03/08/2017 07:30 GMT+7

Nghệ thuật có đắt đâu, chỉ cây sáo vàng là hình như hơi đắt!

Đạo diễn NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
Đạo diễn NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP

TTO - Một ngày tháng 8, Hà Nội đổ mưa rào, một trận mưa mùa hè có cả giông cả mùi lá sấu dập… Tôi rón rén nhón đầu mũi chân trong phòng tập của nhà hát Âu Cơ.

Nghệ sĩ độc tấu sáo (flute soloist) Lê Thư Hương - Ảnh: N.H.Điệp 

SUBSCRIPTION CONCERT VOL. 102 là chương trình nhạc giao hưởng sẽ diễn ra lúc 20h ngày 4-8 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Chương trình có sự góp mặt của: nhạc trưởng Lê Phi Phi, nghệ sĩ độc tấu sáo Lê Thư Hương cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và các khách mời đặc biệt: Furube Kenichi - bè trưởng Oboe của dàn nhạc New Japan Philharmonic, Hayakawa Risako - đàn Harp của dàn nhạc giao hưởng NHK.

Đêm nhạc sẽ trình diễn các tác phẩm: Đội du kích Hoàng Ngân, độc tấu đàn Nguyệt của Cồ Huy Hùng, Georges Hue: Fantasy for Flute and Orchestra Francois Born: Carmen Fantasy for Flute and Orchestra Rimsky - Korsakov: Scheherazade...

Ấy là nơi dàn nhạc giao hưởng quốc gia đang tập những buổi cuối cùng cho concert lớn diễn ra vào tối ngày 4 -8 sắp tới!

Tèn ten ten tén, tén ten ten tèn… bạn hãy hình dung, tôi cầm máy ảnh Fuji bước rất chi nhịp nhàng trong điệu nhạc thân quen, đôi lúc tôi quên mất mình ở đây để làm gì… tôi cứ tưởng mình là một vũ công cơ đấy!

Risako chơi đàn Harp, ngồi vuốt những giai điệu thần tiên khi nàng Scheherazade xuất hiện…

Dàn dây tạm yên, nhường cho Hoàng Lan violin một mình đối đáp, tiếng mảnh, trong vắt… nhạc trưởng Lê Phi Phi nghiêng nghiêng, miệng mở ra trong một khẩu hình bản năng mê đắm, tay vung lên nhịp nhàng như đang múa!

Nhìn bàn tay ấy, có cảm giác nốt nhạc là những cây giá đỗ hữu hình, có thể cầm được, nắm được, các thanh âm đang bay lượn xung quanh anh nhạc trưởng, và bàn tay cứ xoè ra, nắm lại, bắt, tóm, nhốt, níu, thả, tung, mơn trớn, ve vuốt lũ giá đỗ vô hình…

“Hương ơi, chờ 10 phút nhé”, nhạc trưởng dặn dò. Nhóm oboe toàn mày râu tranh thủ tán dóc với nhau một câu gì đó và cười khinh khích, hội trống phía sau bắt tín hiệu hưởng ứng trong âm thầm.

“Cô sáo” của tôi đung đưa theo giai điệu, đôi lúc quay lại giao lưu với dàn nhạc phía sau lưng, đôi lúc nhìn nhạc trưởng Phi Phi rất tình cảm… thứ âm nhạc tiếng là cổ điển nhưng mọi kịch tính, cao trào, khoảng đệm sau mỗi lần vang lên lại như mới tinh, như không đoán biết, như cứ đợi, cứ chờ, cứ vọng ngân rung…

Lê Thư Hương - nghệ sĩ độc tấu sáo (flute soloist), vừa lau cây sáo bạc vừa cười tươi gật gật ra dấu. Hương thì thào khoe với tôi, tối hôm ấy tôi mặc váy đỏ, Carmen mà, cài hoa đỏ luôn nhé, bên tai này…

Váy của Chula à?...

Không, váy của tôi, cũng đẹp lắm, ôm ngang thế này này…

Trong khi đó, nhạc trưởng đang rà lại: Ồ, cái này sai rồi…

Thế sai từ tổng phổ luôn à? Ừ, tổng phổ đấy, xem nhé, 229 rồi, đấy là lặng trắng, không phải đen. Thì tổng phổ đang ghi là lặng trắng?

Không anh nhầm rồi, là câu dưới, câu dưới cũng là lặng trắng nhé! Rồi thử nào!

​Nghệ thuật trình diễn của Lê Thư Hương truyền tải sự ấm áp và âm nhạc thật sự trong khuôn khổ của phong cách tuyệt vời, cùng với sự điều khiển cây sáo điêu luyện chứa đựng một tiếng sáo đẹp và một kỹ thuật chắc chắn.

Các màn trình diễn của cô thể hiện sự chuyên nghiệp hiện đại cùng với sự sáng tạo tinh tế khiến chúng trở nên hấp dẫn và đáng nhớ...

GS - TS sáo James Scott, nguyên hiệu trưởng trường Âm nhạc - Đại học Bắc Texas
Thư Hương và nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng dàn nhạc - Ảnh: N.H.Điệp
Thư Hương và nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng dàn nhạc - Ảnh: N.H.Điệp

Thư Hương 7X đời chót, nhưng gương mặt tựa như 9X đời đầu, có chút ngầu ngầu, tóc quăn hung vàng đổ sang một bên, ăn vận hiện đại, bắt đầu thổi sáo!

Ồ, lần đầu tiên ngắm một nghệ sĩ flute chơi solo gần đến vậy, xao xuyến chứ…

Carmen đấy, si tình và dữ dội, tự do và hoang dã, quyến rũ và đáng lo. 

Hừm, âm nhạc quả nhiên cho mình cảm giác của thứ game nhập vai cao cấp thượng thừa… vài giờ đồng hồ trong phòng tập không đủ tiêu chuẩn cho dàn nhạc của nhà hát Âu Cơ, tôi - một kẻ chả có nhạc cụ nào trên tay, chỉ ngồi đó đần độn và dỏng tai lên nghe bằng sạch cả những nốt sai trong tổng phổ…

Tôi lúc như thấy mình là thằng trộm nhảy trên mái nhà, lúc lại có vẻ giống một cô Carmen váy đỏ rực tình đang ném bánh mật lên tường đá… thật là diệu kỳ, trong cơn mưa rào mùa hạ, tôi ở đây - không còn là tôi đầy so đo nữa!

Giữa quãng nghỉ ngắn, Thư Hương cầm sáo bạc trên tay, quyền lực nhưng thanh thản. Dàn nhạc phía dưới lao xao.

Tôi bắt chuyện, cho tôi mượn sáo đi. Đây, mười nghìn đô-la của tôi đấy ! Đắt thế à? Ừ, bạc nguyên chất mà, bằng vàng còn đắt hơn. Thế cố lên, mua sáo vàng.

À, tôi thích sáo bạc hơn, tiếng nó ấm và có chất mộc nguyên thuỷ của bạc, nhưng sáo vàng cũng hay, tiếng sáng bay nhưng mảnh hơn và lấp lánh…chỉ là mình thích tiếng nào, tiếng nào hợp với mình hơn thôi!

Lê Thư Hương đang tập cùng dàn nhạc - Ảnh: N.H.Điệp

Hoá ra xem dàn nhạc tập rất thú, bạn có thể nhìn thấy hết những chuyển biến, những mắc, những tắc, rồi những ngọt ngào, những cao trào, những thăng hoa mà lắm khi… chẳng bao giờ lặp lại.

Lại còn có thể nghe các nghệ sĩ hô lên, đói quá rồi nữa chứ! Đúng giờ hành chính bắt đầu, nhưng buổi tập thường lẹm quá giờ nghỉ trưa…

Chị Mai Anh violin bảo tôi, này có khi em phải đến làm cho bọn chị một cái phim, về khán giả khi đi nghe giao hưởng, ôi nhiều chuyện cười buồn lắm, ví dụ như là chuyện chả ai thích mua vé đâu… hoặc toàn mua vé vào giờ chót!

Tôi xã giao cười hùa với chị, bụng thầm nghĩ, có khi phải đặt hàng dàn nhạc chơi một concert về khán giả đi xem phim nghệ thuật…

Bữa trưa hôm nay, các nghệ sĩ ngồi quây quần ăn cơm niêu, có cả cà pháo, có cả mắm tôm, cả cá bống và rau muống xào nhiều tỏi.

Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật đan xen nhau. Họ nói đủ chuyện về bạn bè, về lưu diễn, về chuyện website luôn bị “hack” đúng ngày cần quảng cáo bán vé!

Lê Thư Hương - Ảnh: N.H.Điệp
Lê Thư Hương - Ảnh: N.H.Điệp

“Tôi học nhạc viện từ khi lên 7, theo chân bác và anh họ tôi. Là nghệ sỹ chơi đàn đồng nghĩa với việc phải tập luyện với nhạc cụ thường xuyên để giữ được độ mềm dẻo và thuần thục của ngón đàn, nghĩa là học luôn đi đôi với hành, học cả đời/ tập cả đời.

Ban đầu, học piano, mà sau mẹ tôi thấy hoàn cảnh quá, vì thời đấy nhiều lúc 10 người tập chung một cái đàn ở trên trường, nên chuyển tôi sang lớp sáo.

Lớp sáo thì ít người học mà hy vọng sau này sẽ có nhiều cơ hội làm nghề hơn. Hồi đấy mình bé, mẹ bảo sao nghe vậy. Chả ngờ lại hợp và đam mê!”

Cô bạn tôi kể lại vì sao lại có ngày thành flute soloist, đơn giản và…tự nhiên!

Còn tôi, đang mải xem thông tin giá vé buổi biểu diễn ở Nhà Hát Lớn, buổi biểu diễn toàn các ngôi sao trong giới âm nhạc hàn lâm, cầu kỳ luyện tập biết bao ngày, có giá vé bắt đầu từ 100 nghìn cho sinh viên!

Tôi nghĩ bụng, mình sẽ mua vé loại 3 trăm, còn nếu sau này nghèo quá, mình sẽ xin bạn mình cho đến nghe dàn nhạc tập luyện thôi…

Nghệ thuật có đắt đâu, chỉ cây sáo vàng là hình như hơi đắt!

Thông tin đêm diễn 4-8
Thông tin đêm diễn 4-8
Thông tin giá vé
Thông tin giá vé
Đạo diễn NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên