![]() |
Ông Nguyễn Cảnh Bình trao đổi cùng bà Meirav Eilon Shahar tại tọa đàm về cuốn sách tiểu sử David Ben-Gurion - Ảnh: L.Điền |
Đến nay, tập sách Tiểu sử David Ben-Gurion - lịch sử hình thành nhà nước Do Thái mới được ra mắt bạn đọc TP.HCM, chiều 10-6.
Buổi giới thiệu ra mắt sách đồng thời là một tọa đàm ngắn do Công ty Alphabooks tổ chức với sự tham dự của bà Meirav Eilon Shahar - đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Phạm Uyên Nguyên - thành viên HĐQT Công ty văn hóa Phương Nam - và ông Nguyễn Cảnh Bình - giám đốc Alphabooks.
Câu chuyện về hai dân tộc Việt Nam - Israel, về hai vị lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ben-Gurion lại được mọi người cùng nhắc lại và chia sẻ như những bài học chưa bao giờ lạc hậu trong suy nghĩ của những người quan tâm đến con đường phát triển quốc gia.
Phạm Uyên Nguyên nhắc lại cảm giác choáng ngợp của ông khi đối diện với thực tế đất nước Israel: “Ở nơi sa mạc mà họ trồng trái cây xuất khẩu đi cả châu Âu, nước mình xứ nhiệt đới nhưng trái cây xuất khẩu được những đâu?”.
Điều này được bà đại sứ Meirav Eilon Shahar giải thích thêm là bởi ngay từ khi lập quốc, với 600.000 dân, Israel không có thị trường nội địa, sản phẩm cũng không thể xuất khẩu sang các nước láng giềng mà phải xuất sang tận châu Âu, Mỹ. Cho nên định hướng ngay từ đầu là phải sử dụng công nghệ cao để sản phẩm có chất lượng cao nhằm chinh phục các thị trường khó tính.
Chính điểm khởi đầu như vậy đã khiến Israel nổi tiếng là quốc gia có nền công nghệ cao, có kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả, và rất nhiều sinh viên từ các xứ nhiệt đới châu Á, có cả Việt Nam, hằng năm đến vùng sa mạc này học hỏi về nông nghiệp.
Ông Uyên Nguyên dẫn lại một quan niệm cốt lõi của Ben-Gurion: Quốc gia như thế nào là do người dân tạo ra như thế. Điều này là mẫu số chung cho công dân của mỗi quốc gia suy nghĩ rằng mình đã tạo nên đất nước như thế nào, kể cả người Việt Nam chúng ta hôm nay.
Nói vậy nhưng để làm được điều đó là không đơn giản. Hành trình đấu tranh lập quốc của David Ben-Gurion rất đỗi gian nan, nhưng chưa gian khổ bằng sau khi lập quốc năm 1948, ông và êkip lãnh đạo chính phủ đã nỗ lực phi thường để xây dựng “cảm giác về đất nước” cho những người Do Thái vốn lưu vong “khắp bốn phương trời”. Từ đó hình thành tình yêu đất nước, dốc lòng xây dựng quê hương Israel, và tạo ra sức hấp dẫn đủ quyến rũ để thu hút những người Do Thái tiếp tục trở về xây dựng đất nước.
Cuộc đời của một vĩ nhân với vai trò quyết định cả một quốc gia dân tộc như vậy hẳn chứa đựng rất nhiều bài học. Ông Phạm Uyên Nguyên trong vai trò một người đọc kỹ tác phẩm này, tự nhận có nhiều chỗ rất đáng suy ngẫm, như chỗ Ben-Gurion nhìn nhận về nước Nga, và vai trò to lớn của ông trong việc chọn con đường tự cường cho Israel.
Đây là quyển thứ 2 về Israel sau quyển Quốc gia khởi nghiệp trong tủ sách Kiến thiết quốc gia của Alphabooks. Sách phát hành toàn quốc, 520 trang, giá bìa 179.000 đồng.
“Đây là hồi ký về vị cha khai quốc của Israel, được viết bởi chính cây bút viết hồi ký chính thức của ông, tiến sĩ Michael Ba-Zohar. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một cuốn hồi ký mang tính chính trị cũng như cá nhân. Trong cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu tầm nhìn không thỏa hiệp của Ben-Gurion về địa vị của một quốc gia và sự thống nhất Do Thái, kết hợp cùng thiên tài của những chiến thuật quân sự và chính trị cụ thể, đã cho phép ông thành lập nên Nhà nước Israel và lãnh đạo đất nước trải qua những thử thách xã hội, kinh tế và quân sự trong những năm tháng đầu tiên…”. (Lời tựa của bà Meirav Eilon Shahar - đại sứ Israel tại Việt Nam) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận