09/03/2009 03:57 GMT+7

Nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Hằng ngày có người đàn ông chạy xe từ phố cổ đến một căn phòng ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội), công việc trong ngày chỉ quẩn quanh với mấy bản khắc, những tấm giấy dó và những bản tranh đã nhuốm màu thời gian. Vậy mà ông đã gắn bó với căn phòng này hơn nửa đời người. Ông là Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống.

G69wrnJc.jpgPhóng to

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên trong không gian tranh Hàng Trống - Ảnh: Hà Hương

Mấy năm trước ở Hàng Trống vẫn còn một cửa hàng bán tranh. Nhưng bây giờ người bạn già của ông Nghiên đã về với đất, chứng tích cuối cùng về một dòng tranh từng làm nên tên tuổi con phố cổ này cũng không còn nữa. Điều gợi nhớ về dòng tranh Hàng Trống là một căn phòng 30m2 với la liệt tranh vẽ và bản nháp nằm sâu trong khuôn viên của cơ sở II Bảo tàng Mỹ thuật VN ở phố Hoàng Cầu.

Ông Nghiên cũng không nhớ rõ gia đình mình làm tranh từ bao giờ, chỉ biết lớn lên một chút thì biết giúp cha làm tranh, mang ra phố bán mỗi dịp tết. Ông cũng không nhớ nổi gia đình mình có mấy đời gắn bó với nghề, chỉ biết đời nọ nối tiếp đời kia, nghề truyền từ đời ông sang đời cha rồi đến đời mình. Ông kể với giọng đầy nuối tiếc: Ngày xưa còn có đôi ba nhà làm tranh, giữ được nhiều bản tranh quý nhưng rồi thời gian trôi qua, có nhiều tranh đẹp bị thất lạc đến nay không còn nhìn thấy nữa.

Nghề làm tranh cũng lắm thăng trầm. Bắt đầu làm tranh đi bán từ thuở lên chín lên mười, nhưng có những lúc ông Nghiên cũng phải bỏ nghề. Hồi chiến tranh, ông đi làm công nhân quốc phòng. Ông bảo phải vào Nhà nước mới có tem phiếu, tranh lúc đó bán khó lắm. Thỉnh thoảng nhớ nghề, thứ bảy hoặc chủ nhật ông đạp xe về giúp bố mài mực vẽ tranh.

Tranh của ông giờ chủ yếu là bán cho khách Tây hoặc người quen. Ông gọi đây là nghề ăn nghề chơi, vì có khi đến cả tháng ông chả bán được bức nào. Để có thêm thu nhập, ông mày mò làm nhiều việc khác như bồi tranh cũ, sửa chữa các di tích mới được sắc phong. Nhưng rồi như mang nghiệp vào thân, ông trở về với nghề làm tranh.

Gần 60 tuổi, đã có nửa thế kỷ làm tranh Hàng Trống nhưng nghệ nhân này vẫn không day dứt về tương lai của nghề. Ngày ngày, ông vẫn kiên trì cầm tay chỉ việc người con trai từ bồi, in, vẽ đến những việc đơn giản nhất với hi vọng có người giữ được nghề của tổ tiên. Hỏi ông sao không nhận nhiều học trò để có người đỡ đần, ông bảo: “Đây là nghề gia truyền mà người làm tranh cũng đâu phải giàu có gì. Phải kiên trì từ 5-7 năm mới có thể coi là thành thục các công đoạn cơ bản, khổ thế ai theo được”. Sốt ruột, ông lôi cậu con trai chưa kịp tốt nghiệp trung học phổ thông về làm. Con trai ông năm nay 21 tuổi, kể ra cũng đã có 5 năm trong nghề làm tranh Hàng Trống. Tuy vậy, ông vẫn không khỏi thở dài: “Tuổi trẻ nhiều đam mê, biết nó có theo được như mình không?”.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên