TT - Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đặt chân đến London là cảnh sát, binh lính và nhân viên an ninh có mặt khắp nơi, đến độ mọi người có cảm giác cảnh sát hiện diện trên từng mét vuông đất ở London!
Chúng tôi có mặt tại London lúc 8g sáng (giờ địa phương) ngày 25-7. Sân bay Gatwick dù không phải là cửa ngõ chính đón các đoàn VĐV đến Anh dự Olympic London 2012 nhưng vẫn ngập tràn du khách. Hàng trăm người nối đuôi nhau xếp hàng dài rồng rắn chờ làm thủ tục nhập cảnh. Băngrôn, biểu ngữ, apphich quảng cáo Olympic London 2012 phủ kín khắp sân bay. Các nữ tình nguyện viên chạy đôn chạy đáo khắp nơi, mướt mồ hôi để hỗ trợ du khách.
Bước ra khỏi sân bay, tạm biệt nụ cười tươi rói của các nữ tình nguyện viên xinh đẹp là hình ảnh cảnh sát, nhân viên an ninh và binh lính Anh xuất hiện ở khắp nơi. Con đường cao tốc nối sân bay Gatwick với trung tâm thủ đô London dài chỉ khoảng 40km nhưng có cả trăm xe cảnh sát đậu rải rác dọc bên đường. Cảnh sát, binh lính được trang bị vũ khí đến tận răng với súng ống, dùi cui, roi điện... treo lủng lẳng trên người và đôi mắt dường như không xa rời những “mục tiêu” di chuyển trên xa lộ.
Với sự hiện diện của cảnh sát ở khắp nơi, cảm giác đầu tiên của du khách là an toàn vì họ được bảo vệ nghiêm ngặt chẳng khác nguyên thủ các quốc gia. Nhưng sau đó, cứ mỗi bước chân đều gặp cảnh sát thì chúng tôi bắt đầu thấy khó chịu vì lúc nào mình cũng bị dòm ngó y như kẻ gian vậy.
Tại khu China Town, một cảnh sát viên giới thiệu tên Andy Cook cho biết đơn vị của anh có trên 100 người chỉ để bảo vệ mỗi khu vực này. Anh nói: “Công việc thường ngày của chúng tôi là tuần tra. Nhiệm vụ chính của mọi người là giữ gìn trật tự ở khu vực được phân công. Nói chung ngày bình thường mọi người không có nhiều việc để làm ngoại trừ thỉnh thoảng giải quyết trường hợp vài anh bợm nhậu say rượu và gây rối. Tuy nhiên, trước thềm Olympic London 2012, chúng tôi và một số đơn vị khác đã trải qua khóa huấn luyện rất căng để đối phó với những tình huống khác, chẳng hạn như đối đầu với tình huống có một vật bị nghi là bom được đặt ở khu đông người hay sự cố cháy... Mọi cảnh sát được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ”.
Chúng tôi hỏi Andy: “Ở một biển người như thế này, làm sao các anh có thể xử lý hết mọi tình huống? Chẳng hạn như có kẻ gian giật điện thoại hay túi xách của du khách rồi nhanh chân lẩn vào đám đông, làm sao các anh có thể tóm được?”. Andy đáp: “Ở London gần như không xảy ra tình trạng giật đồ của du khách. Nhưng trong mùa Olympic, nếu điều đó xảy ra thì tôi nghĩ kẻ gian đã tự đào hố chôn mình. Du khách không chỉ được chúng tôi hỗ trợ mà còn nhận được sự giúp đỡ của các camera đặt ở khắp nơi, tận mọi hang cùng ngõ hẻm. Tất cả hình ảnh sẽ được chuyển về trung tâm xử lý và trong tích tắc chúng tôi đã có hình của kẻ gian. Chúng không thể thoát được”.
Tuy nhiên, đồng nghiệp của Andy - cô Anna - thú nhận hai ngày qua đã có hơn 10 trường hợp du khách báo bị móc túi. Theo Anna, những kẻ móc túi chủ yếu đến từ các quốc gia khác. “Chúng trà trộn vào chỗ đông người đóng giả làm du khách, thấy ai sơ hở là nhanh tay móc bóp và chuồn đi chỗ khác” - Anna nói. Nhờ hệ thống camera, một số kẻ gian đã bị tóm khi xuất hiện trở lại.
Chiếc xe buýt hai tầng đặc trưng kiểu Anh mang dòng chữ “Welcome to London” đưa chúng tôi đi ngang qua dòng sông Thames hiền hòa. Nhưng có vẻ sông Thames cũng “khó chịu” với lực lượng cảnh sát và binh lính xuất hiện dày đặc ở những khu vực bao quanh nó, và cả chiếc tàu chiến HMS Ocean neo đậu trong thời gian diễn ra Olympic.
DUY BÌNH (từ London)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận