Một dự án đất phân lô rộng 50ha tại xã Nha Bích, huyện Chơn Thành (Bình Phước) bán nền từ năm 2017 đến nay vẫn chưa ai đến ở vì pháp lý vẫn là đất trồng cây lâu năm - Ảnh: LÊ THẠCH
Những người môi giới dẫn khách đi lối khác, né biển cảnh báo. Người mua đất "nhắm mắt" đặt cọc, góp tiền mà không tìm hiểu kỹ về tình trạng pháp lý mảnh đất. Chưa có những biện pháp đủ mạnh từ chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này.
Té ngửa với đất nền
Tháng 7-2019, thấy công ty bất động sản X. (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đăng bán đất dự án tại xã Định An (H.Dầu Tiếng, Bình Dương) giá khá rẻ, tôi cũng đi xem. Dự án được rao với hàng loạt tiện ích, khu dân cư đông đúc, hệ thống giao thông hoàn chỉnh... nhưng khi đến nơi chỉ là một rẫy cao su được chặt hạ và một chiếc xe ủi đang nằm im.
Nghi ngờ dự án "có vấn đề", tôi liên hệ với bà cán bộ UBND xã mới té ngửa đó là một "dự án ma". Cán bộ xã khẳng định với tôi trên địa bàn xã không hề có dự án nào được cấp phép phân lô đất nền (trừ một dự án nghỉ dưỡng đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương).
Vị này cũng bày tỏ trăn trở khi không thể kiểm soát được tình hình. Người mua đất không phải là dân bản xứ, bên môi giới dẫn khách bằng cách nào và bán ra sao thì địa phương không nắm được hết. Chỉ khi nào nghe người dân báo thì cử cán bộ xuống nhưng họ đã rời đi.
Ngày 10-7-2019, UBND huyện Dầu Tiếng ra thông báo ngưng phân lô tách thửa và đăng ký thổ cư thì nhiều người mua đất ở đây mới té ngửa. Cán bộ xã này cũng khẳng định trên địa bàn không có dự án đúng thủ tục pháp lý để phân lô bán nền.
Chị T., người quen của tôi, từ Dĩ An đến mua 2 lô tại xã Định Thành (H.Dầu Tiếng) đành phải ngậm ngùi chờ công ty trả lại tiền nhưng không biết đến bao giờ.
Phải quản lý từ gốc
Hơn 2 năm trước, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước trở nên sốt đất. Hàng chục dự án đã được mở bán, doanh nghiệp cho xe san ủi, dựng rạp mở bán rầm rộ... Người dân sống ở đây chứng kiến từng đoàn xe chở khách nườm nượp đi xem dự án cách UBND xã hơn 3km.
Thời điểm đó, người nhà tôi cũng đi theo số đông và mua 2 nền ở đây. Chờ đợi mãi, cuối năm 2018 tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại đất trồng cây lâu năm, trên sổ cũng không được thể hiện đường đi. Cũng đành tạm yên tâm. Gần đó vẫn còn vài dự án đang làm dang dở, lượng khách vào xem cũng không nhiều như trước.
Giờ đối diện UBND xã Nha Bích, con đường dẫn vào Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được gắn tấm bảng cảnh báo mọi người "cần cảnh giác khi mua đất nền trên địa bàn, có thể liên hệ UBND xã để được hướng dẫn".
Một nhân viên môi giới đang bán đất tại đây có chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm: muốn bán được đất cần tìm cách để khách hàng không kịp nhìn thấy biển cảnh báo. Có thể đó là cách hữu hiệu chính quyền địa phương có thể làm. Nếu địa phương quyết liệt từ vài năm trước, hoặc "làm việc" với đơn vị bắt đầu phân lô đất nông nghiệp mở bán đất nền sẽ tốt hơn.
Một biển cảnh báo, nhắc nhở người dân về mua đất phân lô bán nền ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước - Ảnh: LÊ THẠCH
Cảnh báo thôi, chưa đủ
Không phải ai đi mua đất cũng tìm đến cơ quan chức năng địa phương. Nếu chỉ dựa vào thông tin từ bên rao bán dự án, không tìm hiểu thông tin về tính pháp lý của dự án, tiền trao rồi thì đổ lỗi cho ai bây giờ!
Về phía chính quyền địa phương, khi có chuyện san ủi mặt bằng, địa phương có thể nắm rõ về pháp lý khu đất ngay. Cần có biện pháp mạnh, ngưng triển khai dự án nếu doanh nghiệp chưa đủ pháp lý phân lô tách thửa. Thậm chí, chính quyền sẽ cắm bảng ngay tại dự án đó để người dân biết, khi nào đủ pháp lý và được bán sẽ tháo gỡ.
Trách nhiệm quản lý không chỉ ở những bảng cảnh báo "dự án ảo". Trách nhiệm ấy phải có ngay từ khi những khách hàng đầu tiên đến địa phương xem đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận