Những ngôi nhà khang trang một thời được xây nên ở làng Nghĩa Tây từ kỳ nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Chúng tôi tìm về Nghĩa Tây - ngôi làng một thời nổi tiếng ấy, giờ vắng dần những phu trầm, kỳ nam, nhiều người bỏ nghề mở hướng làm ăn mới.
Đàn ông săn kỳ, đàn bà làm ruộng
Đó là câu nói ví von của dân làng Nghĩa Tây vào thời ấy bởi hầu như nhà nào có đàn ông, trai tráng thì đều bỏ quê lên rừng săn báu vật này. "Ruộng đồng ở nhà đàn bà quán xuyến. Đến nỗi ở làng có người chết cũng không có đàn ông khiêng đi chôn, phải nhờ thanh niên làng khác" - ông Lâm (70 tuổi, dân làng Nghĩa Tây) nhớ lại.
Đàn bà Nghĩa Tây chịu khó lắm. Họ vất vả quanh năm, chắt chiu được đồng nào cũng gom góp làm hành trang cho chồng theo những chuyến săn kỳ nam mà không một lời than vãn.
Nhưng họ tin đó là sự đánh đổi và cầu mong một lần chồng trúng đậm, gia đình thoát cảnh khó khăn. Nhưng số trúng không là bao, còn người trắng tay nhiều vô kể.
Hiện Nghĩa Tây có còn những phu trầm, kỳ nam? "Còn, nhưng ít lắm. Hồi xưa thì hầu hết đàn ông đều đi, giờ chỉ còn chừng một phần mười" - ông Võ Văn Thu, trưởng thôn Nghĩa Tây, nói. Vì săn kỳ nam cực quá, giờ những thanh niên trong làng nghỉ, tìm việc khác mưu sinh.
Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những phận người tiếp tục lầm lũi nuôi giấc mộng đổi đời, cả năm trời ăn núi ngủ rừng mong một lần trúng đậm và ông Hai Phượng (Nguyễn Văn Phượng) là một trong số đó.
Mới xuống núi về nhà chừng một tuần để phụ gia đình gặt lúa, ông Hai Phượng nói xong mùa màng, chừng vài ngày nữa sẽ vác balô tiếp tục săn kỳ nam. Tuổi 64, mái đầu nhuốm màu muối tiêu, nhưng cả năm vẫn lội rừng như những gã trai khỏe mạnh.
Hơn 40 năm săn tìm, ông vẫn chưa một lần trải qua cảm giác trúng kỳ nam. ""Chạy gió" (trắng tay - PV) miết, có khi trúng ít chỉ vài triệu, chục triệu, đủ làm hành trang cho chuyến sau chứ chưa bao giờ cầm trăm triệu, tiền tỉ" - ông Hai Phượng trầm buồn.
Ông Hai Phượng kể rằng mỗi chuyến săn kỳ nam của ông phải mất hơn một tháng, băng qua những cánh rừng già ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên như Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng...
Đêm dựng lán trại ngủ, ngày lội rừng tìm cây dó bầu (loại cây chứa trầm hoặc kỳ nam trong thân). "Ăn núi ngủ rừng thì biết rồi, cực khổ trăm bề, đâu dễ ăn. Cũng có những người bỏ mạng giữa rừng núi do bị lũ cuốn, sạt lở đất hay những cơn sốt rét mà chưa một lần gặp kỳ nam" - ông Hai Phượng bộc bạch.
Sau mùa màng, số ít những người đàn ông ở Nghĩa Tây tiếp tục lên đường săn trầm, kỳ nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Một lần nhận lộc, đã hết thanh xuân
Giữa năm 2011, tin đồn về nhóm người ở làng Nghĩa Tây trúng đậm kỳ nam bao trùm cả huyện với người ít thì vài tỉ, nhiều vài chục tỉ đồng.
"Chuyện trúng là có thật nhưng đồn quá lên đấy" - ông N.M. (52 tuổi), một trong những người săn kỳ nam trong nhóm người ấy, nhớ lại. Thông tin về nhóm của ông M. trúng đậm kỳ nam khiến Nghĩa Tây ngày ấy náo động, người ta bàn tán rôm rả, tin này đến tai bọn giang hồ, chúng liên tục tìm đến nhà những người trúng bạc tỉ "xin đểu".
Cuộc sống của những người trong nhóm ông M. bị xáo trộn, phải liên tục đi nơi khác lẩn tránh. "Chúng dọa nếu không cho tiền sẽ giết cả gia đình, lúc trước gia đình tôi mệt mỏi, lo lắng lắm. Quả thực trúng kỳ nam chẳng sung sướng như mình nghĩ" - ông M. nhớ lại.
Và sau lần ấy, ông M. bỏ nghề ở nhà hẳn, chuyển sang làm nghề khác. Số tiền kiếm được sau lần trúng đậm ấy ông không tiết lộ, nhưng theo ông thì đã xây được căn nhà tầm 3 tỉ đồng, mua được vài miếng đất "lận lưng".
Từ lúc trai tráng, ông đã theo những người làng lăn lộn nhiều cánh rừng đại ngàn miền Trung săn tìm trầm, kỳ nam. Gần 20 năm liên tục trắng tay, gia đình luôn rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần, đến tuổi tứ tuần thì ông M. gặp may.
Đó là một chiều mưa giữa năm 2011 ở một cánh rừng tỉnh Gia Lai, nhóm của ông đào được một cục kỳ nam đen trũi nằm sâu bên dưới thân cây dó bầu mục nát chỉ cách lán trại chưa đầy 100m. "Sau nhiều năm lặn lội săn tìm khổ cực, ơn trên cũng cho lộc nên nhóm anh em của tôi mới tìm thấy nó" - ông M. nhớ lại.
Giờ đây cuộc sống của ông đã nhàn hạ, hằng ngày lúc rảnh rỗi ông M. làm ống trúm bắt lươn, ngày kiếm chừng khoảng vài chục, trăm ngàn đồng. Hai đứa con gái của ông thì giờ một đã tốt nghiệp đại học ngành dược, một còn tuổi đi học.
"Hồi xưa đi săn kỳ nam cực lắm, mình mới thanh niên 30 tuổi mà do cực khổ quá ai cũng thấy mình già như 50 tuổi. Thôi trúng một lần như vậy, cực quá nên nghỉ ở nhà kiếm việc gì nhẹ chút mà làm" - ông M. tâm sự.
Ở Nghĩa Tây, những người trúng kỳ nam, cầm trong tay bạc tỉ như ông M. không phải hiếm. Theo ông Võ Văn Thu, những năm trước số người trúng từ 100-200 triệu đồng khoảng vài chục người, còn từ 3-7 tỉ đồng dưới 10 người. "Đa số người trúng bạc tỉ thì họ nghỉ hẳn, không đi săn kỳ nam nữa mà chuyển sang kinh doanh, buôn bán, có người mở xưởng sản xuất để sinh nhai" - ông Thu kể.
Từ cảnh nghèo khó bỗng chốc trở thành triệu phú, tỉ phú, nhiều người ở Nghĩa Tây đổi đời nhanh chóng. Người biết chắt chiu thì tiếp tục đầu tư làm ăn, một số người đầu tư bất động sản kiếm lời, nhưng cũng có người giờ đã trắng tay do tiêu xài hoang phí.
Ông V.M. (53 tuổi) - một trong những phu kỳ nam trúng bạc tỉ vài năm về trước, sau khi cất được nhà to, sắm xe hơi thì quyết đầu tư, mở một cơ sở sản xuất gạch tại địa phương làm ăn, nuôi con cái ăn học. Nhiều năm khổ cực ở núi rừng mới trúng một mẻ nên ông quyết định giã từ rừng núi, giờ ở quê lo đầu tư làm ăn.
Còn một số người ở Nghĩa Tây sau khi trúng bạc tỉ đã bán nhà cửa ở quê, mua đất ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM sinh sống, làm ăn. Có người mở kiôt trong chợ huyện để buôn bán hàng hóa kiếm lời.
Ông N.M. kể cháu ruột của mình cũng trúng kỳ nam trong nhóm ông lúc mới 17 tuổi. Trước đó cha của cậu đã tử nạn do lũ cuốn trong lúc săn tìm kỳ nam ở rừng. Khi có trong tay tiền tỉ thì đứa cháu của ông ăn chơi sa đọa, tiêu xài phung phí.
"Nhưng giờ nó tu chí làm ăn, có vợ con, dành một khoản nhỏ sau lần trúng kỳ bỏ ngân hàng. Tuổi đời còn nhỏ mà cầm bạc tỉ sao không bị cám dỗ" - ông M. kể.
Theo những tư liệu nghiên cứu, kỳ nam và trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó bầu (còn gọi là gió). Kỳ nam là một loại thuốc cực hiếm, người xưa gọi kỳ nam là thứ "ngàn vàng bất hoán". Kỳ nam được xem là "vua của trầm hương" bao gồm bảy loại: thanh kỳ, huỳnh kỳ, xám kỳ, hắc kỳ, bạch kỳ, hổ kỳ và hạnh kỳ.
Tất cả đều có hương thơm nhiều và nhựa dính, mức độ của hai đặc tính này ở mỗi loại có khác nhau một ít. Đặc tính cơ bản chính để phân biệt kỳ nam với trầm hương là nhựa dính (dầu) trong khi trầm hương chỉ cứng và nhẵn. Trầm, kỳ... trong đông y có công dụng hành khí, thông hơi, chỉ thống...
Chưa kiếm được kỳ đã... viết được thơ
Ông Lê Thanh Hiền (55 tuổi), một phu kỳ nam, kể rằng số lần "chạy gió" của ông thì nhiều vô kể nhưng vẫn không từ bỏ hi vọng, đánh đổi sự khổ cực của mình với mong muốn đời con cháu được tốt hơn.
Một kỷ niệm làm ông nhớ mãi là cách đây 20 năm, nhóm ông đi săn kỳ nam không có gì, lần lượt trở về nhà nhưng ông vẫn bám rừng.
Nhớ nhà, nhớ vợ, ông làm một bài thơ lục bát gửi anh em đem về cho vợ: "Anh em ai cũng hạ sơn/Anh liền cầm bút gửi em mấy lời/Vì kỳ chưa có em ơi/Anh vừa ngồi viết lệ rơi chảy dài/Cũng vì ánh sáng ngày mai/Anh quyết ở lại dù ai có về".
"Vợ đọc xong nước mắt chảy dài, sau này bả cứ chọc mình hoài rằng: Tìm kỳ chưa ra mà bày đặt làm nhà thơ" - ông Hiền cười.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận