![]() |
Đạo diễn Ngô Quang Hải (trái) và nhà quay phim người Úc Cordelia Beresford trong khi làm phim Chuyện của Pao |
Nhưng tại sao Chuyện của Pao, bộ phim đầu tay mà anh đạo diễn, lại gieo vào lòng người xem cái cảm giác trầm lắng, chậm rãi và dịu dàng rất nữ tính với một câu chuyện được kể tự nhiên và liền mạch, không bày ra nhiều tình huống và thủ pháp điện ảnh nhưng ít nhiều dồn nén rồi tràn ngập cảm xúc và thăng hoa vào phút chót như thế nhỉ?
1. Đúng là trước khi xem phim, tôi ít nhiều nghi ngờ khả năng đạo diễn của Hải. Trong suy nghĩ đôi khi hơi bị “định kiến” của mình, tôi luôn nghĩ đạo diễn điện ảnh phải là những người có “nội công thâm hậu” nhưng lại giữ một vẻ phớt tỉnh và lạnh lùng bên ngoài, kiểu “kiêu hãnh và cực đoan” của Trần Anh Hùng chẳng hạn, hay giản dị và kiệm lời nhưng rất mực thước như Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Tôi không có ý so sánh Ngô Quang Hải với những đạo diễn “Tây học” nói trên, nhưng không mấy tin tưởng khả năng của Hải, nhất là kiểu qua một vài cuộc đối thoại, là đã có thể biết Hải đang làm gì, đang có dự án gì, đã xem những phim “kinh điển” nào, đã mê những bậc thầy đạo diễn phương Tây nào...
Cho đến khi xem Chuyện của Pao, để câu chuyện phim giản dị và thuần khiết này lôi kéo mình đi trong nhiều cảm giác, từ sự nghi ngờ ban đầu khi đã quá 1/3 mà chuyện phim vẫn có cảm giác hơi vụng và thật thà (để nhân vật dẫn chuyện kể lể bằng lời hơi nhiều), quá nữa phim vẫn chưa biết đạo diễn định nói gì, thậm chí hơi rối, nhưng chỉ cần 30 phút cuối, bộ phim chín dần về cảm xúc và thực sự “nâng tầm” với đoạn kết chốt lại một cách trọn vẹn. Và bao nhiêu điều khó chịu trước đó tự nhiên bay biến khỏi cảm giác của mình một cách nhanh chóng.
![]() |
Cảnh trong phim Chuyện của Pao - Ảnh: Ngô Quang Hải |
Và vì thế, theo tôi - là lí do để nhiều người bỏ phiếu cho Chuyện của Pao cho giải Phim hay nhất, dù Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên đoạt những giải cá nhân quan trọng hơn như biên kịch hay đạo diễn. Phim của Chuyên hay, không phủ nhận, nhưng có lẽ do anh đã đem đến cho người xem cảm giác “sợ hãi” dàn trải từ đầu đến cuối với nhiều thủ pháp khá mạnh và sốc, nhưng cái kết lại khá hiền hòa. Trong khi Chuyện của Pao, sự thăng hoa chỉ đến từ đoạn kết. Và tâm lý của người xem, dù là giới chuyên môn hay khán giả đại chúng, luôn thích hơn ấn tượng của “phút thứ 90”.
Chuyện của Pao do chính Quang Hải viết kịch bản từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá giàu chất văn chương của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Và trước khi làm phim, vợ chồng Quang Hải - Hải Yến đã “nằm vùng” cả năm trời trên vùng núi rừng đất Bắc. Họ thực sự “ba cùng”, ăn cùng, ở cùng, ngủ cùng đồng bào người Mông. Hải Yến thường dậy từ 4g sáng, gùi cũi xuống chợ bán rồi đi cắt cỏ, cho ngựa ăn, tập nói tiếng Mông. Quang Hải thì theo chân một cô bé 14 tuổi người Mông suốt cả tháng trời, vào nhà cô bé ở thung sâu, đi theo cô ra chợ, ẩn vào một góc để quan sát để tìm một nguyên mẫu mang hơi hướng của Pao ngoài đời... Chịu khó “thực tế” như thế, chỉ để câu chuyện mà họ đưa vào phim phim không bị áp đặt, không đẩy nhân vật vào bối cảnh đấy một cách vô cảm và vô tâm.
Sự nghiêm túc và yêu nghề của họ làm cho không khí và tinh thần của bộ phim rất tự nhiên, chân thật chứ hoàn toàn không phải “phim du lịch” như ai đó đã nhận xét. Cũng như lâu nay, với người thành phố, nghĩ đến Sa Pa, đến vùng núi Tây Bắc là hiện lên trước mắt họ những buổi họp chợ rực rỡ sắc màu, những phiên chợ tình của các đôi trai gái hò hẹn, những tiếng đàn môi, khèn lá... mà ít ai thực sự nghĩ đời sống nội tâm của họ như thế nào, cuộc sống gia đình, các thế hệ của họ tiếp nối ra sao...
Và với bộ phim đầu tay này, Hải đã ít nhiều làm được điều đó. Anh thú nhận là do ảnh hưởng từ người thầy của anh, đạo diễn Phillip Noyce (Người Mỹ trầm lặng): “Mỗi bộ phim đều phải có hiện thực đời sống. Mỗi cảnh quay đều phải tạo được sự liền mạch và chiều sâu khuôn hình. Và người đạo diễn phải tập tư duy một cách có hệ thống chứ không phải sự manh mún và rời rạc...”
Chuyện của Pao đem đến cho người xem một câu chuyện có nội tâm, có chiều sâu văn hóa với hành trình đi tìm người mẹ ruột của Pao. Thông qua chuyến đi nhiều trắc trở này, cô trở về với hồi ức của gia đình mình - để rồi sau đó, cô trưởng thành và bao dung hơn khi phám phá ra bí mật của hai người mẹ. Một đạo diễn đàn anh đã nhận xét bộ phim này là hành trình về sự vượt thoát khỏi hàng rào đá và ô cửa sổ của một cô gái trẻ người Mông.
Quang Hải cũng tỏ ra rất tinh tế khi xử lý về hành trình phát triển tâm lý rất lôgíc của Pao, về sự hòa trộn khá phức tạp cảm xúc tâm lý đầu đời của cô với chàng trai thổi đàn môi sau bờ rào đá và cảm xúc khi khám phá ra những sự thật của gia đình mình. Đỗ Hải Yến, thoạt xem có vẻ diễn hơi cứng và phô nhưng nghĩ kỹ thì cô diễn khá tốt và tinh tế sự hé mở và đan xen hai luồng cảm xúc này.
Thêm nữa, những khuôn hình cận cảnh về Yến, qua góc quay chăm chút và âu yếm của tay máy nữ người Úc Cordelia Beresford đẹp một cách rạng rỡ và thuần khiết, đối lập với tone màu ảm đạm và trầm buồn suốt cả bộ phim. Sau Phượng của Người Mỹ trầm lặng, qua góc máy tài hoa của gã phù thủy Christopher Doyle, Đỗ Hải Yến một lần nữa lại có dịp phô diễn vẻ đẹp tươi sáng của mình. Hình ảnh của Pao vừa chạy vừa thổn thức trên cánh đồng hoa cải vàng, đẹp không thua gì một khuôn hình của Chương Tử Di trong bộ phim Đường về nhà - là một trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp của bộ phim, thực sự đọng lại.
Câu Tagline (chủ đề) của bộ phim là “Ai cũng có những bí mật... Bí mật đó theo bạn suốt cuộc đời”. Tôi thì thích một câu khác hơn, ở đoạn kết chốt lại bộ phim “Ai cũng phải sống cho đến hết cõi đời nhiều gian truân hơn niềm vui dưới ánh mặt trời này”...
2. Hải nói đùa, mình thuộc loại “giang hồ không số” vì đến bây giờ anh vẫn không thuộc một hãng phim nào, không là thành viên của Hội Điện ảnh, không “ăn” hợp đồng ở đâu dù đã là người của điện ảnh hơn 15 năm nay. Chuyện của Pao chỉ là dự án “trúng thầu” được đầu tư 100% của Cục Điện ảnh và được một công ty tư nhân đầu tư phần hậu kỳ. Suốt hơn 15 năm hoạt động điện ảnh, Hải đã từng lang bạt vào Nam, ra Bắc, từng thử một vài nghề khác, nhưng điện ảnh vẫn níu chân.
Với nhiều bộ phim mà Hải xuất hiện với tư cách diễn viên, đa số là phim tử tế vì anh thuộc loại “kép đẹp” khá hiếm hoi được các đạo diễn quốc tế hoặc Việt kiều chọn lựa khi họ thực hiện dự án tại Việt Nam. Một vai nhỏ trong Đông Dương của Régis Wargnier, một vai trong phim ngắn Bông sen vàng của Tony Bùi, một vai chính khá hay trong Con tàu bị đánh đắm của Hai Nhất mà nhiều người bị lãng quên, một vai thứ trong Cỏ lau của Vương Đức, đặc biệt là hai vai hoàn toàn khác tone trong Xích lô và Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng và một vai phụ hơi bị phô trong Người Mỹ trầm lặng của Phillip Noyce.
Chưa một vai nào thực sự đáng nhớ ngoài vai diễn mà như không trong Mùa hè chiều thẳng đứng, nhưng Hải có một may mắn khác, đó là được sống và làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp và những tài năng tầm cỡ quốc tế như thế. Chính điều đó kích thích niềm đam mê làm đạo diễn từ lâu mà Hải không có cơ hội thực hiện vì khi anh thi vào trường điện ảnh không có khóa đạo diễn.
Bộ phim đầu tiên khiến Hải khóc khi xem và quyết định đi theo con đường điện ảnh là Hai người trong thành phố (Two Men in Town), một phim hình sự bi của đạo diễn Pháp José Giovanni do Jean Gabin và Alain Delon đóng chính. Và sau này khi được sống trong môi trường điện ảnh, xem hàng trăm bộ phim kinh điển của các bậc thầy khắp thế giới mà trong đó có nhiều người Hải rất thần tượng như Akira Kurosawa, Orson Welles, Anthony Mighella, Martin Scorsese, Quentin Tarantino... có cơ hội được tiếp cận với Oliver Stone (năm 1992 khi ông sang TP HCM để thương lượng làm phim Nỗi buồn chiến tranh từ tiểu thuyết cùng tên của Bảo Ninh), Regis Wargnier (Đông Dương), Sydney Pollack (Xa mãi Phi châu, Thông dịch viên), Phillip Noyce (Người Mỹ trầm lặng), Trần Anh Hùng... niềm đam mê được đứng sau máy quay một lần nữa lại thôi thúc Hải mãnh liệt.
Sau thất bại đầu tay hơi cay đắng khi dự án Chuyện tình kể trong đêm mưa (từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp) do bất đồng về quan điểm với một hãng phim tư nhân nên đành phải bỏ ngang khi đang chuẩn bị dàn dựng, Hải mất thêm hai năm nữa để hoàn thành Chuyện của Pao trong lặng lẽ và bất ngờ được Cục Điện ảnh tài trợ kinh phí để thực hiện.
Và chiến thắng tại giải thưởng Hội điện ảnh vừa qua với bộ phim đầu tay mà Hải dành quá nhiều tâm huyết này là một khích lệ lớn lao cho anh và đoàn làm phim, dù còn phải đợi nó được khẳng định khi đến rộng hơn với khán giả hay chu du qua nhiều LHP Quốc tế khác.
Nhưng ngay từ bây giờ, Quang Hải đã có trong tay một kịch bản khác đã hoàn thành được một Hãng phim tư nhân mới thành lập đầu tư 100% kinh phí. Phim có tên là Kiên, dựa theo một câu chuyện thật từ người bạn của anh thời thơ ấu sẽ được khởi quay vào tháng 6 tới. Chính vì thế, Hải đã tạm gác một học bổng đào tạo về đạo diễn tại Mỹ để hết mình cho dự án thứ hai của sự nghiệp đứng sau máy quay này.
Và trong cái đầu và quả tim đều rất nóng của kẻ “giang hồ không số” với cường độ lao động khủng khiếp (một ngày 14 - 16 giờ dành cho phim ảnh) và thường “nổ tanh tách” (theo lời khổ chủ) vì các ý tưởng này, vẫn còn rất nhiều dự án khác tiếp tục được nối đuôi. Hạnh phúc hơn là bên cạnh và đằng sau Hải luôn có một người đồng nghiệp đồng cảm với niềm đam mê của anh và một người đàn bà đẹp có thể chia sẻ mọi chuyện trong đời sống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận