đang ngày càng xấu đi là do “chính trị nội bộ” của Trung Quốc sau khi thay đổi lãnh đạo và kinh tế, quân sự ngày càng mạnh.

Ông Pitsuwan cho rằng hi vọng lớn nhất để tránh xung đột trên biển Đông là ASEAN và Trung Quốc cần đạt được thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Nó sẽ giúp ngăn chặn các nước cố tình tìm cách chiếm đảo, giếng dầu, khu vực đánh cá trên biển Đông để khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp.

Đáng chú ý là nhiều học giả Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối hộ chiếu đường lưỡi bò. “Tôi không biết tại sao Chính phủ Trung Quốc lại quyết định làm chuyện này. Nó không thể giải quyết bất cứ tranh chấp nào với những nước xung quanh. Đương nhiên các nước khác phải phản ứng” - giáo sư Ngưu Quân thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh nhận định.

Báo Christian Science Monitor (Mỹ) cũng dẫn lời một số học giả khác giấu tên nhận định nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng những tuyên bố chủ quyền được giấu tinh vi và những đe dọa được che đậy khéo léo của họ sẽ dọa được các nước láng giềng thì quả thật Bắc Kinh đang hiểu sai về môi trường chính trị khu vực. Chính sách “ngoại giao tai trâu” của họ chỉ khuyến khích các nước Đông Nam Á đứng về một phía và chống lại Trung Quốc.

Trước đó, Thời Báo Hoàn Cầu cho biết nhiều người dân Trung Quốc đã công khai phàn nàn rằng hộ chiếu mới gây trở ngại cho việc đi lại của họ. AFP cho biết ngày 28-11, Cục Xuất nhập cảnh Philippines bắt đầu từ chối đóng dấu thị thực vào cuốn hộ chiếu đường lưỡi bò và Philippines đóng dấu thị thực rời cho công dân Trung Quốc khi nhập cảnh vào nước này.

Ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm ở Đông Nam Á

Giới quan sát nhận định ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã suy yếu và Trung Quốc sẽ phải rất khó khăn để tìm lại sự thân thiện một thời trên con đường Đông Nam Á đầy gập ghềnh.

Đã có nhiều chuyển biến đáng kể diễn ra tại khu vực này như việc Mỹ dồn dập tăng cường hiện diện, Myanmar tách dần khỏi sự phụ thuộc với Trung Quốc, quan hệ một số nước bị ảnh hưởng do tranh chấp trên biển Đông... Theo AP, ảnh hưởng của Trung Quốc đã bị xói mòn dần từ năm 2010 khi nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, liên tục thể hiện bàn tay cứng rắn khiến các nước liên quan như VN, Philippines, Brunei, Malaysia lo ngại...

Từ đó đến nay, căng thẳng cứ tăng lên khi Bắc Kinh đưa tàu tuần tra đến các quần đảo tranh chấp, thậm chí gây hấn suốt mùa hè vừa qua với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Trung Quốc còn mở rộng xung đột đến một trận địa khác xa hơn là khu vực biển Hoa Đông và gây căng thẳng với Nhật Bản. Tất cả những hành động này càng làm tăng thêm lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Mới đây, Trung Quốc lại đưa đường lưỡi bò vào hộ chiếu và gây căng thẳng mới khiến các nước như VN, Philippines, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan phản ứng.

Giới ngoại giao phương Tây cho rằng thái độ hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc đã khiến một số quốc gia trong khu vực buộc phải quay sang tăng cường quan hệ với Mỹ. “Rất nhiều nước tiến tới chiến thuật phản kiềm chế mà Bắc Kinh không mong muốn” - ông Michael Green, cựu chuyên viên châu Á trong Hội đồng an ninh quốc gia thời tổng thống Mỹ George W.Bush, nhận xét. Đây là một sự đảo chiều so với những gì Bắc Kinh từng tận hưởng trong thập niên qua khi dụ dỗ Đông Nam Á bằng tăng trưởng thương mại - đầu tư cùng một thị trường khổng lồ.

Việc xây dựng chính sách đối ngoại với Đông Nam Á như thế nào đang là câu hỏi hiện tại của Bắc Kinh. Theo Reuters, “Bắc Kinh dùng vị thế và đồng tiền của mình để tìm kiếm những người bạn”. Nhưng theo giáo sư khoa chính trị và quan hệ quốc tế Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton (Mỹ), nền kinh tế Trung Quốc “vẫn duy trì sức hút, nhưng nụ cười đã tắt dần”.

MỸ LOAN - CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên