03/10/2013 09:00 GMT+7

Ngõ hẹp xét tuyển nguyện vọng 3

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

AT - Sau khi xét tuyển bổ sung đợt 1 (nguyện vọng 2), nhiều trường ĐH đang xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 (nguyện vọng 3). Tuy nhiên, chỉ tiêu các trường không nhiều, sự cạnh tranh sẽ hết sức cam go.

37h4JqIT.jpgPhóng to
Thí sinh trao đổi sau giờ thi ĐH năm 2013

Sau khi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 một thời gian, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) bất ngờ thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung 100 chỉ tiêu cho năm ngành đào tạo. Trong đó, điểm xét tuyển các ngành đều rất cao (môn toán hệ số 2). Ngành kinh tế học, kiểm toán, hệ thống thông tin quản lý, luật thương mại quốc tế và luật tài chính ngân hàng - chứng khoán, mỗi ngành tuyển bổ sung 20 chỉ tiêu với điểm sàn xét tuyển 24 - 29 điểm, tùy ngành.

Trường công: chỉ tiêu ít ỏi

Rộng cửa vào CĐ

Trong khi chỉ tiêu vào các trường ĐH công lập khá ít ỏi thì các trường CĐ công lập lại còn khá nhiều chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Trong đó, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM xét tuyển đến 1.480 chỉ tiêu với điểm sàn xét tuyển chỉ bằng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT. Trường CĐ Tài chính hải quan cũng xét tuyển bổ sung cho bốn ngành đào tạo. Các trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Giao thông vận tải 3, CĐ Giao thông vận tải TP.HCM... đều thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.

Tương tự, Trường ĐH Luật TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung 20 chỉ tiêu ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý) với điểm sàn xét tuyển 19,5 - 20 điểm tùy theo khối. Tại Học viện Hàng không VN, ngành quản trị kinh doanh có số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 chưa đủ chỉ tiêu nên trường đã thông báo xét tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu với điểm sàn xét tuyển 18,5 cho tất cả các khối. Một trường ĐH công lập khác không xét tuyển bổ sung từ đầu nhưng sau đó phải xét tuyển do số thí sinh nhập học chưa đủ chỉ tiêu là ĐH Đà Lạt.

Tại ĐH này, rất nhiều ngành phải xét tuyển bổ sung, tuy nhiên chỉ tiêu không nhiều. Đa số ngành đều có điểm sàn xét tuyển 13,5 - 16 điểm. Các ngành xét tuyển có từ 15 đến 30 chỉ tiêu, phân bổ ở hầu hết lĩnh vực như các ngành xã hội, khoa học cơ bản, nông nghiệp, kinh tế, kỹ thuật. Cũng vì lý do thí sinh nhập học chưa đủ chỉ tiêu nên một số trường thành viên của ĐH Huế như Khoa du lịch, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Khoa học phải thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho một số ngành với điểm sàn xét tuyển bằng điểm chuẩn nguyện vọng 1, mỗi ngành có vài chục chỉ tiêu.

Một trường ĐH khác cũng bất ngờ thông báo xét tuyển bổ sung là ĐH Tây Nguyên. ĐH này xét tuyển bổ sung năm ngành, trong đó có ba ngành sư phạm. Điểm sàn xét tuyển dao động 13 - 21,5 điểm. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 cho các ngành sư phạm tiếng Pháp và ngành ngôn ngữ tiếng Pháp. Điểm sàn xét tuyển 20 nhưng hai ngành chỉ có 70 chỉ tiêu. Trường ĐH Đồng Tháp tuy xét tuyển bổ sung đợt 2 nhưng chỉ xét cho các ngành bậc CĐ với chỉ tiêu rất khiêm tốn như sư phạm tin học 30 chỉ tiêu, sư phạm vật lý 15 chỉ tiêu, sư phạm sinh học 15 chỉ tiêu, sư phạm ngữ văn 15 chỉ tiêu, sư phạm lịch sử 30 chỉ tiêu, sư phạm địa lý 15 chỉ tiêu và tin học ứng dụng 30 chỉ tiêu.

Trong khi đó, Trường ĐH Phú Yên tuy xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 nhưng mỗi ngành chỉ có 4 - 6 chỉ tiêu nên thí sinh chắc chắn sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt. Tại Trường ĐH Tiền Giang, chỉ tiêu còn tương đối nhiều, từ 30 - 50 chỉ tiêu/ngành. Điểm đáng lưu ý là trường áp dụng chính sách hạ điểm sàn 1 điểm cho thí sinh các tỉnh khu vực ĐBSCL nên cơ hội cho thí sinh sẽ nhiều hơn. Như vậy, đa số ngành của trường có điểm sàn xét tuyển bậc ĐH là 12 và CĐ là 9. Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH An Giang cũng tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.

Như vậy, số lượng trường ĐH xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 không nhiều. Hơn nữa, chỉ tiêu mỗi ngành rất ít nên để có một chỗ trong giảng đường ĐH, thí sinh phải hết sức cân nhắc. Với chỉ tiêu như vậy, điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung đợt 2 của các trường nhiều khả năng sẽ biến động rất mạnh so với điểm sàn xét tuyển. Ngay cả khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, điểm chuẩn nhiều trường ĐH công lập cũng tăng từ 3 đến 6 điểm, tùy ngành. Rất nhiều ngành có điểm chuẩn từ 20 trở lên nên số thí sinh này sẽ là đối thủ cạnh tranh rất đáng lưu tâm khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.

Trường tư: chỉ tiêu vẫn còn nhiều

Trái ngược với sự eo hẹp chỉ tiêu từ các trường ĐH công lập, các trường ngoài công lập vẫn còn xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 với khá nhiều chỉ tiêu. Ngoại trừ một số trường ĐH ngoài công lập đã tuyển đủ chỉ tiêu sau khi xét tuyển đợt 1 như Văn Lang, Ngoại ngữ tin học, Hoa Sen, hầu hết các trường còn lại đều xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển đợt 2 với 300 chỉ tiêu bậc ĐH và 1.000 chỉ tiêu bậc CĐ cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Ngoại trừ ngành dược bậc ĐH có điểm sàn xét tuyển là 16, các ngành còn lại đều có điểm sàn xét tuyển bằng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT. Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng xét tuyển 1.200 chỉ tiêu bậc ĐH và CĐ cho tất cả các ngành với điểm sàn xét tuyển bằng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT. Các trường ĐH khác như Văn Hiến, Công nghệ Sài Gòn, Công nghệ thông tin Gia Định, Kinh tế tài chính TP.HCM... cũng xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu trong đợt 2.

Ở các địa phương, các trường cũng còn nhiều chỉ tiêu cho thí sinh. Trong đó, Trường ĐH Tây Đô áp dụng chính sách dành cho khu vực Tây Nam bộ, giảm điểm sàn 1 điểm dành cho thí sinh có hộ khẩu tại khu vực ĐBSCL. Như vậy, điểm sàn xét tuyển của nhiều ngành bậc ĐH chỉ ở mức 12 - 13 điểm, trong khi bậc CĐ là 9 - 10 điểm. Các trường ĐH Khác như Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), Phú Xuân (Huế), Yersin (Lâm Đồng), Quang Trung (Bình Định)… cũng còn rất nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển này.

3zRaUQ74.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên