28/09/2014 07:54 GMT+7

​Nghĩ về cách bồi thường oan sai

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Tuổi Trẻ số ra ngày 27-9-2014 có bài “Hai thiếu niên bị bắt oan chưa được bồi thường”.

Đọc bài báo, tôi thật sự băn khoăn không phải về chuyện oan sai mà về cách bồi thường oan sai qua nội dung trả lời của đại diện Viện KSND tỉnh Cà Mau!

Khoản 3, điều 34 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có bản án, quyết định xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được bồi thường quy định tại điều 26 của luật này và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường”.

Nghĩ, người dân vô tội, bỗng dưng bị bắt giam hơn 1.300 ngày, khi ra tòa được minh oan thì theo lẽ đời, ai làm sai phải chủ động xin lỗi và bồi thường thiệt hại, đó là chuyện đương nhiên của cuộc sống, chứ sao phải có... đơn?

Nếu ai cho rằng có đơn là thủ tục hợp lý thì tôi muốn được giải thích: đạo lý nào buộc người bị oan phải làm đơn trong trường hợp này? Và tại sao đã gây oan cho người dân mà còn bắt người bị oan phải chứng minh mình bị oan trong khi hồ sơ vụ việc nằm trong tủ các cơ quan tố tụng?

Và trong khi chưa sửa được luật thì sao Viện KSND tỉnh Cà Mau không tận tình hướng dẫn người bị oan làm đơn và các thủ tục cần thiết khác, coi như thể hiện phần nào thái độ ăn năn chuộc lỗi của mình? 

Ngoài ra, với người dân bị oan sai, họ chỉ cần biết nơi phải bồi thường oan sai cho họ, trong hai trường hợp trên là Viện KSND tỉnh Cà Mau. Còn Viện KSND tỉnh Cà Mau lấy tiền ở đâu để bồi thường là chuyện của viện, người dân không cần biết.

Quả thật, khi Viện KSND tối cao chưa cấp tiền thì Viện KSND tỉnh Cà Mau không có nguồn để bồi thường cho dân, nhưng nếu cứ xem đó là lý do chính đáng và người bị oan phải chờ đợi cả năm thì với công luận, đó là thái độ vô cảm đối với oan ức của người dân!

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên