Thế nhưng trên thị trường nhiều nơi vẫn vô tư niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ bằng USD.
Phóng to |
Sau hàng loạt văn bản đốc thúc từ phía Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng đang lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Công khai niêm yết
Cần mua máy ảnh Canon G12, chị V. được chủ cửa hàng bán máy ảnh VH tại thương xá Tax (quận 1, TP.HCM) báo giá 450 USD, tính theo tỉ giá ngày 26-10 là 21.700 đồng/USD, số tiền phải thanh toán tương đương 9.765.000 đồng. Trường hợp có sẵn ngoại tệ khách hàng cũng có thể thanh toán bằng USD.
Chủ cửa hàng này cho biết để nhập khẩu hàng phải mua USD tại thị trường tự do, vì thế phải niêm yết giá bán bằng USD để “bảo toàn vốn”. Ở nhiều tiệm bán máy ảnh, máy tính khác, chị V. cũng đều được báo giá bằng USD, trường hợp niêm yết giá bằng VND cũng chỉ mang tính tham khảo vì tỉ giá thay đổi mỗi ngày.
Không chỉ mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhiều đơn vị kinh doanh cũng bắt khách hàng trả bằng USD, trong đó nhiều nhất là tại các công ty du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ làm đẹp... Một số khách hàng phản ảnh Công ty TNHH một thành viên tư vấn đầu tư Trung Nam tính phí dịch vụ làm visa du học, du lịch Mỹ bằng USD.
Trong một hợp đồng với khách hàng, công ty này ghi rõ: “Hướng dẫn xin visa du lịch Mỹ cho bên B (tức khách hàng) với tổng chi phí 4.000 USD. Trong đó số tiền thanh toán lần đầu là 1.000 USD, lần 2 là 600 USD, 2.400 USD còn lại thanh toán khi được cấp visa”.
Khách hàng được lựa chọn thanh toán trực tiếp bằng USD hoặc quy đổi thành VND theo tỉ giá tự do.
Một số công ty du lịch tổ chức tour đi nước ngoài cũng vô tư niêm yết giá bằng USD. Công ty K có trụ sở tại Q.Tân Bình, công bố giá tour từ TP.HCM đi Thái Lan trong vòng 5-6 ngày là 350 USD/người, tour TP.HCM đi Singapore trong 4 ngày là 500 USD... Ngày 26-10, trên trang web công ty này vẫn niêm yết giá nhiều tour đi Lào, Campuchia, Malaysia, Hong Kong... bằng USD.
Phóng to |
Một cửa hàng nước trên đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM niêm yết bảng giá bằng USD - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Lách luật
Xử phạt hàng tỉ đồng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết những ngày gần đây đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước vẫn nhận được phản ảnh của người dân liên quan đến việc niêm yết, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Từ phản ảnh của người dân, nơi này đã phối hợp với đội quản lý thị trường, công an... tiến hành thanh tra, kiểm tra. Tính từ đầu năm 2011 có sáu doanh nghiệp bị Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở, khuyến cáo... vì ký kết hợp đồng thanh toán, thu lệ phí bằng ngoại tệ. Cơ quan quản lý thị trường xử phạt 60 vụ, tổng số tiền 1,5 tỉ đồng; cơ quan công an xử phạt 50 vụ, tổng số tiền 2,853 tỉ đồng. |
Sau hàng loạt văn bản nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ tự do đã có dấu hiệu thu hẹp hoạt động. Chủ một cửa hàng vàng trên đường Nguyễn An Ninh (quận 1) cho biết không báo giá USD qua điện thoại.
Tuy nhiên, nếu đến tận tiệm thì muốn mua bao nhiêu cũng có. Nơi này cũng có đầy đủ các loại ngoại tệ “hiếm”. Trường hợp là khách quen, nơi này sẽ giao hàng tận nhà. Chủ một cửa hàng vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho biết do mức phạt với hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép theo quy định mới từ 50-100 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật nên phải thận trọng hơn.
Ông P.A., phụ trách kinh doanh một hãng tàu của Singapore, cho biết hầu hết hãng tàu vẫn thông báo giá cước và phụ phí bằng USD, trừ một số tuyến nội địa. Để tránh bị xử phạt, hãng tàu vẫn cho khách hàng lựa chọn thanh toán bằng VND quy đổi theo giá bán USD của Ngân hàng Vietcombank.
Trên hợp đồng ghi rõ thanh toán bằng VND, tương đương với mức cước bằng USD...
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết vừa qua đã phát hiện nhiều cửa hàng, doanh nghiệp niêm yết giá bán bằng ngoại tệ. Gần ba tuần qua, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện tám cơ sở kinh doanh niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép, chủ yếu rơi vào các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, trang sức, tour du lịch, đồng hồ, hàng thời trang cao cấp nhập khẩu...
Do bị kiểm tra ráo riết nên nhiều cơ sở kinh doanh tìm cách lách quy định bằng việc chuyển sang niêm yết VND thay vì niêm yết song song VND và USD như trước đây. Tuy nhiên các cửa hàng lại cho biết đó là mức giá không cố định bởi trong gói dịch vụ có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu.
Nếu sử dụng vào thời điểm tỉ giá tăng thì giá dịch vụ VND cũng sẽ tăng theo. Tương tự, tại các cửa hàng điện máy, giá bán bằng VND cũng chỉ mang tính tham khảo vì giá bán thực tế sẽ được quy đổi theo tỉ giá USD tại thời điểm thanh toán.
Sẽ xử phạt nặng
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, quy định mới mở rộng đồng thời nâng mức chế tài, xử phạt với các vi phạm ngoại hối. Ngoài chế tài từ 50-100 triệu đồng, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật nếu mua bán thanh toán ngoại tệ, thanh toán tiền, hàng hóa, dịch vụ bằng vàng, kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định...
Đặc biệt, việc niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng mức phạt tiền lên đến 300-500 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước giấy phép.
Những ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ lên kế hoạch phối hợp hành động với các cơ quan liên quan như công an, quản lý thị trường. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tiến hành trên diện rộng.
Những hình thức lách luật như ghi đơn giá bằng VND nhưng quy đổi song song USD, hoặc bảo đảm bằng ngoại tệ dưới hình thức kèm tỉ giá tham khảo đều xem là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ VN và bị xử phạt.
Trên lãnh thổ VN mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các tổ chức tín dụng, hải quan, sân bay. Trường hợp đặc biệt phải giải trình được việc niêm yết giá ngoại tệ là hợp lý.
Đích thân thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho phép nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được niêm yết giá theo cơ chế đặc biệt này.
Đẩy rủi ro cho người mua Doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để lý giải việc niêm yết giá bằng ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết phải thanh toán bằng USD nhưng hiện nay việc mua USD rất khó khăn, một số trường hợp phải trả giá cao hơn, vì thế phải niêm yết giá bán bằng USD để “bảo toàn vốn”. Số khác cho rằng nếu niêm yết giá bằng VND, giá cả sẽ biến động liên tục ảnh hưởng đến kinh doanh. Vì vậy, niêm yết giá bằng USD để khỏi phải liên tục điều chỉnh giá bán... Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp khi bán hàng hóa ở mức giá nào đều phải tính toán mọi yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm, dịch vụ, trong đó có biến động của tỉ giá chứ không thể viện lý do này để niêm yết giá bằng ngoại tệ, đẩy rủi ro cho người tiêu dùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận