Bức tượng đầu Pharaoh Tutankhamun là một trong những hiện vật tại buổi đấu giá của Christie's vào tháng 7 tới đây - Ảnh: Christie's
Theo CNN, buổi đấu giá của nhà đấu giá nghệ thuật Christie's dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô nước Anh vào ngày 4-7 tới đây, và một trong những hiện vật đấu giá là bức tượng đầu Pharaoh Tutankhamun cao gần 30cm.
Christie's dự kiến cổ vật có niên đại 3.000 năm này sẽ bán với giá hơn 4 triệu bảng Anh (5 triệu USD).
Truớc những quan ngại cho rằng bức tượng đã bị đưa ra khỏi Ai Cập theo cách bất hợp pháp, Bộ Cổ vật của Ai Cập đã phát đi tuyên bố đến Christie's và UNESCO nhằm ngăn việc đấu giá, và yêu cầu được xem các tài liệu chứng minh nguồn gốc của cổ vật này, CNN đưa tin.
Các quan chức tại đại sứ quán Ai Cập ở London yêu cầu Anh trả lại bức tượng, cũng như kêu gọi ngưng đấu giá nhiều hiện vật khác từ Ai Cập tại buổi đấu giá này.
"Một lần nữa, chúng tôi sẽ không bỏ qua hay cho phép bất cứ ai bán bất cứ tạo tác Ai Cập nào", tuyên bố này nhấn mạnh.
"Nếu chứng minh được bất cứ hiện vật nào bị mang ra khỏi Ai Cập theo cách bất hợp pháp, chúng tôi sẽ có hành động pháp lý cùng Interpol", Bộ Cổ vật Ai Cập khẳng định.
Bức tượng đầu Pharaoh Tutankhamun là một trong những hiện vật tại buổi đấu giá của Christie's vào tháng 7 tới đây - Ảnh: Christie's
Trước tình hình đó, nhà đấu giá nghệ thuật Christie's cũng đã lên tiếng về quyền sở hữu bức tượng.
"Về bản chất, chúng ta không thể truy tìm nguồn gốc cổ vật qua hàng thiên niên kỷ. Do vậy vấn đề cực kỳ quan trọng là xác minh được quyền sở hữu gần đây cũng như quyền hợp pháp để bán các cổ vật đó, và chúng tôi là thực hiện rõ ràng rồi", Christie's gửi phản hồi đến CNN.
Theo báo Independent, trong thông cáo báo chí về buổi đấu giá, Christie's thông tin rằng bức tượng thuộc sở hữu của Bộ sưu tập Resandro, và bán từ bộ sưu tập được miêu tả là "một trong những bộ sưu tập tư nhân nổi tiếng nhất thế giới về nghệ thuật Ai Cập" này.
Christie's cũng tiết lộ Bộ sưu tập Resandro đã mua lại bức tượng từ nhà buôn Heinz Herzer ở Munich năm 1985, trước đó, cổ vật này từng thuộc sở hữu của nhà buôn người Áo Joseph Messina.
"Chúng tôi sẽ không đề nghị bán bất kỳ hiện vật nào nếu có nghi ngờ về quyền sở hữu hay xuất khẩu. Tác phẩm đã được trưng bày rộng rãi và chúng tôi cũng báo cho đại sứ quán Ai Cập để họ biết về việc đấu giá. Christie's tuân thủ nghiêm ngặt các hiệp ước song phương và luật pháp quốc tế với sự tôn trọng đối với tài sản văn hóa và bảo vật quốc gia", Christie's khẳng định.
Đây không phải là lần đầu tiên Ai Cập nỗ lực ngăn chặn việc rao bán các tạo tác bị đánh cắp và đưa cổ vật hồi hương.
Bộ Cổ vật Ai Cập luôn giám sát các nhà đấu giá quốc tế để tìm và ngăn chặn cổ vật bị mang ra bán, cũng như mang các tạo tác đó trở về nước.
Một phần của chiếc bàn cổ Ai Cập bị đánh cắp - Ảnh: CNN/Moantiquity/Facebook/
Tháng 1 năm nay, một phần của chiếc bàn cổ có khắc biểu tượng hoàng gia của vua Amenhotep I - người trị vì từ năm 1514 đến 1493 trước Công nguyên - bị trộm khỏi bảo tàng Karnak Open Air Museum ở Luxor vào năm 1988 đã được tìm thấy và hồi hương, sau khi cổ vật này bị đưa ra khỏi Ai Cập và nằm trong danh sách đấu giá ở London.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận