17/04/2007 09:44 GMT+7

Nghiêng mình trước linh cữu nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

Huy Vũ
Huy Vũ

TTO - Hàng ngàn bài báo chất chứa đầy trăn trở, ưu tư trước vận mệnh đất nước, những đòi hỏi, yêu cầu không khoan nhượng trước nhu cầu bình đẳng, tự do, hạnh phúc của nhân dân, những tình cảm sâu đậm với bạn bè, đồng chí... là những gì gần gũi nhất mà nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Bạch Đằng để lại. Và nhân dân, những người vốn chỉ biết ông qua những bài báo, chỉ cần có thế để thương kính, để tiếc xót, để nghiêng mình...

KTDKDEqK.jpgPhóng to
Đồng chí Trần Bạch Đằng tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày 1-1-1986 - Ảnh tư liệu
TTO - Hàng ngàn bài báo chất chứa đầy trăn trở, ưu tư trước vận mệnh đất nước, những đòi hỏi, yêu cầu không khoan nhượng trước nhu cầu bình đẳng, tự do, hạnh phúc của nhân dân, những tình cảm sâu đậm với bạn bè, đồng chí... là những gì gần gũi nhất mà nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Bạch Đằng để lại. Và nhân dân, những người vốn chỉ biết ông qua những bài báo, chỉ cần có thế để thương kính, để tiếc xót, để nghiêng mình...

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ, nghe tin ông Trần Bạch Đằng qua đời, tôi cảm thấy bất ngờ và buồn, dù biết rằng tuổi ông đã lớn, ông có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi chưa một lần được gặp ông, tôi biết tên ông qua những bài báo với giọng điệu sắc sảo, quyết liệt, mạnh mẽ, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân dân lao động.

Ông đã dành cả đời mình để đấu tranh: đấu tranh chống quân xâm lược, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái trì trệ của xã hội hiện thời, đấu tranh chống những bất công. Những bài báo của ông: những bài thời luận thể hiện một tấm lòng khát khao sự tự do, bình đẳng, hướng tới những tầng lớp nhân dân nghèo khổ nhất. Ngòi bút của ông thẳng thắn và sắc sảo. Ông dám nói lên những chuyện đụng chạm tới những điều "tế nhị" của các cấp lãnh đạo, ông thẳng thắn vạch ra chỗ sai của những chính sách nhà nước, giọng văn của ông đặc biệt cứng rắn khi nói tới những việc liên quan đến quyền lợi của dân lao động, hình ảnh của đất nước Việt Nam...

Tôi xin được cúi mình, dâng một nén hương để vĩnh biệt ông, một người Cộng Sản. Có lẽ lúc ra đi, ông chưa được thanh thản lắm vì xã hội còn nhiều việc trái tai gai mắt, cần đến ngòi bút nhiệt huyết của ông... Mong ông hãy yên nghỉ. Sẽ có nhiều người khác gánh lấy trách nhiệm của ông. VĨNH BIỆT MỘT NHÂN CÁCH LỚN!

Trưa 16-4, đọc trên trang Tuổi Trẻ Online tin nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã qua đời, tôi nghe lòng buồn vô hạn.

Nhiều người đã biết Trần Bạch Đằng ở nhiều lĩnh vực mà ông đã tham gia như, điện ảnh, kịch, thơ, truyện, mà ở thể loại nào ông cũng tỏ rõ mình là một người sâu sắc trước các vấn đề xã hội. Tôi biết Trần Bạch Đằng từ khi còn là một học sinh phổ thông. Tôi chỉ biết ông qua các bài báo ông viết trên nhiều tờ báo khác nhau. Đọc mỗi bài ông viết, tôi như thấy được sự tức giận, sự đả kích uyên thâm trước những vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt là những tầng lớp bần dân. Mỗi bài viết của ông đều có lửa.

Ngọn lửa Trần Bạch Đằng đã tắt, nhưng những ý kiến, những tâm huyết của ông thì vẫn mãi còn đó trong đời, trong lòng nhiều người mến mộ, trong đó có tôi. Xin cảm ơn những gì mà nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã cống hiến. Xã hội luôn cần những ngọn lửa như ông.

Xin được nghiêng mình trước linh cữu nhà cách mạng lão thành đáng kính - cây đại thụ trong lĩnh vực tư tưởng cách mạng Việt Nam. Thật sự là một sự mất mát lớn! Mong mọi người hãy nhớ lại những mong muốn của con người cách mạng đáng kính này! Thật buồn, khi không còn đọc được những bài báo rực lửa của người!

Tôi đang làm việc, liếc thấy tin buồn trên màn hình trang chủ TTO mà giật mình. Tôi nghĩ nhiều người hay đọc báo và có lòng quan tâm đến đất nước đều sẽ giật mình và tỏ lòng thương tiếc trước một con người chân chính, cống hiến cả cuộc đời cho nước Việt. Tôi còn giật mình lần nữa khi đọc lại và cảm lại cái tâm của ông trong những bài viết trước đây. Xin chia buồn cùng gia đình. Sự ra đi của ông làm cho tất cả chúng ta vô cùng thương tiếc.

Ông ra đi là một sự mất mát lớn Tôi bất ngờ vì không nghĩ rằng mình mới đọc bài viết của ông hồi đầu xuân mà bây giờ ông đã ra đi. Vậy là những mùa xuân sắp đến trong tương lai tôi không còn được nhìn thấy bút danh quen thuộc Trần Bạch Đằng trên những trang báo.

Tôi là thế hệ trẻ không hiểu nhiều về ông, nhưng tôi rất chú ý những bài viết của ông trong các sự kiện nóng của đất nước. Hôm nay đọc lại những bài viết về ông trên báo Tuổi Trẻ tôi càng thấm thía và cảm nhận một sự mất mát lớn lao. Xin gởi những dòng thành kính và chia sẻ đến với gia đình người lão thành cách mạng đáng kính!

Tôi không phải là con cháu của chú Tư Ánh, nhưng ngay từ xa xưa, ba tôi và chú Tư đã coi nhau như anh em ruột. Hai anh em đã sống chết bên nhau suốt cả cuộc đời làm cách mạng. Vì thế, chúng tôi luôn coi chú Tư như một người chú ruột. Chú Tư đáng kính không chỉ về tuổi đời, về bề dày cống hiến cho xã hội, đất nước, mà hơn cả là về tri thức. Gần chú Tư, chúng tôi tiếp nhận được nhiều kiến thức quý báu, mà nếu tự tìm hiểu, thì không biết tới bao giờ mới có được. Với chúng tôi, chú Tư là một thư viện bách khoa, là một "viện" nghiên cứu lí luận. Đối với chúng tôi, chú nghiêm túc nhưng không nghiêm khắc, chú thuyết phục nhưng không áp đặt. Chú luôn tôn trọng lớp dưới. Xin bày tỏ sự kính trọng của chúng tôi đối với chú Tư.

Lâu nay, khi nhắc đến những nhà lý luận Việt Nam đương đại, tôi vẫn thường nghĩ ngay đến nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - gọi ông là nhà nghiên cứu, có lẽ phù hợp với hoạt động hiện tại trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi và toàn diện của ông. Với tôi, ông tiêu biểu cho thế hệ những người cộng sản cùng thời, là "cây cao bóng cả" cho lớp người Việt Nam hiện tại.

Tâm của ông chính, tính của ông trực và trí của ông cao minh. Đọc những bài viết của ông, tôi có cảm giác như được đọc những bài giảng về những vấn đề, những góc cạnh của cuộc sống với lời văn thật riêng, thật súc tích, dễ hiểu mà sâu sắc, quyết đoán. Nhiệt huyết, tâm can và trí tuệ của ông thể hiện rõ trong từng trang viết. Khi cầm trên tay những tờ: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công an, Phụ nữ..., tôi lại tìm xem có bài viết của ông hay không, để đọc, để học, để suy ngẫm và cả để thưởng thức.

Một may mắn trong cuộc đời là được gặp ông trong dịp ông về trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh - khi tôi đang là sinh viên - tham dự Hội thảo cấp nhà nước về vấn đề "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân". Tại hội nghị này, chúng tôi (sinh viên được dự khán hội nghị) được tận mắt nhìn thấy vóc dáng, phong thái của ông và nghe ông phát biểu, đồng thời thấy được sự kính trọng, ngưỡng mộ và đồng tình của những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực pháp lý đối với ông. Và cho đến nay, tôi vẫn hình dung về ông như một vị "Tướng già" vừa oai phong, quắc thước và cao minh nhưng lại cũng nhân hậu, hiền hòa.

Nay, được tin ông ra đi, vẫn biết đó là quy luật và đã được mọi người chuẩn bị trước nhưng tôi vẫn cảm thấy đột ngột và hụt hẫng. Những gì ông để lại cho đời, cho đất nước, cho những thế hệ người Việt Nam sau ông đã là quá lớn. Sự tiếc thương, đau buồn của chúng ta cần phải được thể hiện bằng hành động ở hiện tại và tương lai, đó là hoàn thành tâm nguyện của ông trong việc quản lý xã hội và phát triển đất nước. Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - một tài năng, một nhân cách lớn!

Thật bất ngờ, mấy hôm trước tôi còn được đọc bài của ông, vậy mà nay ông đã về với tổ tiên rồi. Tôi thi báo chí cũng vì ảnh hưởng từ những bài báo của ông. Ngày xưa bố tôi hay đọc bài của ông rồi cùng bàn luận với cả nhà, cùng ngẫm nghĩ về những lý lẽ ông đưa ra.

Tôi chưa được gặp ông, nhưng tôi luôn nuôi hi vọng, một ngày nào đó, trở thành đồng nghiệp của ông, được ngồi nghe ông giảng giải mọi lẽ đời. Nhưng cuộc sống có nhiều điều bất ngờ quá! Gia đình tôi, bản thân tôi chưa gửi được đến ông một lời cảm ơn, dù ông không biết chúng tôi là ai giữa vô vàn bạn đọc. Tôi viết nên những lời này, chỉ mong như một nén hương gửi đến linh cữu ông. Hi vọng những việc ông muốn làm còn dang dở sẽ được những người có tâm huyết tiếp tục hoàn thành.

Trưa hôm qua nhận tin bác Trần Bạch Đằng ra đi, tôi như không tin vào mắt mình. Mỗi lần cầm trên tay bài báo của bác, tôi vẫn tự nhủ bác còn khỏe lắm, vẫn còn minh mẫn viết lên những câu chữ đấu tranh quyết liệt đầy cương trực. Thế hệ trẻ chúng tôi đau lòng với những con sâu đang gặm nhấm, ăn mòn phá hoại đất nước. Qua những bài viết của Bác chúng tôi tin thế hệ cha ông đang cùng chúng tôi tranh đấu, xây dựng tương lai. Gửi đến Bác niềm tiếc thương khôn nguôi. Bóng mát cây cổ thụ vẫn còn soi bóng con đường chúng ta đi.

Tôi thường đọc bài viết của ông trên báo Tuổi Trẻ. Tôi không chỉ thích con người ông mà cả cái tên của ông và cái miệng của ông nữa. Là một phóng viên, tôi mong được một lần gặp và phỏng vấn ông, hay ít nhất được một lần ông viết bài cho tạp chí của chúng tôi. Là thế hệ hậu sinh, chúng tôi được cuộc sống như hôm nay chính nhờ xương máu và công lao của những người con Việt như Trần Bạch Đằng đã cống hiến.

Không sinh cùng thời, nhưng tôi dám mạo muội nói rằng, chúng tôi cùng lý tưởng, cùng niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng để Việt Nam hùng mạnh, con cháu Lạc Hồng sẽ cất cánh bay. Để đất Việt không còn chia cắt, đề miền Trung gắn kết những tấm lòng. Để không còn tên rơi đạn lạc. Để bất cứ người Việt nào sinh cũng nhận thức được rằng chúng ta cùng một dòng giống. Để bước ra biển lớn, ngẩng mặt tự hào nói to rằng "Chúng tôi là người Việt Nam". Tôi thích đọc những bài viết của ông bởi tôi thích người miền Nam, phong cách người miền Nam, dấu ấn người miền Nam... Dù tôi là người Trung và đang sống ở miền Bắc.

Ông đã mất. Tôi không tin khi đọc tin đó trên mạng, nhưng đó lại là sự thật. Ước mơ của tôi sẽ không còn có thể thực hiện. Nhưng, một ngày không xa tôi sẽ vào thăm miền Nam anh em, thắp nén nhang trên mộ ông, cầu cho linh hồn ông siêu thoát, thể hiện lòng ngưỡng mộ của thế hệ người Việt trẻ trước ông cha. Vĩnh biệt ông. Một nhân cách cao cả. Một nhà văn hóa lớn! Hôm nay, ngày mai, ngày kia và ngày kia nữa, tôi vẫn sẽ giở Tuổi Trẻ ra đọc. Và từ nay sẽ thiêu thiếu điều gì...

Hay tin bác Trần Bạch Đằng qua đời, tôi bàng hoàng và rất buồn. Dẫu biết bác đã có tuổi nhưng sự ra đi của bác lúc này vẫn là một mất mát to lớn trong tôi nói riêng và đất nước nói chung. Đọc báo mới hoặc cũ, hễ thấy tác giả Trần Bạch Đằng là tôi đọc say mê, bài viết của bác rất thời sự, đầy trách nhiệm, mở ra cho người đọc thêm tầm nhìn và sự hiểu biết. Xin được thắp nén hương tiễn đưa bác về với Bác Hồ với các đồng chí của mình.

Thật sự đau lòng khi biết chú Trần Bạch Đằng, một chiến sĩ cách mạng lão thành đã ra đi. Dù biết trước sẽ có ngày này, nhưng không ai mong gì sớm đến. Tôi vẫn thường xem những bài viết sắc sảo, đầy tính đấu tranh không khoan nhượng với những cái xấu còn tồn tại, và những ngợi khen chân thành, tôn vinh những giá trị cao quý mà xã hội đang hiện có.

Xin cho tôi một vài giây phút lắng đọng, để những giọt nước mắt của tôi tuôn ra, bởi vì niềm xúc cảm quá lớn lao này, bởi vì sự mất mát này. Sao chú lại ra đi quá sớm, khi mà còn bao nhiêu tâm huyết muốn dâng hiến cho nước non này tỏa ra từ con người sáng ngời tâm đức như chú? Tôi ngồi lướt qua những bài của chú trên TTO, những giọt nước lăn tròn vì sự nuối tiếc vô cùng. Có những lúc trong cuộc đời, đối mặt với kẻ xấu, đối mặt với tiêu cực, tôi chỉ muốn tìm đến Chú, để giải bày, để được truyền thêm dũng khí mà tiếp tục sống tốt, tiếp tục đấu tranh. Nhưng rồi, cảm thấy sự việc của mình chỉ là nhỏ nhoi, biết rằng bản thân Chú đang phải chiến đấu với bệnh tật, đang giành giật từng giọt sống có thể viết tiếp những trang đời... Nghĩ thế, tôi lại thôi và hôm nay...

Chú Tư kính yêu ơi, xin chú hãy an lòng về cõi vĩnh hằng. Con tin rằng, sẽ còn nhiều những người như Chú tiếp nối làm sáng ngời chân lý, đem niềm tin đến cho bao người. Vĩnh biệt Chú!

Dẫu biết rằng "đi...về" là qui luật muôn đời của tạo hóa nhưng tôi vẫn thấy nghẹn ngào khi hay tin chú Trần Bạch Đằng đã từ giã chúng ta. Chú không biết tôi là ai nhưng đã từ lâu tên của chú in sâu trong ký ức tôi.

Tôi biết chú lần đầu qua lời tán thưởng và thán phục của cha tôi. Cha tôi rất mê đọc báo và nhất là đọc những bài báo do chú Trần Bạch Đằng viết. Những bài viết ngắn gọn nhưng cô đọng và súc tích. Lần theo ý tưởng và niềm say mê của cha, tôi đồng ý cha tôi nói đúng thật! Cha tôi chỉ là một người dân bình thường nhưng đã sống qua ba giai đoạn thăng trầm của đất nước chứng kiến những thay đổi của xã hội. Cha tôi vui khi chính sách đổi mới, cuộc sống của người dân tốt lên. Cha tôi buồn khi đây đó vẫn còn những điều chưa làm được. Cha tôi đồng cảm và hả hê trước những ý tưởng những bức xúc mà chú Trần Bạch Đằng viết trên những trang báo. Cha tôi tâm đắc những bài viết của chú Trần Bạch Đằng đến nỗi ông đọc xong rồi cắt lại những bài viết ấy cất kỹ lại. Cũng từ đó, cha giới thiệu với tôi những bài viết của chú. Bài viết thật hay, văn phong chuẩn mực rõ ràng mạch lạc, nói thật nói thẳng nói đến tận xương nói không khoan nhượng với những sai trái.

Từ ngày căn bệnh ung thư đáy lưỡi cướp cha tôi đi, đọc bài viết của chú Trần Bạch Đằng tôi nhớ cha da diết. Hôm nay, nghe tin chú Trần Bạch Đằng cũng từ giã cõi đời, tôi không cầm được nước mắt, tiếc nuối một cuộc đời, một tài năng...

Huy Vũ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên